493

CHẤN THƯƠNG MẮT TRẺ EM

Chấn thương mắt là một trong những nguyên nhân gây mù quan trọng. Hàng năm, Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh điều trị cho hàng trăm bệnh nhi bị chấn thương mắt. Tùy mức độ, bản chất của chấn thương nên kết quả điều trị có thể rất hạn chế, khiến trẻ giảm thị lực nghiêm trọng so với trước chấn thương.

Dấu hiệu nghi ngờ

Không phải lúc nào các trẻ cũng chịu khai báo với bố mẹ về sự cố ở mắt. Hãy nghĩ tới chấn thương mắt khi bé có các biểu hiện: bồn chồn, bất ổn; đau bên trong hay xung quanh mắt; chảy nước mắt; dùng tay che một bên hoặc hai bên mắt; một mắt trông khác với mắt bên kia; vết bầm dập trên mắt hoặc quanh mắt; nhắm mắt ngắt quãng một bên; không chịu được ánh sáng chói.

Nếu nghi ngờ trẻ bị chấn thương mắt, bạn nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt hay đưa trẻ tới phòng khám cấp cứu gần nhất, kể cả nếu tổn thương lúc đầu trông không nghiêm trọng. Một số chấn thương mắt mức độ nặng có thể không thể hiện rõ ràng ngay từ đầu, việc xử lý chậm có thể khiến tổn thương trở nên tồi tệ hơn, gây mất thị lực vĩnh viễn.

Khi nào cần đi khám bác sĩ ngay

– Đau mắt dữ dội hoặc đau dai dẳng;

– Không thể lấy dị vật ra khỏi mắt;

– Thị lực giảm

– Cháy máu bên trong mắt;

– Đau mắt khi ra ngoài ánh sáng chói;

– Vết rách sâu quanh mắt.

Một số điểm cần lưu ý trước khi đến khám bác sĩ

– Không cho trẻ sờ hoặc dụi mắt, không băng ép mắt vì điều này có thể khiến tổn thương trở nên trầm trọng hơn.

– Trường hợp vết thương đâm xuyên, không được tìm cách loại bỏ vật nhọn mắc kẹt trong mắt.

– Không bôi thuốc mỡ hay các thuốc khác vào mắt. Những thuốc này có thể không vô trùng và khiến mắt trở nên trơn trượt, gây khó khăn cho việc thăm khám.

Phòng ngừa chấn thương mắt

Chấn thương mắt có thể được phòng ngừa nếu tuân thủ các nguyên tắc an toàn:

– Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

– Tránh và cất giữ xa tầm với của trẻ đối với các đồ chơi có vật nhọn như trò bắn cung tên, ném phi tiêu hoặc các đồ chơi nguy hiểm như súng bắn đạn giả.

– Theo dõi sát khi trẻ chơi các trò chơi hay đồ chơi có thể gây nguy hiểm.

– Hướng dẫn trẻ học cách sử dụng an toàn các vật dụng có thể gây nguy hiểm như bút chì, kéo, dây chun, mắc áo. dao…

– Dùng cửa chắn an toàn ở chân cầu thang hay nơi tiếp giáp cầu thang của mỗi tầng, tránh để trẻ ngã cầu thang gây chấn thương mắt.

– Che chắn các góc nhọn của bàn, tủ.

– Khóa chặt mọi ngăn kéo và cửa tủ mà trẻ có thể với tới.

– Giữ các loại hóa chất tẩy rửa trong gia đình xa tầm với của trẻ nhỏ.

Sau khi điều trị chấn thương, cần đưa trẻ trở lại tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ mắt để có thể theo dõi và phát hiện các biến chứng muộn của chấn thương.

Tóm lại, chấn thương mắt nặng sẽ để lại hậu quả trầm trọng, mất thị lực, teo mắt vĩnh viễn và có thể gây viêm qua mắt còn lại.

Việc phòng ngừa là vô cùng quan trọng

 

                                                Bs Nguyễn Hữu Thúy Ái

                                                Ts Bs Nguyễn Chí Trung Thế Truyền.