26

CHẤN THƯƠNG MẮT TRONG LAO ĐỘNG

     Chấn thương mắt là một cấp cứu thường gặp trong nhãn khoa và là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu tại Việt Nam. Chấn thương mắt rất đa dạng về nguyên nhân (đất đá, cây cỏ, sắt, kẽm, quả bóng, móc câu, dây ràng, tôm búng,… ) gây tổn thương mắt nghiêm trọng như rách da mi, đứt lệ quản, rách giác-củng mạc, xuất huyết tiền phòng, vỡ nhãn cầu, dị vật hốc mắt, dị vật nội nhãn,… Ngoài ra, chấn thương mắt còn có thể kèm các chấn thương khác như sọ não, mũi xoang, răng hàm mặt,… làm mất thị lực vĩnh viễn,  giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí là  ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, việc phòng ngừa và bảo vệ đôi mắt trong sinh hoạt và lao động hàng ngày là vô cùng cần thiết.

       Hàng năm, bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm bệnh nhân chấn thương mắt từ đơn giản tới phức tạp, cả người lớn lẫn trẻ em. Gần đây, khoa Tạo hình thẩm mỹ – Thần kinh nhãn khoa đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 31 tuổi bị chấn thương mắt trong tai nạn lao động. Cụ thể, khi đang câu cá thì móc câu cá móc dính vào bèo, trong lúc cố gắng dùng sức kéo móc câu bằng chì ra khỏi bèo thì móc chì bật dội ra với một lực rất mạnh và văng vào mắt trái. Bệnh nhân lập tức đến khám tại bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh trong tình trạng mi mắt sưng nề, rách da mi, kết mạc xuất huyết, phù, dị vật móc câu cá còn cắm vào hốc mắt. Thị lực lúc nhập viện mắt trái chỉ còn 1/10, mắt còn lại thị lực 8/10. Bệnh nhân được chẩn đoán mắt trái rách da mi góc ngoài, theo dõi dị vật hốc mắt, chưa loại trừ tổn thương nhãn cầu. Người bệnh được chụp CT-Scan sọ não hốc mắt, ghi nhận: có mảnh dị vật cản quang dài 3,5cm nằm theo trục trước sau nhãn cầu trái, xuyên ra sau hốc mắt gây tụ máu hốc mắt. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu mắt trái lấy dị vật hốc mắt kết hợp thám sát những tổn thương khác trong nhãn cầu. May mắn phẫu thuật diễn ra tốt đẹp, dị vật hốc mắt được lấy ra khỏi mắt trái trong tình trạng nhãn cầu còn nguyên vẹn kết hợp điều trị nội khoa trong 5 ngày, tình trạng mắt yên và thị lực lúc xuất viện là 5/10

Hình 1. Dị vật hốc mắt trên phim CT-Scan.

Hình 2. Dị vật móc câu cá sau khi được lấy ra.

      Vì vậy trong sinh hoạt hàng ngày và lao động, người dân cần chú ý an toàn sinh hoạt, tuân thủ các qui định về an toàn lao động để bảo vệ đôi mắt quí giá. Đặc biệt khi xảy ra chấn thương mắt có kẹt dị vật, không tự rút dị vật mắc kẹt trong mắt để tránh tăng thêm tổn thương. Người bệnh và gia đình cần sơ cứu cầm máu tại chỗ, băng mắt chặt và nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt để được can thiệp và điều trị kịp thời.

Khoa Tạo hình Thẩm mỹ – Thần kinh Nhãn khoa