CHẤN THƯƠNG MẮT DO PHÁO NỔ TỰ CHẾ
CÂU CHUYỆN MÙA TẾT “ĐẾN HẸN LẠI LÊN”
Mỗi mùa Tết về, tràn ngập trong không gian hân hoan đón Tết, nhưng “cứ đến hẹn lại lên”, các kênh truyền thông tràn ngập những cảnh báo về nguy hiểm do tai nạn liên quan đến pháo tự chế khiến người dân lo lắng. Tỉ lệ tai nạn liên quan đến pháo nổ tăng đột biến và rất đáng kể ở độ tuổi học sinh, những câu chuyện đau lòng khi các em học sinh tự tìm hiểu và chế tạo pháo theo hướng dẫn của các đoạn phim ngắn trên mạng xã hội khiến nhiều trường hợp tai nạn đáng thương tiếc vẫn diễn ra với số lượng bệnh nhân nhập viên chấn thương do pháo tự chế tại khoa Mắt Nhi- Bệnh viện Mắt – TPHCM cụ thể 19 bệnh nhân.
Ngày 24/11, khoa Mắt Nhi- Bệnh viện Mắt – TPHCM đã tiếp nhận em N.D.D, 14 tuổi, cư trú tại Bình Dương, khi em tự chơi pháo tại nhà thì bị pháo nổ văng vào mắt gây vỡ nhãn cầu bên phải, sau chấn thương em bị cắt bỏ mắt phải do chấn thương quá nặng không thể bảo tồn được.
Em T.T, 15 tuổi ở Đăk Lăk sau khi rủ bạn chơi pháo tại nhà thì bị pháo nổ gây thương tổn cho cả nhóm, riêng em T.T bị đa chấn thương, rách nhãn cầu hai bên, cắt cụt ngón tay hai bên, chấn thương bỏng nặng ở đùi và tay chân, tổn thương bụng gây hoại tử ruột phải cắt bỏ đại tràng và tái tạo hậu môn nhân tạo đưa ra thành bụng. Sau thời gian dài phối hợp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Nguyên, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Mắt bé đã được xuất viện vào ngày 18/12, nhưng em sẽ mang theo những thương tật vĩnh viễn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này của em.
Đa chấn thương tay chân và hoại tử ruột do tai nạn pháo nổ, đã cắt đoạn đại tràng và mở hậu môn nhân tạo ra da
May mắn hơn hai bạn trên, em Q., 15 tuổi, nhà ở Bình Phước bị đa dị vật kết giác mạc hai mắt kèm theo bỏng rải rác mức độ nhẹ đến trung bình ở vùng mặt, tay chân sau. Sau điều trị tại Bệnh viện Mắt, em đã được lấy dị vật kết giác mạc, cải thiện thị lực và các vết bỏng cũng dần hồi phục. Theo lời kể của ba em Q., pháo tự nổ là em Q. và các bạn trong xóm hùn tiền nhau đặt mua nguyên liệu trên sàn thương mại điện tử và tự chế theo hướng dẫn của một đoạn phim trên mạng xã hội.
Em Q. bị đa dị vật kết giác mạc ở mắt và bỏng diện rộng rải rác khắp cơ thể.
Thực tế cho thấy, nhiều em học sinh tự chế pháo nổ vì sự tò mò, thiếu hiểu biết. Các nguyên liệu được sử dụng trong chế tạo pháo nổ chủ yếu là các chất dễ cháy nổ như kali clorat, lưu huỳnh, bột nhôm, những chất này chỉ cần một sai sót nhỏ trong quá trình trộn lẫn cũng có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Các em học sinh có thể mua bán và tiếp cận các hóa chất này dễ dàng qua các kênh thương mại điện tử, chợ buôn, không bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí không có sự kiểm tra độ tuổi hay mục đích sử dụng. Đây là những yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn chay nổ do pháo tự chế nếu các em học sinh không nhận được sự giám sát của phụ huynh, nhà trường và cộng đồng.
Các đơn vị quản lý cần tăng cường việc kiểm tra, xử phạt của đối với các vi phạm về pháo nổ. gỡ bỏ các clip hướng dẫn cách tự chế pháo nổ. Ngoài việc xử lý theo quy định thì khi phát hiện các trường hợp là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên vi phạm, lực lượng chức năng cần gửi thông báo về cho chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình để phối hợp quản lý, giám sát và giáo dục.
Hậu quả do tai nạn do pháo tự chế năm nào cũng gặp, ai ai cũng thấy, nhưng để ngăn chặn những “ngòi nổ” nguy cơ này, rất cần sự chung tay phối hợp từ nhiều phía để mỗi mùa Tết về lại không còn nỗi lo pháo nổ tự chế.
Khoa Mắt Nhi – Bệnh viện Mắt TPHCM