20

Những người Điều dưỡng ngành Nhãn khoa: Nghĩ gì về nghề!

“Điều dưỡng nhãn khoa không chỉ là một nghề, mà còn là một sứ mệnh mang lại ánh sáng và hy vọng cho những người đang đối diện với các vấn đề về thị lực. Họ không chỉ hỗ trợ bác sĩ trong việc điều trị mà còn là người trực tiếp nâng đỡ tinh thần bệnh nhân, giúp bệnh nhân cảm thấy an tâm và tin tưởng vào quá trình chữa trị. Ban Giám đốc Bệnh viện luôn kỳ vọng vào đội ngũ điều dưỡng không chỉ ở trình độ chuyên môn, mà còn ở thái độ tận tâm, trách nhiệm và sự đồng cảm sâu sắc với người bệnh. Chính sự tận tâm ấy đã làm cho công việc điều dưỡng nhãn khoa trở thành một nghề cao quý, mang lại giá trị lớn lao cho cộng đồng và xã hội.” – Đôi lời chia sẻ của ThS.BSCKII. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Điều dưỡng (12/5/2025)

Ảnh: ThS.BSCKII. Lê Anh Tuấn, Giám đốc bệnh viện vinh danh 5 điều dưỡng có hơn 30 năm đóng góp vì ánh sáng người bệnh

Nghề chọn người hay người chọn nghề!

Có những điều dưỡng (ĐD) nhãn khoa đã đến với nghề như một chuyện ngẫu nhiên, tình cờ hoặc đó là “ước mơ”, “sở thích” từ thuở bé hoặc suy nghĩ đơn giản là “học gì để dễ xin việc”… với nhiều mục tiêu khác nhau mà “chọn nghề”. Tuy nhiên, khi bước chân vào nghề, chính công việc ấy đã gắn bó họ với nghề trên suốt một chặng đường đời vì hai chữ “trách nhiệm”, “sự thấu cảm”…

Chia sẻ tại một buổi giao lưu gương điển hình tiên tiến, ĐD.CKI. Huỳnh Thúc Thí, Điều dưỡng Trưởng bệnh viện cũng đã chia sẻ: “Gắn bó với nghề Điều dưỡng qua hơn 33 năm, tôi luôn chuyên tâm với công việc vì “trách nhiệm, lòng tự trọng”. Chính vì điều này đã rèn luyện cho tôi làm bất cứ việc gì cũng phải luôn chỉnh chu, tận tâm để đem lại hiệu quả công việc tốt nhất. Nhất là không để người khác phải phiền lòng vì việc làm của mình”.

Cũng như Kỹ thuật viên KX. Phan Đằng Long, Khoa Khúc xạ là người gắn bó với nghề Điều dưỡng hơn 35 năm trong vai trò là một kỹ thuật viên “cân đo, đong đếm” thị lực của người bệnh. Anh Long đã bày tỏ những ngày đầu đến với ngành nhãn khoa như một cái duyên số tình cờ và chỉ suy nghĩ đơn giản lúc còn là thực tập sinh 

“Đây là công việc chăm sóc người bệnh đơn giản. Nhưng chính những ngày đầu theo thầy cô, theo các anh chị khóa trên học hỏi, đứng bên giường bệnh, lắng nghe từng nhịp thở, những ánh mắt và nín nhịn nỗi đau của bệnh nhân, tôi mới hiểu sâu sắc ý nghĩa của hai chữ “điều dưỡng” mà trước đó vẫn còn mông lung mơ hồ”.

Gắn liền với tiền thân của Bệnh viện Mắt, với Soeur Ngô Thị Hoa Trinh, điều dưỡng Khoa Mắt nhi, đã đến với nghề điều dưỡng là “nguyện vọng”, là “ước mơ” thời tuổi trẻ để được chăm sóc người bệnh trong những lúc đau yếu, bệnh tật. Theo Soeur Hoa Trinh, người điều dưỡng không chỉ là một nghề cao quý mà là một công việc đòi hỏi phải có trách nhiệm, nhẹ nhàng, kiên nhẫn, tậm tâm chăm lo sức khỏe người bệnh, vì sức khỏe của người bệnh là sinh mệnh nhân sinh. Chính vì lẽ đó, Soeur Hoa Trinh đã “chọn nghề” và dấn thân với nghề trong suốt 22 năm công tác tại bệnh viện.

“Đơn giản lắm! Tôi còn nhớ tôi đã chọn nghề dựa trên ba tiêu chí: dễ xin việc sau khi ra trường, học phí thấp và ba mẹ không phải quá vất vả vì tôi. Do tôi là con trong một gia đình có tới sáu anh chị em, sống ở vùng quê nghèo. Thế là tôi chọn nghề Điều dưỡng – chọn đơn giản vì… cái tên nghe lạ, chứ thật lòng chưa hiểu rõ nghề này là gì. Trúng tuyển, tôi rất vui mừng và kể từ đó bén duyên với nghề Điều dưỡng. Nhưng khi học, tôi thật sự hoảng sợ. Nghề Điều dưỡng

