“ĐỪNG ĐỂ CON MẤT ĐI ÁNH SÁNG”
ĐỤC THỦY TINH THỂ Ở TRẺ EM – CĂN BỆNH CẦN ĐƯỢC PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ SỚM
1. Đục thủy tinh thể ở trẻ em là gì?
Khi nhắc đến đục thủy tinh thể, nhiều người thường nghĩ rằng đây là bệnh lý chỉ gặp ở người cao tuổi. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên cũng có thể mắc căn bệnh này, được gọi là đục thủy tinh thể trẻ em.
Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể trong suốt của mắt trở nên mờ đục, cản trở ánh sáng truyền qua và làm hình ảnh không hội tụ đúng lên võng mạc – nơi gửi tín hiệu hình ảnh đến não. Điều này khiến trẻ nhìn mờ, biến dạng hình ảnh và trong những trường hợp nặng không kịp điều trị có thể dẫn đến nhược thị, thậm chí là mù lòa.
2. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở trẻ em
Đục thủy tinh thể ở trẻ em có thể xảy ra ở 1 mắt hoặc cả 2 mắt và được chia thành hai nhóm chính:
– Đục thủy tinh thể bẩm sinh: có từ khi trẻ được sinh ra.
– Đục thủy tinh thể mắc phải: xuất hiện sau sinh, trong giai đoạn sơ sinh, tuổi nhỏ hoặc tuổi thiếu niên.
Các nguyên nhân có thể bao gồm:
– Di truyền (có liên quan đến yếu tố trong gia đình – thường được xác định bằng việc xét nghiệm gens),
– Rối loạn chuyển hóa như tiểu đường bẩm sinh,
– Mẹ bị nhiễm trùng trong thai kỳ (như rubella),
– Chấn thương mắt,
– Tác dụng phụ của thuốc (như corticoid),
– Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không xác định được nguyên nhân cụ thể.
3. Biểu hiện thường gặp ở trẻ đục thuỷ tinh thể là gì?
– Trẻ nhìn không rõ, chậm phát triển thị lực, không phản ứng với ánh sáng hoặc đồ chơi.
– Mắt có biểu hiện mất phản xạ đỏ khi chụp hình (mắt không đỏ mà trắng như “mắt mèo”).
– Mắt có dấu hiệu lé (lác), hoặc trẻ thường xuyên dụi mắt, nheo mắt.
– Một số trường hợp được phát hiện qua khám mắt định kỳ sau sinh hoặc khi đi học.
4. Tại sao cần phát hiện và điều trị sớm?
Thị giác của trẻ phát triển mạnh trong 8–10 năm đầu đời. Trong giai đoạn này, não và mắt đang thiết lập mối liên kết để hình thành thị lực bình thường. Nếu đục thủy tinh thể không được điều trị sớm: Mắt sẽ không gửi được hình ảnh rõ nét đến não, làm cho các kết nối thần kinh này không phát triển hoặc phát triển sai lệch. Không điều trị kịp thời trẻ có thể bị nhược thị vĩnh viễn, thậm chí mù lòa không hồi phục. Vì vậy, việc phát hiện và can thiệp càng sớm càng tốt là yếu tố quyết định.
5. Phát hiện sớm như thế nào?
– Khám mắt sơ sinh ngay sau sinh tại bệnh viện phụ sản.
– Khám định kỳ trong những năm đầu đời bởi bác sĩ nhi khoa.
– Cha mẹ nên để ý các biểu hiện bất thường ở mắt hoặc thị lực của trẻ và đưa đi khám ngay.
– Phản xạ đỏ đồng đều hai mắt là một dấu hiệu quan trọng: nếu mất hoặc không đều, cần được kiểm tra chuyên sâu.
6. Điều trị ra sao?
Tùy theo mức độ và vị trí đục, việc điều trị có thể gồm:
a) Phẫu thuật lấy thủy tinh thể đục:
– Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính, đặc biệt khi đục ảnh hưởng đến thị lực.
b) Phục hồi thị lực sau mổ: sau khi mổ lấy thuỷ tinh thể đục, trẻ sẽ được hỗ trợ bằng nhiều phương pháp để giúp lấy lại thị lực:
– Kính gọng,
– Kính áp tròng,
– Thấu kính nội nhãn (IOL).
– Nếu trẻ bị nhược thị, sẽ cần dán mắt lành để kích thích mắt yếu hoạt động.
7. Vậy có thể phòng ngừa bệnh này được không?
Hiện nay, không phải tất cả các trường hợp đục thủy tinh thể ở trẻ em đều có thể phòng ngừa, đặc biệt là những trường hợp bẩm sinh hoặc do di truyền. Tuy nhiên, một số nguyên nhân có thể giảm thiểu nguy cơ nếu được kiểm soát tốt, chẳng hạn như quản lý tốt sức khỏe thai kỳ, tránh nhiễm trùng khi mang thai, hạn chế dùng thuốc không kiểm soát hoặc bảo vệ mắt trẻ khỏi các chấn thương.
Đục thủy tinh thể ở trẻ em là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể can thiệp hiệu quả nếu phát hiện và điều trị sớm. Tại Bệnh viện Mắt TPHCM, mỗi năm chúng tôi tiếp nhận và điều trị hơn 650 ca đục thủy tinh thể ở trẻ em, đó là một con số không hề nhỏ cho thấy tỷ lệ trẻ em mắc bệnh này khá nhiều, nên việc phát hiện sớm là rất cần thiết để giúp các em lấy lại phần nào thị lực, tiếp tục con đường học tập và phát triển tương lai sau này.
* Lời khuyên dành cho phụ huynh:
– Đừng đợi đến khi thấy rõ những bất thường ở trẻ mới đi khám.
– Hãy đưa trẻ đi khám mắt định kỳ, đặc biệt là trong giai đoạn từ 0–6 tuổi.
– Nếu thấy trẻ có dấu hiệu nhìn mờ, mắt lé, phản ứng ánh sáng kém, cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa ngay.
– Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ.
– Nên tiêm ngừa đầy đủ cho mẹ trong thai kỳ và trẻ sơ sinh để phòng các bệnh lý có thể gây đục thủy tinh thể như rubella.
Việc quan tâm và theo dõi thị lực cho trẻ từ sớm chính là cách tốt nhất để bảo vệ ánh sáng tuổi thơ và tương lai của con bạn.
Khoa Mắt Nhi, Bệnh viện Mắt TPHCM