1140

Tật Khúc Xạ

Hỏi: Vì sao sau phẫu thuật Lasik bệnh nhân phải tái khám định kỳ?

Trả lời:

Sau phẫu thuật Lasik, do quá trình lành mô của mỗi bệnh nhân khác nhau nên một số trường hợp sẽ có tình trạng thoái triển (có độ trở lại) xảy ra 3 đến 6 tháng sau phẫu thuật nên bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo lịch trong 6 tháng để Bác sỹ theo dõi khúc xạ và quyết định có điều trị bổ sung hay không.

 

Ngoài ra, một số biến chứng khác nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì sẽ đem lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân.

BS.CKII.Phạm Nguyên Huân

 

 

Hỏi:  Ở VN hiện tại có bao nhiêu phương pháp phẫu thuật chữa cận thị? Ưu nhược điểm và chi phí của từng phương pháp ra sao? – Phẫu thuật chữa cận thị có tác dụng trong bao lâu? Có phải đến tầm 40, 50 tuổi thì bắt đầu hết tác dụng (mắt bị lão hóa) không? – Phẫu thuật xong có thể đi bơi bình thường không? Nước ở hồ bơi có hại gì cho mắt sau khi phẫu thuật không? – Sau khi phẫu thuật thì ban đêm mắt có nhìn tốt như trước (bằng với lúc còn đeo kính) không?

Trả lời:

Hiện có các phương pháp phẫu thuật chữa cận thị sau:

– LASIK: dùng Laser excimer, Femtosecond laser.  Lasik dùng dao tạo vạt giá 21.000.000 đồng/2 mắt;  Lasik dùng femtosecond laser tạo vạt giá 40.000.000 đồng/2 mắt.

– PRK : Laser bề mặt bằng Excimer laser, giá 21.000.000 đồng/2 mắt.

– SMILE: dùng Femtosecond laser,  giá 70.000.000 đồng/2 mắt.

– PHAKIC IOL: 16.000.000 đồng/1 mắt

LASIK: chữa được độ từ 1-10 độ, cần tạo vạt giác mạc.

PRK: laser bề mặt, không phải cắt vạt, do vậy không có biến chứng do cắt vạt, chữa độ cận dưới 4 độ.

SMILE: ÍT bị khô mắt sau phẫu thuật, không có biến chứng của cắt vạt. Có thể điều trị cận và loạn < 10 độ.

PHAKIC IOL: chữa được độ cận trên 10 độ.

Khoảng sau 50 tuổi không nên đi phẫu thuật khúc xạ vì lúc này có thể xuất hiện đục thủy tinh thể, do vậy nếu kiểm tra có đục thủy tinh thể thì phẫu thuật đục thủy tinh thể sẽ khử luôn độ cận của mắt.

Sau phẫu thuật 1 tháng có thể đi bơi được, bạn nên hỏi BS trước khi đi bơi.

Kết quả sau phẫu thuật sẽ tốt nếu được chỉ định phương pháp thích hợp với mắt cận

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

 

Hỏi: Con trai em năm nay 9 tuổi. Cháu bị cận thị cách đây 2 năm. 6 tháng cháu khám mắt một lần tại bệnh viện Mắt ở Điện Biên Phủ TP HCM. Mỗi lần khám là thấy mắt cháu lên độ dù em không cho cháu chơi máy tính, bàn học đủ ánh sáng. Hiện tại cháu đeo kính mp: 275 độ, mt: 225 độ. Khi nào có thể điều trị laser để cháu khỏi đeo kính? Làm sao để mắt cháu không lên độ nữa?

Trả lời:

Cháu còn nhỏ, vì thế bạn nên cho cháu đeo kính đúng độ để giúp thị giác phát triển. Sau 18 tuổi, và độ cận ổn định thì mới được điều trị bằng tia laser.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Độ cận không ổn định thì có làm phẫu thuật được không?

