725

BỆNH VIỆN MẮT – NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

(BVM) – Hiện thành phố đang ghi nhận nhiều ca bệnh đau mắt đỏ (hay gọi là bệnh viêm kết mạc do vi-rút). Qua hệ thống, Bệnh viện Mắt cũng đã nhận được nhiều câu hỏi tư vấn của người dân quan tâm đến tình hình bệnh hiện nay. Bệnh viện tổng hợp và thông tin phản hồi những câu hỏi thường gặp như sau:

Hỏi: Tình hình bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến bệnh viện điều trị hiện nay ra sao?
Trả lời: Kể từ sau những ngày nghỉ lễ 2/9 và khai giảng năm học mới,  số lượng người dân đến khám về bệnh Đau mắt đỏ trung bình 100 – 150 ca/ngày tại bệnh viện.

Hỏi: Tình trạng bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám có những biểu hiện bệnh nào là nổi trội nhất?
Trả lời: Hầu hết, người bệnh đau mắt đỏ đến khám có biểu hiện: mắt đỏ, có ghèn dính 2 mắt lại với nhau khi ngủ dậy, có cảm giác cộm, xốn tại mắt, mí mắt sưng, mắt khó chịu, đau nhẹ và có một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc.

Hỏi: Hiện nay rất nhiều người bị đau mắt đỏ, thời điểm nào bệnh đau mắt đỏ xuất hiện nhiều?
Trả lời: Hằng năm, từ tháng 8-11 là thời gian bắt đầu có nhiều ca bệnh đau mắt đỏ. Nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc cấp do vi-rút (adenovirus, enterovirus, coxsackie…), dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp. Do đó, Bệnh viện khuyến cáo người dân cần tăng cường những biện pháp phòng ngừa bệnh để bảo vệ đôi mắt, nhất là ở trẻ trong mùa khai giảng năm học mới.

Hỏi: Bác sĩ chia sẻ những nguyên nhân dẫn đến bệnh đau mắt đỏ, dấu hiệu nhận biết sớm và cách phòng ngừa bệnh?
Trả lời: Bệnh đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc cấp do vi-rút gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, đôi khi bùng phát thành dịch đau mắt đỏ.
  • Triệu chứng: Bệnh thường bắt đầu ở một mắt và vài ngày sau lây sang mắt còn lại. Triệu chứng tại mắt thường là cộm xốn, chảy nước mắt, ghèn/các chất tiết làm dính 2 mi mắt khi ngủ dậy, mi mắt phù, có các dấu hiệu viêm ở kết mạc, xuất huyết ở kết mạc, có thể kèm theo màng thật hoặc màng giả ở kết mạc sụn mi, nổi hạch ở trước tai.
  • Bệnh đau mắt đỏ do vi-rút thường tự giới hạn trong 7-15 ngày. Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch bắn từ hầu họng hoặc nước mắt có chứa vi-rút của người bệnh.
  • Để chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ lây lan người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn 70°, không đưa tay dụi lên mắt mũi miệng, không dùng chung đồ vật cá nhân: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang, gối mền… Nếu trong nhà có người bị đau mắt đỏ, phải thường xuyên sát khuẩn bằng cồn 70° các bề mặt mà người bệnh có tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn phím máy vi tính…

Hỏi: Khuyến cáo của bác sĩ về bệnh đau mắt đỏ, nhất là trong giai đoạn vừa bắt đầu năm học mới?
Trả lời: Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cho nên điều trị phần lớn các trường hợp vẫn là theo dõi, điều trị giảm triệu chứng. Do đó, người dân cần phòng ngừa bệnh như:
  • Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.
  • Sát khuẩn bằng cồn 70° những vật dụng như người bệnh có tiếp xúc như tay nắm cửa, điện thoại, bàn phím, ….
  • Người bệnh nên đeo khẩu trang nếu có triệu chứng hô hấp vì bệnh lây truyền qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi ho hoặc nhảy mũi.
  • Hạn chế đi học, đi làm 5 – 7 ngày đầu khi nhiễm bệnh.

Ảnh:  Rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu.

Hỏi: Hiện bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng ở TP.HCM, có nhiều trường hợp người dân e ngại đến bệnh viện khám vì đông, nên tự ý ra nhà thuốc mua thuốc nhỏ mắt về tự điều trị. Vậy xin bác sĩ có khuyến cáo gì đối với những trường hợp “tự dùng thuốc điều trị” như vậy?
Trả lời: Mục đích của điều trị là đem lại sự dễ chịu và phòng ngừa lây lan trong cộng đồng.
  • KHÔNG đưa vật lạ vào mắt như: xông hơi lá trầu, nặn chanh, đắp lá cây, lá nha đam, đắp thuốc, giã thịt ếch nhái, côn trùng, mật gấu, nước tiểu, sữa mẹ, … vì có thể làm mắt bệnh bị nhiễm trùng nặng hơn.
  • TUYỆT ĐỐI không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid (dexamethasone) khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Chưa có thuốc nhỏ ngừa bệnh.

Hỏi: Khi phát hiện các dấu hiệu đau mắt đỏ nên làm gì và lời khuyên dành cho người bệnh.
Trả lời: Nếu trong nhà có người bị đau mắt đỏ, phải thường xuyên sát khuẩn bằng cồn 70° các bề mặt mà người bệnh có tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn phím máy vi tính…
Đối với người bệnh cần tự cách ly, hạn chế tiếp xúc, tuân thủ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc cồn 70°, không đưa tay dụi lên mắt mũi miệng, không dùng chung đồ vật cá nhân: thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang, gối mền,….
Các bước chăm sóc mắt khi bị đau mắt đỏ:
 • Dùng đúng thuốc theo toa bác sĩ.
 • Làm sạch ghèn trước khi nhỏ thuốc.
 • Có thể nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo.
 • Rửa tay trước và sau khi rửa/nhỏ mắt.
 • Dùng bông gòn (loại dùng một lần) lau mắt, không dùng khăn.
 • Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu.
 • Đeo kính mát bảo vệ mắt và nên vệ sinh kính mỗi ngày.
 • Cách ly người bệnh (5 – 7 ngày).

Hỏi: Tại sao con tôi bị bệnh 1 tuần hơn mà mắt còn đỏ nhiều mặc dù cháu đã hết đau, cộm và mắt hết sưng.
Trả lời: Trường hợp viêm kết mạc cấp kèm xuất huyết dưới kết mạc, triệu chứng viêm kết mạc sẽ giảm dần từ 7 – 10 ngày, tuy nhiên đốm xuất huyết sẽ tự tan sau 2 – 3 tuần.
Do đó khi cháu không còn đau, cộm và đổ ghèn là viêm kết mạc đã khỏi nên gia đình yên tâm, đốm đỏ mắt do xuất huyết sẽ tan dần.