516

NHƯỢC THỊ

                                                                                                                                   

NHƯỢC THỊ

 

Khoa Khám Mắt – Bệnh viện Mắt

BS. Ngô Lan Anh

                                    

 Tài liệu trích dịch từ “ Care of patient with Amblyopia 

trong ( OPTHOMETRIC CLINICAL PRACTICE GUIDELINE )

 

Bé 4 tuổi được mẹ đưa đi khám mắt với mục đích muốn nghe bác sĩ tư vấn cho bé đeo kính lọc xanh bảo vệ mắt khi nhìn màn hình máy tính.

Tại phòng khám bác sĩ đã yêu cầu mẹ cho bé đi đo kính.

Kết quả sau khi đo kính bé bị loạn cận đơn mắt phải (-2.0D. 180), mắt tri loạn cận đơn ( -3.0 D. 180). Kết quả này làm mẹ bé bất ngờ khi nghe bác sỹ thông báo con mình có tật khúc xạ và có nguy cơ nhược thị cao.

Vậy nhược thị là gì? Mục đích bài viết này sẽ cung cấp thông tin và giáo dục cho nhân viên chăm sóc sức khỏe ban đầu, giáo viên, phụ huynh, bệnh nhân về biến chứng thị giác của nhược thị và các biện pháp điều trị hiện tại.

  1. Nhược thị là gì? Tỉ lệ nhược thị:

Nhược thị là mắt có thị lực < 10/10 đến mù chức năng (1/10 hoặc thấp hơn ), có thể 1 hoặc 2 bên không kèm theo bất thường cấu trúc nhãn cầu hay bệnh lý của mắt.

Nhược thị không chỉ đơn thuần giảm thị lực mà còn là hội chứng các tổn hại chức năng bao gồm:

  • Bất thường về cảm nhận không gian: biến dạng và không ổn định.
  • Định thị một mắt không chính xác và ổn định.
  • Khả năng mắt theo đuổi kém.
  • Giảm nhận thức tương phản.
  • Đáp ứng điều tiết không chính xác.

Theo nghiên cứu của Mỹ:  Tỉ lệ nhược thị trong dân số khoảng 2%. Nhóm dân số < 20 tuổi nhược thị gây mất thị lực nhiều hơn chấn thương và các bệnh lý mắt khác. Nhóm 20-70 tuổi nhược thị chức năng là nguyên nhân dẫn đầu của mất thị lực 1 mắt.

  1. Nguyên nhân nhược thị:
  • Nhược thị chức năng: xảy ra ở trẻ < 6 – 8 tuổi do các nguyên nhân ngăn trở tiếp nhận ánh sáng, lé hoặc tật khúc xạ.
    • Ngăn trở tiếp nhận ánh sáng:
      • Đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc chấn thương.
      • Sụp mi hoàn toàn sớm.
      • Đục giác mạc.
      • Máu tiền phòng.
      • Xuất huyết pha lê thể.
      • Điều trị che mắt không kiểm soát tốt
      • Điều trị gia phạt không kiểm soát tốt.
    • Lé một mắt thường xuyên: Nhược thị do lé thường kết hợp với lé một mắt thường xuyên khởi đầu sớm( <6 tuổi). Vì trẻ lé không định thị bằng hai hoàng điểm, 2 mắt nhận hai hình ảnh thị giác khác nhau gây nên hiện tượng chồng hình và song thị. Để hạn chế các hiện tượng này, hệ thống thị giác sẽ hạn chế hoặc ngăn trở hình ảnh của mắt lé. Sự ngăn trở này sau một thời gian sẽ gây nên thay đổi trên vỏ năo và hình thành nhược thị mắt lé. Các bệnh nhân này thường sử dụng định thị 1 mắt ưu thế.
    • Nhược thị có thể xảy ra ở lé luân phiên và lé từng lúc nhưng thường ở mức độ nhẹ ở mắt lé thường xuyên hơn. ( thị lực  3/10).
    • Tật khúc xạ không được chỉnh kính:
      • Độ khúc xạ cao hai mắt sẽ tạo ảnh mờ trên võng mạc ở hai mắt. Sau một thời gian làm chậm sự phát triển phản xạ sinh lý thần kinh của đường thần kinh thị giác và vỏ não thị giác.
        • Viễn thị > 5.00D
        • Cận thị > 8.00D
        • Loạn thị > 2.50D.
        • Thường thị lực đạt được tốt nhất sau lần chỉnh kính đầu tiên là > 3/10.
      • Bất đồng khúc xạ: Sự chênh lệch khúc xạ dẫn đến hình ảnh trên võng mạc của mắt có tật khúc xạ cao hơn mờ hơn mắt kia và gây ngăn trở sự phát triển phản xạ sinh lý thần kinh của đường thần kinh thị giác và vỏ não thị giác. Độ chênh khúc xạ hai mắt càng nhiều thì nhược thị càng sâu.
        • Viễn thị > 1.00D
        • Cận thị > 3.00D
        • Loạn thị > 1.00D
  1. Yếu tố nguy cơ: Nguy cơ tiến triển nhược thị kết hợp với mắt lé, tật khúc xạ và các tình trạng gây cản trở sự tiếp nhận ánh sáng do che trục thị giác của 1 hoặc 2 mắt trong thời gian phát triển thị lực < 6-8 tuổi.

