Vừa qua, trong 50 kiều bào tiêu biểu vinh danh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM, GS. Nguyễn Xuân Nhung, người Việt Nam ở Đức, là cộng tác viên khoa học, giảng viên hợp tác tại Bệnh viện Mắt TP.HCM và có hơn 20 năm điều hành chương trình hợp tác nhãn khoa Đức – Việt cũng đã được vinh danh trong dịp này.
Chân dung GS. Nguyễn Xuân Nhung (ảnh: nhân vật cung cấp)
Son sắt một nỗi niềm “phát triển nền y học nước nhà – chuyên ngành Nhãn khoa”
Sinh ra và lớn lên ở một vùng đất “hội tụ” đầy đủ nét đẹp thiên nhiên với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử và được biết đến như một nơi “địa linh nhân kiệt” – tỉnh Bình Định, Giáo sư Nguyễn Xuân Nhung (sinh năm 1954) là một nhà khoa học luôn đau đáu mong muốn phát triển ngành Nhãn khoa nước nhà.
Những năm 1970, Giáo sư Xuân Nhung nhận được học bổng du học tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Đến năm 1979, Giáo sư (GS) đã tốt nghiệp Đại học Y khoa tại Cộng hòa Dân chủ Đức và có nhiều cơ hội làm việc trong môi trường điều kiện làm việc tiên tiến, chế độ ưu đãi cao. Nhưng GS. Xuân Nhung đã quay về quê hương để góp sức phát triển nền y học nước nhà từ những kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân được đào tạo tại xứ người.
“Quyết tâm phải trở về với quê hương, cội nguồn mãi là nguồn sống, nguồn máu thịt, tôi không ngần ngại mà quyết định rời nước Đức để trở về Tổ quốc tiếp tục cống hiến, truyền đạt những kinh nghiệm chuyên môn được đào tạo bài bản ở một đất nước với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại” – GS. Nguyễn Xuân Nhung đã chia sẻ.
Rời nước Đức, GS. Xuân Nhung đã nhận công tác tại Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội. Những năm tháng làm việc ở Bệnh viện Mắt Trung ương Hà Nội, GS. Xuân Nhung nhận ra rằng: “nếu đội ngũ y tế được trang bị thêm những kiến thức tiên tiến, hiện đại hơn về chuyên ngành Nhãn khoa, sẽ điều trị bệnh cho nhiều người hơn giúp hàng ngàn, hàng triệu người bệnh tìm lại ánh sáng, qua đó giảm bớt một phần nỗi lo, gánh nặng cho xã hội”.
Chỉ một suy nghĩ ấy, GS. Xuân Nhung lại tiếp tục hành trình trở lại nước Đức để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu về bệnh học, chẩn đoán và điều trị chuyên sâu về nhãn khoa. Trong thời gian này, GS. Xuân Nhung được mời tham gia vào Quỹ học bổng Alexander Von Humbold và trực tiếp tham gia nghiên cứu sinh tại trường Đại học Erlangen – Đức, đồng thời được mời làm cộng tác viên khoa học tại Khoa Mắt trường Đại học Erlangen vào năm 1990.
Năm 1990, GS. Xuân Nhung xuất cảnh và định cư ở Cộng hòa liên bang Đức. Suốt từ năm 1990 đến năm 2001, GS. Xuân Nhung đã tham gia rất nhiều công trình và nghiên cứu thành công về bệnh học, các phương pháp chẩn đoán và điều trị trong ngành Nhãn khoa tại Khoa Mắt trường Đại học Erlangen của nước Đức. Năm 2001, GS.Nhung đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Mắt tại Đại học Erlangen và được phong học hàm Phó Giáo sư, đồng thời cũng là cán bộ giảng dạy tại Khoa Mắt trường Đại học Erlangen cho đến hết năm 2005.
Từ năm 2006, GS.Nhung là bác sĩ phụ trách Khoa Phục hồi chức năng thị giác thuộc Trung tâm Nhãn khoa Trường Đại học Tübingen – Cộng hòa Liên bang Đức, tiếp tục đảm đương vị trí là giảng viên tại Khoa Mắt tại trường đại học này. Trong suốt thời gian học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức, GS. Xuân Nhung đã hoàn thành rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học và kết quả các công trình được đăng tải 120 bài báo cáo khoa học trên các tạp chí Nhãn khoa thế giới. Đến tháng 10/2007, GS. Xuân Nhung được phong học hàm Giáo sư.
“Nhịp cầu tri thức” thành công cho một chương trình hợp tác Đức – Việt qua hơn 20 năm
Với nhiệt huyết của một nhà khoa học, GS Nguyễn Xuân Nhung (Tübingen) – kiều bào Việt Nam định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức, luôn là nhịp cầu kết nối và điều hành chương trình hợp tác nhãn khoa Đức – Việt.