Trả lời:

Độ cận không ổn định thì không nên mổ, vì phẫu thuật khi đó chỉ chữa độ cận đang có chứ không cắt đứt căn nguyên.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn


Hỏi: Tôi 49 tuổi, bị cận thị nặng 7 diop, mang kính nhiều năm. Nay tôi muốn mổ để không phải mang kính nữa. Xin BS tư vấn cho biết tôi có nên mổ không? Chi phí khoảng bao nhiêu? Thời gian nằm viện trong bao lâu? Sau khi mổ tôi sẽ không phải mang kính nữa, đúng không?

Trả lời:

Bạn 49 tuổi, cận 7 độ, bạn sẽ bị đục thủy tinh thể sớm hơn người bình thường. Bạn nên chờ vài năm, khi có đục thủy tinh thể thì sẽ kết hợp mổ đục thủy tinh thể và khử độ cận trong một cuộc mổ. Vừa giảm chi phí và đạt độ chính xác sau mổ cao.

Phẫu thuật đục thủy tinh thể khoảng từ 6 đến 30 triệu trên một mắt, mổ trong ngày. Bạn không nên đi mổ cận.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Em 20 tuổi, mắt bị lé từ nhỏ, mọi người hay trêu là lé kim. Em lại bị cận thị khá nặng(4 độ). Em muốn đi xuất khẩu lao động ở Nhật nên phải mổ mắt. Xin hỏi bác sĩ em có thể vừa mổ trị cận thị, vừa chỉnh cho mắt hết lé được không ạ?

Trả lời:

Bạn không thể vừa chữa cận thị, vừa chỉnh lé trong một cuộc mổ. Bạn nên phẫu thuật cận thị trước, sau đó phẫu thuật lé. Tuy nhiên, lé kim là từ dân gian chỉ mắt có độ lé nhỏ, đôi khi không cần phẫu thuật.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Thưa bác sỹ, có phải đối với người bị cận thị, càng lớn tuổi thì độ cận càng giảm không?

Trả lời:

Độ cận không giảm theo tuổi. Tuy nhiên, khi lớn tuổi, độ cận sẽ trung hòa với độ lão. Do vậy người cận thị nhẹ sẽ không phải đeo kính lão khi nhìn gần, vì thế chúng ta hay lầm tưởng là độ cận giảm khi lớn tuổi.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Thưa bác sĩ, một người bị cận thị khoảng 2 độ có thể ăn uống để mắt trở lại bình thường và rõ hơn không? Nếu không đeo kính cận trong thời gian dài có bị tăng độ cận không ạ?

Trả lời:

Cận thị phải đeo kính. Ăn uống và tập luyện chỉ có tác dụng không làm tăng độ cận. Đeo kính hoặc không đeo kính cũng không làm tăng hoặc giảm độ cận, đeo kính chỉ có tác dụng nhìn rõ hơn .

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Tôi nay 35 tuổi. Tôi bị giật mắt trái liên tục 5 ngày, vì sao? Hiện nay, mắt tôi không nhìn rõ được những vật hơi lấp lánh ở gần, mắt thường hay mỏi, nhắm mắt lại thấy cay, tuy nhiên, đi khám sức khỏe mắt thì thường vẫn là 10/10. Như vậy nguyên nhân của tình trạng trên là gì?

Trả lời:

Bạn 35 tuổi, mắt giật liên tục 5 ngày là dấu hiệu của mỏi điều tiết. Bạn cần nghỉ ngơi, ngủ đủ thời gian.

Mắt không nhìn thấy vật lấp lánh, mỏi, cay là dấu hiệu của mỏi điều tiết.  Mắt mỏi điều tiết nhìn xa vẫn 10/10.

Bạn nên nghỉ ngơi, tránh nhìn gần. Nên đi kiểm tra mắt, nếu cần thì đeo kính lão khi nhìn gần, để mắt không bị mỏi.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Con trai tôi 5 tuổi, BS chẩn đoán cháu bị loạn thị (một mắt 2 độ, mắt còn lại 1,25 độ). Loạn thị có thể chữa khỏi không, và làm thế nào hạn chế sự tăng độ ? Cháu lớn nhà tôi cũng bị cận thị. Hai cháu thích xem phim và đọc truyện tranh nhiều, tôi cố kéo hai cháu ra ngoài chơi nhưng các cháu không thích.

