CẢNH BÁO TAI NẠN VỀ “PHÁO TỰ CHẾ”

Ở THANH THIẾU NIÊN

      Mỗi dịp nghỉ lễ, các tai nạn do pháo nổ có xu hướng gia tăng, đặc biệt không ít người dân tự chế pháo nổ gây nên hậu quả đáng tiếc. Số người bệnh nhập viện do chấn thương liên quan đến pháo nổ ngày càng tăng. Đa phần số ca nhập viện đều có chấn thương vùng mắt. Sức ép của vụ nổ pháo có thể xé toang nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn như phù giác mạc, chảy máu trong, sa lệch thể thủy tinh, rách võng mạc.. Việc chế tạo pháo là hết sức nguy hiểm, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Với bản tính tò mò và không hiểu hết tác hại của việc chế tạo pháo cũng như hậu quả mà nó gây ra cho bản thân cũng như những người xung quanh. Các clip hướng dẫn làm pháo nổ hay còn gọi là “pháo cối” rất nguy hiểm. Điều này khiến nhiều trẻ bị tai nạn vì pháo tự chế tăng cao, có trẻ bị chấn thương nghiêm trọng, gây tàn tật, thậm chí không ít trường hợp tử vong.

     Trong dịp lễ 2/9 năm 2024, khoa Nhi, bệnh viện Mắt đã tiếp nhận 01 ca cấp cứu liên quan đến pháo, chất nổ, đều gây bỏng tại mắt và da, rách giác mạc, dị vật trong nhãn cầu.

     Bệnh nhân nam N.V.D sinh năm 2009, Ba bé khai lúc 18h30 ngày 28/08/2024  bé ở nhà đang tự chơi chế pháo, bé gôm chất nổ của pháo cũ đem bỏ xuống cống và châm đốt bằng chân nhang thì bị pháo nổ văng vào mắt và mặt. Người nhà có đưa bé khám BV Đa khoa tỉnh để khám và điều trị sau đó chuyển lên bệnh viện Mắt với tình trạng:

Thị lực: Mắt phải: đếm ngón tay 3 mét, Mắt trái đếm ngón tay 0,5 mét.
Nhãn áp mắt phải 6 mmHg, mắt trái 5 mmHg

Khám: Thủng màng nhĩ hai bên, bỏng da mặt + da mi.
            Hai mắt đa dị vật kết mạc- giác mạc, rách lớp giác mạc.

Điều trị:
Bệnh nhân được khâu giác mạc + lấy dị vật, khám tai mũi họng và điều trị kháng viêm, kháng sinh và giảm đau.

            Bỏng da mặt và trán                                              Khâu giác mạc

Thủng màng nhĩ hai bên

       Người dân cần chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vật liệu nổ. Tuyệt đối không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ để tránh những tai nạn đáng tiếc. Vì vậy, các bậc phụ huynh và nhà trường cần tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về tác hại của pháo nổ để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

       Tai nạn do sử dụng các loại pháo và vật liệu nổ nói chung đều rất nguy hiểm, không chỉ để lại hậu quả thương tật vĩnh viễn cho chính bệnh nhân, trở thành thành gánh nặng cho gia đình, xã hội mà nặng nề hơn là ảnh hưởng đến tính mạng./.

Khoa Mắt Nhi – Bệnh viện Mắt Tp.HCM