Ảnh: Ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khoa học và đào tạo Đức – Việt năm 2024 (GS. Nguyễn Xuân Nhung là người ngồi giữa)
Từ năm 2003 đến nay, GS.Nhung đã kết nối và tổ chức thành công 5 kỳ Hội nghị Nhãn khoa Đức – Việt. Đây là một chương trình hợp tác khoa học và đào tạo giữa ngành Nhãn khoa Đức (Khoa Mắt – Bệnh viện Mắt của 4 trường đại học Erlangen, Tuebingen, Homburg, Cologne của Cộng hòa Liên bang Đức) và Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh với những hoạt động rất hiệu quả, tổng số vốn tài trợ là 200.000 Euro. Chương trình này do Tổ chức Tài trợ Hàn Lâm Đức (DAAD), Hội Nhãn khoa Đức (DOG), Hội Nhãn khoa Thế giới (ICO), chính quyền bang Bavaria Cộng hòa Liên bang Đức và Tổ chức nghiên cứu sinh nhãn khoa quốc tế IOFF tài trợ với mục tiêu nâng cao và mở rộng trình độ đào tạo bác sĩ nhãn khoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua các kỳ hội nghị, chương trình hợp tác đã cập nhật nhiều kiến thức, kỹ thuật tiên tiến thông qua các bài thuyết trình về bệnh lý học mắt và bề mặt nhãn cầu, bệnh lý giác mạc, thể thủy tinh, võng mạc và glôcôm; hội chẩn các trường hợp khó về giác mạc, dịch kính võng mạc, glôcôm; đồng thời hỗ trợ bệnh viện thuốc tra mắt Pilocarpin dùng trong phẫu thuật ghép giác mạc. Đặc biệt là từ năm 2013, Đại học Homburg (Đức) và Bệnh viện Mắt đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác về Đào tạo nghiên cứu khoa học và tổ chức các hội thảo hội nghị trong 5 năm (2013-2018). Theo đó, Hội nghị khoa học được tổ chức mỗi 2 năm một lần, luân phiên tại Đức và tại Việt Nam. Đặc biệt sau dịch Covid, mặc dù các hoạt động hợp tác quốc tế phần lớn bị gián đoạn, chương trình hợp tác vẫn hỗ trợ 1 suất học bổng 03 tháng của Tổ chức nghiên cứu sinh nhãn khoa quốc tế IOFF cho bác sĩ Nguyễn Quang Đại với chuyên ngành chuyên sâu về Glaucoma tại Cologne từ ngày 01/02/2023 đến 30/04/2023.
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 21 năm hoạt động liên kết giữa hai bên Đức – Việt lần thứ 5 với chủ đề “Những phát triển mới và lâu dài trong nhãn khoa”. Hội nghị này còn thảo luận chuyên đề về Ngân hàng Mắt để đánh giá, rút kinh nghiệm tình hình ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt thời gian vừa qua. Đặc biệt, các chuyên gia ghép giác mạc của nước Đức cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, kỹ thuật của việc chuẩn bị mảnh ghép, cũng như tối ưu hóa việc sử dụng mô hiến tặng trong ngân hàng Mắt. Đồng thời, Bệnh viện Mắt TPHCM cùng với Hội Nhãn khoa Đức tiếp tục ký kết Chương trình hợp tác Khoa học và Đào tạo giữa ngành Nhãn khoa Đức và Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo.
Ảnh: Các bác sĩ bệnh viện Mắt nhận chứng chỉ sau khóa đào tạo tại Đức
Từ sự kết nối hợp tác của GS. Xuân Nhung, chương trình hợp tác Đức – Việt đã hỗ trợ đào tạo ngắn hạn, dài hạn về chuyên môn cho 10 bác sĩ tại các Đại học Erlangen, Đại học Homburg, Đại học Freiberg và Đại học Cologne; phối hợp tổ chức 04 khóa học với sự đào tạo của các chuyên gia Nhãn khoa Đức tại Bệnh viện Mắt cho các bác sĩ thành phố và các tỉnh phía Nam; cung cấp các tạp chí và sách chuyên môn cần thiết cho Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh và Khoa Mắt – Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ Bệnh viện Mắt thành lập Phòng khám Điện Võng mạc, phòng Giải phẫu bệnh lý. Riêng năm 2014, Chương trình hợp tác phối hợp cùng Bệnh viện Mắt thành lập phòng Phục hồi chức năng thị giác với sự đồng hành tài trợ dụng cụ phục hồi chức năng thị giác có chi phí hỗ trợ khoảng 5.200 EUR.
Ảnh: Khóa đào tạo khiếm thị của chương trình hợp tác Đức – Việt
“Những việc làm đầy ý nghĩa mà tôi thực hiện suốt mấy chục năm qua, đó là tâm nguyện góp một phần công sức nhỏ bé cho quê hương, nơi tôi sinh ra, trưởng thành và ước mong sẽ tiếp tục cống hiến, nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên môn của mình vào sự phát triển ngành Nhãn khoa trong nước sánh bằng với ngành Nhãn khoa của nước Đức và của các nước thế giới.” – GS. Nguyễn Xuân Nhung chia sẻ thêm.
Luôn là vai trò “nhịp cầu nối tri thức” bền bỉ giữa ngành Nhãn khoa trong nước với Hội Nhãn Khoa Đức, Hội Nhãn Khoa Thế giới, GS. Xuân Nhung đã góp phần thực hiện việc chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến về ngành Nhãn khoa và đưa về Việt Nam các phương pháp khám, điều trị nhãn khoa tiến bộ; đồng thời góp phần đáng kể trong việc nâng cao trình độ đào tạo bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt thành phố và Khoa mắt Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
Với sự đóng góp nhiệt huyết của GS.Nguyễn Xuân Nhung, các cấp chính quyền TPHCM -Việt Nam luôn ghi nhận và đánh giá cao những thành tích tham gia công tác đào tạo, thành tích trong hợp tác nghiên cứu và điều trị mắt của Giáo sư tại Thành phố nhiều năm qua.
Phòng Kế hoạch Tổng hợp