Trả lời:

Cháu còn nhỏ, bị loạn thị phải đeo kính, để giúp thị giác phát triển toàn diện. Nếu không đeo kính có thể bị nhược thị. Khi cháu trưởng thành, độ loạn có thể giảm, không cần phải đeo kính, hoặc nếu còn độ loạn thì có thể mổ nếu không muốn đeo kính.

Chị nên quy định giờ xem truyện tranh, khuyến khích các cháu vui chơi, vận động ngoài trời.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Sau phẫu thuật điều trị tật cận thị (mắt trái -3D, mắt phải -2D) có bị tái cận thị hay không? Có xảy ra viễn thị sau khi phẫu thuật hay không? Tỉ lệ bị nhiễm trùng sau mổ là bao nhiêu %?

Trả lời:

Mắt bạn cận dưới 6 độ, chỉ là tật cận thị, ít khi bị tái cận sau mổ.

Nếu máy laser không chính xác, hoặc trước mổ đo độ không chính xác thì mắt có thể bị điều chỉnh dư, dẫn đến viễn thị sau mổ.

Tỷ lệ nhiễm trùng lasik trên thế giới là 1/10000. Tuy nhiên tại BV mắt TP HCM không ghi nhận ca nào từ 10 năm nay

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Con trai tôi 7 tuổi, bị viễn thị 7 độ, cháu đã tập mắt được 30 buổi, thị lực tăng nhưng độ viễn chưa thấy giảm. Xin hỏi BS, việc tập mắt có làm độ viễn giảm không? Có cách nào để độ viễn giảm xuống được không ạ?

Trả lời:

Việc tập luyện không làm giảm độ viễn. Độ viễn sẽ thay đổi khi trưởng thành. Có trường hợp không thay đổi.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Thưa bác sĩ, việc phẫu thuật để điều chỉnh tật khúc xạ có thể gây ảnh hưởng gì đến giác mạc hay không? Tôi 26 tuổi, cận thị và loạn 5 độ, tôi cũng muốn phẫu thuật để khỏi đeo kính nhưng lại rất sợ ảnh hưởng giác mạc?

Trả lời:

Có ảnh hường vì việc phẫu được thực hiện trên giác mạc. Trước khi phẫu thuật bạn sẽ được thăm khám kỹ, để không xảy ra biến chứng trên giác mạc.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Người bị cận thị đến tuổi nào thì độ cận không tăng nữa? Có phương pháp luyện tập để điều chỉnh độ cận thị của mắt không?

Trả lời:

Người cận thị dưới 6 độ thì thường sau 24 tuổi sẽ không tăng độ nữa.

Người cận thị trên 6 độ (cận thị tiến triển) thường tiếp tục tăng độ sau tuổi trưởng thành.

Muốn hạn chế phát triển độ cận, bạn nên thể dục thể thao ngoài trời nhiều, nghỉ ngơi và làm việc với thời gian hợp lý.

Hiện nay có phương pháp chỉnh hình giác mạc Ortho – K giúp hạn chế độ cận.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Tôi bị cận thị hơn 1 độ, loạn thị hơn 2 độ, gần đây khi nhìn gần như đọc báo, đọc sách, viết thì phải tháo kính mới thấy rõ. Do công việc phải làm với máy vi tính hơn 8 giờ mỗi ngày nên mắt tôi dễ bị mỏi, chảy nước mắt. Một lần, tôi bị nhức mắt, đi khám ở phòng mạch tư thì bác sĩ nói là suy nhược do điều tiết nhiều, và còn cảnh báo là tôi bị nhược thị nữa. Tôi không rõ, trường hợp của tôi, vừa cận thị, loạn thị và thêm nhược thị thì việc phẫu thuật có cải thiện được gì?

