432

Các bước cần làm khi đi khám bệnh để phòng COVID-19

Hiện nay đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại một số địa phương. Mặc dù người dân đều hiểu được sự nguy hiểm của dịch COVID-19 và thực hiện phòng tránh theo khuyến cáo của ngành y tế, tuy vậy, có những công việc không thể không ra khỏi nhà, nhất là khi ốm bệnh hoặc đã mắc bệnh mạn tính nay cần phải khám lại. Đây là một việc bất khả kháng. Vậy, khi đến khám ở bệnh viện, người bệnh, người nhà bệnh nhân đi cùng nên lưu ý những điểm gì để phòng Covid-19 cho bản thân mình và cả cộng đồng?

Để làm tốt công việc này, hiện tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập, theo chỉ đạo của ngành y tế, đều phải bố trí ít nhất một phòng khám cách ly các trường hợp nghi viêm đường hô hấp (sốt, ho…) chưa rõ nguyên nhân và tiến hành các biện pháp phòng ngừa, cách ly và tiến hành xét nghiệm COVID-19 ngay sau khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm.

Vì vậy, khi người dân bắt buộc phải đi khám chữa bệnh cần lưu ý và thực hiện tốt mọi sự chỉ dẫn của nhân viên tiếp đón tại các bệnh viện và cơ sở y tế để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Về vấn đề này, ngành y tế đã có văn bản chỉ đạo tất cả các cơ sở y tế trong và ngoài công lập phải tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khâu tiếp đón, khi người bệnh đăng ký khám chữa bệnh. Bệnh viện phải có đủ nhân viên hướng dẫn phân luồng, đặc biệt phải có phòng khám riêng cho những người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, đau họng…) chưa rõ nguyên nhân. Tại phòng khám đặc biệt này bác sĩ khám bệnh cần hết lưu ý khai thác yếu tố dịch tễ học của người bệnh sống hoặc đến từ vùng dịch COVID-19 trong vòng 14 ngày (ví dụ, đã từng đến Đà Nẵng hoặc có tiếp xúc với người từ Đà Nẵng trở về trong tháng 7/2020 cho đến ngày đi khám bệnh).

Đối với người đến khám bệnh, ngay khi đến cơ sở khám chữa bệnh cần liên hệ ngay với nhân viên tiếp đón, đồng thời khai báo nhanh tình trạng sức khỏe, nhất là khai báo các dấu hiệu viêm đường hô hấp cấp tính hiệu như ho, sốt… (nếu có) để nhân viên y tế tiếp đón hướng dẫn cụ thể và phân loại vào từng khu vực khám bệnh phù hợp.

Song song với các công việc đó, mọi người dân khi đi khám chữa bệnh hay người nhà đi cùng để hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân tại phòng khám bệnh và trong bệnh viện phải đeo khẩu trang đúng quy cách (khẩu trang phải bịt kín miệng, mũi, không cùng một lúc đeo nhiều khẩu trang…). Ngồi chờ khám bệnh, mỗi người bệnh ngồi phải cách nhau ít nhất là 2m, không trao đổi, không nói chuyện, không cười nói, không bắt tay nhau, không hôn nhau… Người bệnh và người nhà đi cùng mỗi khi ho, hắt hơi cần che miệng bằng khăn ướt hoặc bằng khuỷu tay của chính mình và không khạc nhổ bừa bãi. Tại các phòng khám có dung dịch sát khuẩn, người bệnh và người nhà bệnh nhân nên thường xuyên rửa tay hoặc sát khuẩn tay nhanh để phòng tránh COVID-19. Người bệnh và người nhà cần hết sức chú ý đến các biển báo chỉ dẫn và tuyệt đối không đi lại hoặc đứng, ngồi gần những khu vực có biển báo “Khu vực cách ly”. Khi người bệnh đã khám xong hãy cùng người nhà nhanh chóng rời khỏi bệnh viện, hạn chế đến mức tối đa thời gian lưu lại trong bệnh viện khi không cần thiết.

Khi về đến nhà mình, người bệnh và người nhà, việc đầu tiên là sát khuẩn tay bằng cách rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch (là tốt nhất là sát trùng tay bằng dung dịch sát khuẩn). Cần rửa tay nhiều lần, sau đó mới dùng tay đã rửa sạch tháo khẩu trang ra bỏ vào thùng rác, đậy kín lại. Việc tiếp đến là thay hết quần áo bằng quần áo sạch, quần áo bẩn cần được giặt sạch với xà phòng và phơi nắng.

Đo thân nhiệt và rửa tay trước khi vào bệnh viện

Khai báo y tế điện tử khi vào bệnh viện

Bệnh viện Mắt khuyến khích Bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân quét mã QR code để khai báo y tế online trước khi vào bệnh viện