12

VIÊM LOÉT GIÁC MẠC

VIÊM LOÉT GIÁC MẠC

1. LOÉT GIÁC MẠC LÀ GÌ? 

Loét giác mạc là tình trạng viêm nhiễm của giác mạc (tròng đen) do các tác nhân như vi trùng, nấm, vi-rút hoặc ký sinh trùng…  Nguy cơ viêm loét giác mạc: như chấn thương cơ học ở giác mạc (lúa văng, cây quẹt, côn trùng chích vào mắt) và có thể liên quan đến việc đeo kính áp tròng.

 

           Loét giác mạc do nấm                            Loét giác mạc do vi-rút

2. TRIỆU CHỨNG CỦA VIÊM LOÉT GIÁC MẠC

Khi bị viêm loét giác mạc người bệnh thường có triệu chứng như: đỏ mắt, đau nhức mắt, chói mắt và sợ ánh sáng, kèm theo đó là mắt nhìn mờ (giảm thị lực), chảy ghèn (xuất tiết) hoặc chảy nước mắt.

Khi người bệnh đi khám sẽ được bác sĩ đánh giá và ghi nhận:

  • Tiền căn chấn thương hay viêm giác mạc trước đó
  • Ghi nhận mức độ đau nhức
  • Tình trạng cương tụ kết mạc (đỏ mắt), ghi nhận kích thước ổ loét giác mạc, hình thái tổn thương và các triệu chứng đi kèm (mủ tiền phòng, nhuyễn nhu mô giác mạc, thủng giác mạc…) 

Sau khi khám và đưa ra chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cần thiết để hỗ trợ chẩn đoán.

3. XÉT NGHIỆM CẦN THỰC HIỆN

  • Xét nghiệm vi sinh được thực hiện để tìm tác nhân gây bệnh, người bệnh sẽ được nhân viên y tế dùng dụng cụ cạo chất tiết trên bề mặt ổ loét để lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm (soi tươi tìm nấm, nuôi cấy tìm vi trùng và kháng sinh đồ). Kết quả soi
    tươi sẽ được trả sau 60 phút, kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ sẽ được trả sau 4 ngày.
  • Xét nghiệm PCR là xét nghiệm tìm các tác nhân gây bệnh chuyên biệt, được chỉ định trong các trường hợp không đáp ứng điều trị hoặc hình thái lâm sàng không đặc hiệu.

4. ĐIỀU TRỊ

Do bệnh lý loét giác mạc có thể gây giảm thị lực và gây mù, các trường hợp nặng có thể phải bỏ mắt (múc nội nhãn), do đó người bệnh cần phải nghiêm túc tuân thủ quá trình điều trị: nhỏ thuốc tích cực theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng lịch hẹn.

Điều trị nội khoa:

  • Tùy theo tác nhân gây bệnh người bệnh sẽ được điều trị với thuốc kháng sinh, kháng nấm hoặc kháng virus.
  • Ngoài ra người bệnh còn được sử dụng: thuốc giảm đau, thuốc nhỏ mắt atropine 1% (lưu ý không nhỏ nhầm thuốc này vào mắt lành vì sẽ gây khó nhìn gần và chói mắt trong 7-10 ngày), thuốc giảm đau, hạ nhãn áp (nếu có tăng áp) và nước mắt nhân tạo.
  • Nếu có bệnh lý đái tháo đường: điều chỉnh đường huyết ổn định

Chỉ định phẫu thuật:

Người bệnh sẽ được phẫu thuật khi có chỉ định như: dán keo giác mạc kèm đặt kính tiếp xúc, ghép màng ối, chích thuốc kháng nấm trong nhu mô giác mạc…

5. CHĂM SÓC

  • Đeo kính mát/kính râm khi ra nắng để không bị chói mắt
  • Giữ vệ sinh cá nhân, tránh dụi mắt, khi tắm gọi tránh để nước vô mắt bệnh
  • Rửa tay sạch trước khi nhỏ thuốc, các lọ thuốc nhỏ cách nhau 10-15 phút.
  • Dùng gòn để lau mắt và bỏ vào thùng rác sau khi sử dụng
  • Ăn thức ăn dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, hạn chế rượu/bia và thuốc lá
  • Nên đeo kính bảo hộ khi lao động (như khi làm công việc liên quan đến cơ khí, nông nghiệp) và khi tham gia giao thông.

KHOA GIÁC MẠC BỆNH VIỆN MẮT