Trả lời:

Bạn bị cận 1 độ, loạn 2 độ, khi nhìn gần không cần phải mang kính mà vẫn nhìn thấy rõ vì khi nhìn gần, với độ cận của bạn, mắt sẽ trung hòa với lực điều tiết của mắt.

Tuy nhiên, khi làm việc với máy tính 8 g mỗi ngày thì mắt sẽ bị mỏi do điều tiết nhiều khi nhìn gần, biểu hiện bằng nhức mắt. Mặt khác, khi làm việc với máy tính thì mắt ít chớp, do vậy giác mạc sẽ bị khô, phản ứng của cơ thể khi giác mạc khô sẽ biểu hiện bằng ngứa mắt, tăng bài tiết nước mắt, cho nên nước mắt sẽ chảy giàn giụa.

Trong tình trạng trên, bạn nên nghỉ ngơi và làm việc một cách hợp lý. thỉnh thoảng có thời gian nghỉ khi làm việc với máy tính. Bạn có thể giúp mắt nghỉ ngơi bằng cách nhìn ra ngoài xa trên 5 m, đi lại trong phòng hoặc dạo chơi một lúc, thỉnh thoảng nhỏ nước mắt nhân tạo chống khô mắt.

Không nên đi phẫu thuật trong tình trạng mắt mỏi mệt vì độ cận sẽ đo không chính xác và như vậy thì phẫu thuật sẽ không chính xác.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Thưa bác sĩ, viễn thị có thể mổ laser giống như cận thị được không ạ? Ở Việt Nam có bán loại kính áp tròng cho mắt viễn thị không?

Trả lời:

– Mắt viễn thị dưới 4 độ có thể mổ bằng laser. Tuy nhiên kết quả sau phẫu thuật thường không ổn định như phẫu thuật cận thị.

Ở Việt Nam có bán loại kính áp tròng có độ thấp cho mắt viễn thị. Bạn liên hệ khoa khúc xạ BV Mắt TP HCM

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Thưa BS, tôi đã phẫu thuật mắt chữa tật cận bằng kỹ thuật lasik từ 2003. Từ đó đến nay mắt tôi ổn định, không phải mang kính. Tuy nhiên, khi trời chập choạng tối hay nhìn đèn đường thì tôi thấy nhiều chùm tia từ đèn, nhiều khi rất nhòa, không rõ nét và tôi rất khó chịu khi phải chạy xe trong tình trạng đó. Xin hỏi tôi bị gì? Cách chữa trị như thế nào?

Trả lời:

Bạn không nói rõ năm nay bạn bao nhiêu tuổi. Tuổi đục thủy tinh thể thường sau 40 tuổi. Các triệu chứng bạn nêu có thể là dấu hiệu của đục thủy tinh thể. Người cận thị thường có đục thủy tinh thể sớm hơn người bình thường 10 năm. Bạn nên đi kiểm tra mắt xem có đục thủy tinh thể không. Nếu có thì phải phẫu thuật lấy thủy tinh thể đục và thay thủy tinh thể nhân tạo.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Em năm nay đã 17 tuổi. Có phương pháp nào để có thể điều chỉnh tật khúc xạ mà không cần phải phẫu thuật hay không? Điều trị như thế nào và ở đâu?

Trả lời:

– Bạn 17 tuổi, độ cận chưa ổn định. Bạn chỉ nên mổ khi độ cận ổn định. Do vậy, phương pháp điều trị tốt nhất đối với bạn hiện nay là mang kính gọng. Nếu bạn không muốn mang kính vì lý do thẩm mỹ thì có thể mang kính tiếp xúc.

Hiện nay có phương pháp chỉnh hình giác mạc Ortho K là phương pháp chỉ mang kính tiếp xúc ban đêm để chỉnh hình giác mạc, ban ngày không phải mang kính.

Bạn có thể đến BV mắt TP Hồ Chí Minh, khoa Khúc xạ để được tư vấn thêm và chọn phương pháp thích hợp.