không hề “nhẹ nhàng” như cái tên của nó. Chăm sóc người bệnh là phải “nhìn, sờ, ngửi, nghe”, phải đối diện với đau đớn, yếu ớt, và cả những điều rất riêng tư của một con người xa lạ. Tôi từng nghĩ mình không hợp với những thứ như thế. Chính hình ảnh bà Florence Nightingale – người phụ nữ cầm chiếc đèn nhỏ đi thăm bệnh từng đêm, ân cần chăm sóc và tiếp thêm hy vọng cho bệnh nhân – đã khiến tôi nhận ra rằng: chỉ cần một ánh mắt dịu dàng, một lời động viên đúng lúc, một bàn tay ấm áp… cũng đủ giúp người bệnh vững vàng hơn rất nhiều. Nhưng rồi, càng học tôi lại càng hiểu, càng yêu, từ lúc nào không hay, tình yêu với nghề Điều dưỡng cứ lớn dần trong tôi.” – ĐD. Nguyễn Minh Tâm, Khoa Gây mê hồi sức đã bộc bạch khi được hỏi rằng: “Em có suy nghĩ như thế nào khi chọn nghề Điều dưỡng, và cơ duyên nào để em gắn bó với nghề này?”

Bằng kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực hành thành thạo và một trái tim nhân ái, những điều dưỡng nhãn khoa đã đóng góp một phần không thể thiếu vào sự thành công của mỗi ca điều trị, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Dù là chọn nghề hay nghề chọn, họ có chung một ý niệm “sứ mệnh chăm sóc người bệnh”

Dù qua nhiều thăng trầm của thời gian với những khó khăn, thử thách, những người điều dưỡng vẫn luôn giữ vững nụ cười trên môi, sự ân cần trong từng cử chỉ và ngọn lửa nhiệt huyết với nghề. Họ không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Hơn 35 năm trôi qua, KTVKX. Phan Đằng Long không chỉ chứng kiến sự phát triển vượt bậc của ngành y tế mà còn chứng kiến sự trưởng thành của chính mình – từ một thực tập sinh trẻ bỡ ngỡ đến một người đồng hành vững vàng trong hành trình chăm sóc sức khỏe con người. Theo anh Long: “Nghề đã dạy tôi lòng kiên nhẫn, sự thấu cảm và tinh thần phục vụ vô điều kiện. Mỗi cơ hội được gắn bó, chăm sóc, mỗi lời cảm ơn, ánh mắt động viên, đồng cảm của bệnh nhân là động lực để tôi tiếp tục cống hiến. Với tôi, điều dưỡng không chỉ là một nghề, mà là một sứ mệnh. Tôi hy vọng mình vẫn luôn có được sức khỏe tốt để cống hiến, cũng như vẫn giữ được lòng nhiệt thành, tâm huyết để tiếp tục truyền đạt cho các bạn trẻ tinh thần phục vụ, lòng yêu nghề tận tâm chăm lo cho chính sức khỏe của bản thân, gia đình và những người xung quanh”.

Đồng quan niệm với anh Long, Seour Hoa Trinh cũng mong muốn “mình có sức khỏe thì phải phục vụ, chăm sóc tốt cho những người bệnh kém may mắn về sức khỏe”.

Dù mới công tác tại Bệnh viện Mắt được 2 năm, nhưng ĐD. Minh Tâm đã cảm nhận rất rõ “nơi đây là một đại gia đình tràn đầy yêu thương. Không chỉ là nơi làm việc, bệnh viện còn là nơi mang lại cho tôi sự an tâm, gắn bó với nghề và động lực để cố gắng mỗi ngày chăm sóc sức khỏe mắt cho cộng đồng, thấu hiểu niềm vui, nỗi buồn của người bệnh có nguy cơ mù lòa và được “trả lại ánh sáng””.

“Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Chăm lo điều dưỡng- Tăng cường kinh tế”  là chủ đề được Hội đồng Điều dưỡng Quốc tế (ICN) lựa chọn cho năm 2025.

Chủ đề Ngày Điều dưỡng Quốc tế (IND) 2025 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ sức khỏe và hạnh phúc của các ĐD, những người đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các hệ thống y tế trên toàn cầu. Các ĐD phải đối mặt với nhiều thách thức: thể chất, tinh thần, cảm xúc và đạo đức, và điều bắt buộc là chúng ta phải giải quyết những thách thức này theo cách thúc đẩy sức khỏe tổng thể của họ.

Chủ đề này cung cấp cơ hội để đưa các giải pháp khả thi lên hàng đầu—các giải pháp có thể được triển khai ngay lập tức để hỗ trợ các ĐD trong công việc hàng ngày và cải thiện sức khỏe lâu dài của họ. Nó củng cố lời kêu gọi từ Hiến chương Thay đổi của chúng ta kêu gọi tất cả các tổ chức và chính phủ coi trọng, bảo vệ, tôn trọng và đầu tư vào các ĐD của chúng ta vì một tương lai bền vững cho ngành điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.”

Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của bà Florence Nightingale – được mệnh danh trìu mến “Nữ công tước với cây đèn”, là một biểu tượng của lòng nhân ái và sự tận tụy – vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho những người chọn theo đuổi con đường chăm sóc sức khỏe, nhắc nhở họ về tầm quan trọng của kiến thức, kỹ năng, lòng trắc ẩn và tinh thần cống hiến không ngừng nghỉ.

Tiếp nối câu chuyện của bà Florence Nightingale, những Điều dưỡng nhãn khoa luôn giữ mãi ngọn lửa yêu nghề và tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ và lòng nhân ái của mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Những đóng góp thầm lặng của các bạn chính là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người bệnh và góp phần xây dựng một xã hội khỏe mạnh, nhân văn.

Phòng Điều dưỡng

phối hợp Phòng Kế hoạch Tổng hợp

(thực hiện)