4119

CÂU CHUYỆN CẢNH GIÁC

Bé K. 11 tháng tuổi, nhà ở Chợ Gạo, Tiền Giang, nhập viện Bệnh viện Mắt TP.HCM trong tình trạng vỡ nhãn cầu mắt trái hoàn toàn, dị vật kim loại trong não sau chấn thương ngày thứ 5 do đạn súng hơi bắn trúng.

Bé là con thứ hai trong gia đình, mẹ bé, chị L. nghẹn ngào kể lại sự việc với bác sĩ khi bác tiếp nhận và thăm khám cho bé. Cách đây 5 ngày, chị và chồng đi làm, hai bé con của chị được gửi ở nhà với ông bà, anh trai lớn học lớp hai trong lúc chơi với em đã lấy súng hơi của cậu mình và vô tình bắn trúng mắt trái em. Theo chị L, cậu của bé sử dụng súng hơi để săn bắn chim, do bất cẩn nên không cất cẩn thận để cháu lớn thấy được và nghĩ là đồ chơi nên bé tự ý lấy. Sau đó bé K. được đưa đến và nhập viện điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây các bác sĩ cấp cứu và chụp CT Scan sọ não cho bé ghi nhận thấy dị vật viên đạn còn nằm trong não bé. Chấn thương đã làm xuất huyết não thái dương trái, dị vật kim loại còn trong não thái dương chẩm trái, vỡ nhãn cầu trái. Rất may mắn là tổn thương não hiện không gây nguy hiểm đến tính mạng bé K. Các bác sĩ đã quyết định không lấy viên đạn ra, bé K được theo dõi và điều trị ổn định tại bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó được chuyển viện sang bệnh viện Mắt TP.HCM để tiếp tục điều trị tình trạng mắt tại khoa Mắt Nhi. Các bác sĩ khoa Mắt Nhi đã cố gắng hết sức để bảo tồn giữ nhãn cầu trái cho bé K nhưng chức năng thị giác thì không thể hồi phục, bé K vĩnh viễn không thể nhìn được bằng mắt trái.

 

Đây không phải là lần đầu tiên các bác sĩ khoa Mắt Nhi Bệnh viện Mắt tiếp nhận trường hợp vỡ nhãn cầu do đạn bi từ súng hơi bắn trúng. Ngoài các trường hợp người lớn bị vỡ nhãn cầu do sử dụng súng hơi bắn đạn bi kim loại, thì tình trạng này vẫn còn xảy ra ở trẻ nhỏ, đáng tiếc thay trường hợp này là một bé chỉ mới 11 tháng tuổi. Chúng tôi muốn cảnh báo đến tất cả các phụ huynh hãy cẩn trọng và ngưng sử dụng loại súng nguy hiểm này, vì trẻ nhỏ không thể ý thức được mức độ nguy hiểm do súng gây ra. Hơn nữa, chúng ta cũng nên hạn chế cho bé chơi những đồ chơi mang tính bạo lực như súng, kiếm…, ngoài những tác động tâm lý bạo lực lên trẻ, cấu tạo của những đồ chơi này cũng không an toàn cho trẻ em. Chúng ta cũng nên thường xuyên cảnh giác, cẩn thận các vật dụng sắc nhọn, nguy hiểm trong nhà, nên để tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ, hướng dẫn cho trẻ biết tự bảo vệ mình và người xung quanh, hạn chế những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

                                           Bs Lê Hà Việt Linh, Ts Bs Nguyễn Chí Trung Thế Truyền

KHOA MẮT NHI – BỆNH VIỆN MẮT