PGS.TS, BS Trần Anh Tuấn

Hỏi: Cháu tôi bị cận thị 8 diop cả hai mắt, BS khuyên nên mổ và có bảo phải tránh ánh sáng, không đi đứng mạnh, làm việc mạnh và không được ngồi máy tính (dưỡng giống như các bà đẻ ở quê)- những chỉ dẫn này có đúng không thưa BS? Vậy cháu có thể đi học được không?

Trả lời:

Sau phẫu thuật có thể có tình trạng khô mắt tạm thời, chỉ cần sử dụng thuốc nhỏ nước mắt nhân tạo trong 3-6 tháng đầu sau phẫu thuật. Trong 1 tuần đầu có thể sử dụng them thuốc nhỏ kháng sinh và kháng viêm. Việc chăm sóc mắt cũng nhẹ nhàng: giữ vệ sinh mắt tốt, tránh dụi mắt . Chứ không cần kiêng khem quá nhiều. Sau mổ 1 tuần, bệnh nhân có thể sinh hoạt (học tập, giải trí ) bình thường.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Sau khi sinh em bé vài tháng, mắt tôi bỗng dưng hay bị mờ và nhức mỏi, đọc chữ nhỏ không được (trong khi trước khi có em bé, chữ lí rí tôi cũng đọc được). Xin hỏi BS có phải tôi bị tật khúc xạ không và tình trạng của tôi điều trị thế nào, xin BS tư vấn!

Trả lời:

Trong quá trình có thai, và cho em bé bú, có sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể, cũng như sự thay đổi về tâm lý, do đó có thể có tình trạng thay đổi khúc xạ của mắt. Đa số tình trạng này sẽ hết khi nội tiết tố ổn định.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Em 20 tuổi, ban ngày mắt vẫn nhìn bình thường, nhưng từ 17g-6g sáng thì nhìn thấy hơi mờ. Đi khám mắt, bác sĩ chẩn đoán bị tật khúc xạ và cho một số loại thuốc uống và nhỏ mắt. Sau mười ngày điều trị em thấy mắt vẫn nhìn không rõ. Xin hỏi tật khúc xạ có chữa được không? Nếu chữa được có phải mổ?

Trả lời:

Một số bệnh lý có thể gây mờ vào buổi chiều tối, tuy nhiên một số bệnh nhân có thể có đồng tử dãn lớn hơn người bình thường vào ban đêm, gây ra tình trạng cận thị tạm thời vào ban đêm. Tật khúc xạ có thể được điều chỉnh bằng cách đeo kính gọng, kính tiếp xúc hoặc sử dụng laser để điều chỉnh tật khúc xạ. Xin bạn vui lòng đến khám tại Khoa Khúc xạ, BV Mắt TPHCM 280 Điện Biên Phủ để được biết thêm.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Xin BS cho biết những dấu hiệu nhận biết bị tật khúc xạ và có thể phòng ngừa được không? Cảm ơn BS.

Trả lời:

Tật khúc xạ làm cho điểm hội tụ của ánh sáng không nằm trên màng thần kinh của mắt (võng mạc) do đó người mắc tật khúc xạ có thể nheo mắt để có thể nhìn rõ hơn. Cho đến nay chưa có phương pháp nào phòng ngừa sự tiến triển của tật khúc xạ; 2 yếu tố thuận lợi cho việc tiến triển của tật khúc xạ đó là tình trạng làm việc nhìn gần và ánh sáng trong môi trường làm việc kém, do đó, trong sinh hoạt làm việc chúng ta nên có khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý, nhìn ra xa (trong điều kiện ánh sáng tự nhiên).

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Cận thị, viễn thị, loạn thị nếu chỉ đeo kính mà không mổ thì tình trạng có nặng hơn không và có biến chứng gì không thưa BS?

Trả lời:

Sự tiến triển của tật khúc xạ không liên quan mật thiết đến việc đeo kính hay không đeo kính. Tuy nhiên nếu bệnh nhân bị bất đồng khúc xạ mà không điều chỉnh kính đúng độ có thể dẫn đến tình trạng nhược thị, lé ngoài.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Tôi bị cận thị 8 diop, nhưng tôi không thích đeo kính cận cũng như mổ, BS cho hỏi có cách nào khác để trị tật này không? Cảm ơn BS và PNO.