Một số yếu tố nguy cơ khác:

  • Sanh non, nhẹ cân khi sanh.
  • Bệnh võng mạc trẻ sanh non.
  • Liệt não.
  • Chậm phát triển tâm thần.
  • Tiền sử gia đình có tật khúc xạ, lé, nhược thị, đục thủy tinh thể bẩm sinh.
  • Mẹ sử dụng thuốc lá, uống rượu trong thời gian mang thai.
  1. Phát hiện sớm nhược thị và ngăn ngừa:

Nhược thị là tình trạng có thể ngăn ngừa và điều trị đặc biệt khi được phát hiện sớm:

Để phát hiện sớm trẻ sau sinh nên được khám đại trà ở các thời điểm 4 tuần, 1 tuổi, 4 tuổi và được theo dõi hàng năm cho nhóm có nguy cơ.

  1. Phân loại mức độ nhược thị:
  • Nhược thị nhẹ: thị lực > 5/10.
  • Nhược thị trung bình: 2-5/10.
  • Nhược thị nặng: < 2/10.
  1. Điều trị nhược thị:
  • Chẩn đoán nhược thị:
    • Bệnh sử:
    • Khám lâm sàng
      • Thị lực
      • Khúc xạ
      • Định thị 1 mắt
      • Độ lé
      • Hợp thị
      • Điều tiết
      • Vận động nhãn cầu
      • Khám tổng quát mắt và toàn thân
      • Các nghiệm pháp phụ trợ
    • Điều trị nhược thị:
      • Chỉnh kính: Sử dụng kính gọng, kính tiếp xúc để đảm bảo võng mạc nhận được hình ảnh rõ nhất. Chỉ cần chỉnh toàn bộ độ khúc xạ đã có hiệu quả ở một số bệnh nhân có tật khúc xạ bằng nhau hoặc bất đồng khúc xạ. Sau 4-6 tuần đeo kính, bệnh nhân được tái khám kiểm tra thị lực và tư vấn điều trị.
      • Che mắt: Là nền tảng điều trị nhược thị 200 năm nay. Che mắt tốt cho phép mắt nhược thị gia tăng xung thần kinh lên vỏ não thị giác. Phương pháp này tiện lợi, hiệu quả ít đòi hỏi tập luyện tại cơ sở chữa bệnh.
        • Che mắt tòan thời gian, bán thời gian, tối thiểu.
        • Che mắt bằng băng gạc, miếng che mắt điều trị nhược thị có thể phối hợp nhỏ thuốc, đeo kính chỉnh tật khúc xạ.

Có rất nhiều báo cáo về thành công của phương pháp che mắt cho bệnh nhân nhược thị do lé có định thị ngoại tâm, nhược thị do bất đồng khúc xạ, nhược thị do ngăn trở tiếp nhận ánh sáng.

Tuy nhiên thất bại của điều trị che mắt, đặc biệt các bệnh nhân > 8 tuổi là do bé từ chối che mắt.

Tác dụng phụ của che mắt:

  • Nhược thị do che mắt do không được quản lý chặt chẽ, bệnh nhân không đi tái khám theo hướng dẫn.
  • Bệnh nhân hợp tác kém do không thẩm mỹ, giảm thị lực lúc đi học.
  • Dị ứng , kích thích da do băng che.
  • Điều trị thị giác chủ động cho nhược thị được thiết kế cho các khiếm khuyết: định thị, vận động, nhận thức không gian, khả năng điều tiết và chức năng thị giác hai mắt.

Mục đích của điều trị thị giác chủ động là điều trị các khiếm khuyết trên giúp cân bằng các chức năng thị giác một mắt và cuối cùng nối kết mắt nhược thị và chức năng thị giác hai mắt.

  • Điều trị nhược thị do ngăn trở tiếp nhận ánh sáng: (Ví dụ đục thủy tinh thể bẩm sinh) được chẩn đoán sớm, điều trị đầu tiên là phẫu thuật giải quyết ngay trong 2 tháng đầu của đời sống, đeo kính chỉnh hết tật khúc xạ. che mắt bán phần 2h/1 ngày, tái khám mỗi 2-4 tuần trong 1 năm để theo dõi sự phát triển của thị lực. Đối với bệnh nhân có ngăn trở vật lý đến khám sau 12 tháng tuổi, bệnh có thể bẩm sinh hoặc sau 4-6 tháng sau sinh. Tiên lượng phục hồi thị lực sẽ kém.

 

Kết luận:

Giai đoạn từ sau sinh đến 6-8 tuổi là giai đoạn phát triển nhanh của hệ thống thị giác, nếu xuất hiện các nguyên nhân gây ngăn trở ánh sáng và mắt, các khiếm khuyết quang học hoặc lé mắt, nhược thị dễ dàng xuất hiện

Pht hiện sớm nguyên nhân nhược thị và các tình trạng đi kèm là yếu tố rất quan trọng để bảo tồn thị lực cho bé.

Phương pháp chỉnh kính, che mắt và điều trị thị giác là các phương pháp điều trị chính cho nhược thị. Tiên lượng của điều trị nói chung là tốt, đặc biệt khi được chẩn đoán sớm và điều trị sớm.

Tốt hơn là nhà nước có chính sách khám tầm soát phát hiện bệnh cho trẻ trước 3 tuổi.

Nếu trẻ bị nhược thị không điều trị sẽ gây ảnh hưởng cho trẻ ngay trong sinh hoạt đời sống hàng ngày, thiệt thòi cho chọn lựa nghề nghiệp trong tương lai như với những công việc cần phải có thị giác hai mắt : lái xe ô tô, vẽ bản đồ, công an, phi công, phẫu thuật viên.