Trả lời:

Bạn có thể sử dụng kính tiếp xúc để điều chỉnh tật khúc xạ. Xin vui lòng đến khám tại Khoa Khúc xạ, BV Mắt TPHCM 280 Điện Biên Phủ để được biết thêm.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Tôi 38 tuổi, nếu tôi ngồi máy tính mỗi ngày, lâu (khoảng 10g/ngày) thì có nguy cơ bị tật khúc xa hay bệnh gì ở mắt không ạ? Cảm ơn BS.

Trả lời: Ở tuổi của bạn, khi sử dụng máy tính nhiều giờ trong ngày sẽ dễ có tình trạng khô mắt và mỏi điều tiết.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Tôi nghe nhiều người nói, ăn ớt và cà rốt nhiều sẽ sáng mắt và tránh được cận thị, viễn thị… có đúng không BS?

Trả lời:

Tình trạng thiếu dinh dưỡng cũng là một yếu tố thuận lợi dẫn đến có tật khúc xạ tuy nhiên trong thức ăn thông thường đã đầy đủ chất không nên sử dụng quá nhiều một loại thực phẩm nào (như ớt chẳng hạn)..Các thực phẩm có nhiều vitamin A chỉ giúp cho tình trạng dinh dưỡng mắt tốt hơn,

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Tôi 20 tuổi, bị cận từ nhỏ. Nay mắt đã mỗi bên 5 độ, tôi định đi mổ lasik để khỏi đeo kính, xin hỏi bác sĩ sau khi mổ có thể bị cận lại không?

Trả lời:

Tỷ lệ có độ khúc xạ lại sau phẫu thuật LASIK là 1-5%. với mức độ khúc xạ thấp hơn (thông thường khoảng 0.5 – 1 độ)

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi:

Tôi 40 tuổi, dạo gần đây mắt nhìn xa thì rõ mà nhìn gần không rõ. Đi đo mắt thì bác sĩ nói mắt tôi có triệu chứng lão. Xin hỏi viễn thị và lão thị có khác nhau không?

Trả lời:

Mặc dù Viễn thị và lão thị đều được điều chỉnh bằng kính hội tụ. Nhưng bản chất của 2 tình trạng này khác nhau. Viễn thị là tình trạng tiêu điểm của vật ở xa sẽ hội tụ phía sau võng mạc, đây là 1 tình trạng tật khúc xạ. Còn lão thị là một quá trình thay đổi bình thường của người có tuổi, sức điều tiết không còn nhiều như trước nữa.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Tôi 30 tuổi, làm nghề buôn bán. Tôi nghe nói xem tivi, thường lên mạng mới hại mắt. Còn tôi lúc nhỏ mắt rất khỏe, lại ít xem tivi, không dùng các thiết bị công nghệ mà sao mắt vẫn ngày càng nhìn kém, đo độ thì đã cận 3 độ?

Trả lời:

Quá trình tiến triển của tật khúc xạ là một quá trình phức tạp liên quan đến nhiều yếu tố: di truyền, dinh dưỡng, làm việc nhìn gn, ánh sáng kém trong môi trường làm việc. Do đó việc ít xem TV, làm việc bằng máy tính chỉ là yếu tố thuận lợi dẫn đến tình trạng tật khúc xạ.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Gần đây tôi hay nghe cụm từ phẫu thuật lasik, xin BS giải thích rõ và phẫu thuật này có phải hết cận luôn không, mắt có đạt 10/10 không? Chi phí bao nhiêu ạ? Cảm ơn BS.

Trả lời:

Phẫu thuật LASIK đã có từ rất lâu, bác sĩ sẽ tạo một vạt giác mạc bằng dụng cụ tự động (LASIK thường quy) hoặc bằng Femtosecond  laser (Femto LASIK) sau đó sử dụng excimer laser để tạo hình lại độ cong giác mạc để điều chỉnh tật khúc xạ (chiếu 1 đoạn animation).

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Mắt tôi một bên bị cận 6 độ, 1 bên bị cận 8 độ. Tại sao có sự chênh lệch này và tôi phải làm thế nào để chúng cân bằng và tôi có cần phải mổ? Cảm ơn BS.

Trả lời:

Tình trạng tiến triển khúc xạ của mỗi mắt đều khác nhau, nếu bạn sử dụng kính vẫn đạt được thị lực tốt (10/10) và nhìn bằng 2 mắt bình thường thì không cần điều chỉnh gì. Bạn có thể lựa chọn Phẫu thuật điều chỉnh tật khúc xạ tuỳ theo nhu cầu và đặc điểm mắt (bề dày giác mạc, các bệnh lý khác có thể kèm theo…) Xin vui lòng đến khám tại Khoa Khúc xạ, BV Mắt TPHCM 280 Điện Biên Phủ để được biết thêm.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: BS cho hỏi bị tật khúc xạ có di truyền không, vợ chồng tôi đều bị, tôi không biết sau này có di truyền cho con không?

Trả lời:

Yếu tố di truyền chỉ là một yếu tố thuận lợi. Không phải cứ bố mẹ có tật khúc xạ là con cái bị hoặc ngược lại, bố mẹ không bị tật khúc xạ thì con cái không bị tật khúc xạ.

ThS.BS.Phạm Nguyên Huân

Hỏi: Người bị tật khúc xạ, chế độ ăn uống có cần kiêng cữ hay bổ sung gì thêm? Và  với người bị tật khúc xạ làm thế nào để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh?

Trả lời:

Đối với người có tật khúc xạ thì cần ăn uống với chế độ đầy đủ dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh ( rau có màu lục đậm, củ màu đỏ cam…), trái cây tươi, cá, …Chỉ tránh dùng các thực phẩm đã từng gây dị ứng cho bản thân.

Để tránh sự tiến triển của tật khúc xạ:

– Nên đi khám để được phát hiện sớm các loại tật khúc xạ.

– Khi đã xác định có tật khúc xạ nên đeo kính đúng độ, tái khám đúng định kỳ để theo dõi tật khúc xạ.

– Có chế độ học tập, làm việc đúng. Đặc biệt khi phải nhìn gần, đọc sách, báo, vi tính nhiều phải có thời gian để mắt nghỉ ngơi ( mỗi 15-20 phút phải nhắm mắt để cho mắt nghỉ ngơi, không được để đến khi mắt  mệt, mỏi, mờ mới nghỉ ngơi là không nên, sau khi nhắm mắt nghỉ nên nhìn rõ vào một vật ở xa cách mình 4-5m để cho mắt thư giãn).

– Học tập, làm việc trong môi trường đầy đủ ánh sáng, để mắt đúng tầm nhìn.

– Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, giàu vitamin và khoáng chất.

Thân chào

BS.CKII.Lương Ngọc Tuấn

Hỏi:Xin BS cho hỏi, lé kim có phải là tật khúc xạ và có thể chỉnh được không?

Trả lời:

Lé kim là từ dân gian chỉ những mắt bị lé có độ lé thấp, nó không phải là tật khúc xạ nhưng tật khúc xạ có thể gây nên lé. Khi phát hiện bị lé, ngoài việc  khám lé (vận động nhãn cầu ) ta phải kiểm tra và khám về khúc xạ, có những trường hợp chỉ cần điều chỉnh đúng tật khúc xạ thì đã có thể chỉnh được lé. Thân chào.

BS.CKII.Lương Ngọc Tuấn

Hỏi: Mắt tôi bị chớp thường xuyên, đây có phải là dấu hiệu của tật khúc xạ và chữa được không và chữa như thế nào? Xin BS giải thích. Cảm ơn BS!

Trả lời:

Mắt bình thường phải chớp khoảng 15-16 lần/phút, chớp mắt nhiều có thể do nhiều nguyên nhân như khô mắt, dị vật trong mắt, viêm nhiễm ở mắt… Người có tật khúc xạ thường nheo mắt nhiều hơn là chớp mắt do đó bạn nên đến bệnh viện Mắt tpHCM để được khám và chẩn đoán đúng nguyên nhân và được điều trị đúng cách. Thân chào.

BS.CKII.Lương Ngọc Tuấn

Hỏi: Tôi ngồi máy tính khoảng 10h-12g/ngày và mắt hay bị ngứa, BS cho biết triệu chứng của tôi là bệnh gì, có nhỏ thuốc hết không và có ảnh hưởng đến thị lực không?

Trả lời:

Thời gian mắt phải làm việc với máy vi tính từ 10 – 12h/ngày như vậy là quá nhiều dễ gây mệt, mỏi, mờ có thể dẫn đến tật khúc xạ mắc phải hay do mắt bị điều tiết quá nhiều, bạn nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý (xem thêm câu 17). Khi bạn làm việc trên máy vi tính thường thì mắt bạn sẽ chớp mắt ít đi làm cho mắt bị khô và gây nên ngứa do đó bạn nhớ chớp mắt và nhắm mắt nghỉ ngơi thường xuyên. Nếu tình trạng ngứa mắt nặng, kéo dài thì bạn nên đến Bệnh viện Mắt tpHCM để các bác sĩ khám và điều trị bằng các loại nước mắt nhân tạo và các loại thuốc đặc trị đúng cách. Thân chào.

BS.CKII.Lương Ngọc Tuấn

Hỏi: BS cho hỏi, với 1 mắt vừa cận, vừa loạn thì có những cách điều trị nào và liệu sau phẫu thuật, mắt có bình thường trở lại không?

Trả lời:

Đối với tình trạng như vậy có 3 lựa chọn để điều trị:

– Đeo kính gọng đúng độ.

– Đeo kính sát tròng.

– Phẫu thuật: với công nghệ và trình độ hiện nay các loại tật khúc xạ đều có thể được điều chỉnh hết độ khúc xạ với kết quả tốt và độ an toàn cao. Bạn nên đến khám ở Bệnh viện Mắt tpHCM là nơi có thực hiện các phẫu thuật như LASIK, đặt Phakic IOL, Phaco…để các bác sĩ khám và tư vấn loại phẫu thuật thích hợp với mắt bạn. Chào thân ái.

BS.CKII.Lương Ngọc Tuấn

Hỏi: Tôi năm nay 53 tuổi. Tôi đọc sách, xem tivi không rõ, nhưng khi nhìn xa rất rõ. Tôi đi khám thì bác sĩ cho biết tôi bị lão thị. Xin bác sĩ cho biết tôi có nguy cơ mắc bệnh về tật khúc xạ không?

Trả lời:

Thường ở những người trên 40 tuổi, mắt sẽ bị giảm điều tiết và mất khả năng nhìn gần, đó là hiện tượng lão thị ở mắt và lão thị thường sẽ tăng dần theo thời gian, đây là một triệu chứng gây ra bởi quá trình lão hóa tự nhiên của mắt nó không phải là một loại tật khúc xạ.

Hỏi: Trẻ em hay sử dụng vi tính , xin hỏi sử dụng thế nào cho không hại mắt? Mắt cận thị có phẫu thuật được không? Ơ đâu? Chi phí bao nhiêu?. Cận thị giai đoạn nào mới phẫu thuật được? Sau khi phẫu thuật có bình thường không?

Trương Ngọc M – Tân Hiệp, Hậu Giang

Trả lời:

Mỏi mắt là vấn đề thường gặp hiện nay ở những người sử dụng. Cho đến nay, chưa có bằng chứng cho thấy việc dùng vi tính sẽ gây tổn hại mắt vĩnh viễn vì theo các chuyên gia, ánh sáng hắt ra từ màn hình vi tính không đủ để gây tổn hại cho mắt. Thế nhưng nó có thể gây khó chịu và mệt mỏi khi sử dụng kéo dài. Một vài lời khuyên cho người sử dụng vi tính: giảm chói bằng cách đặt máy vi tính vuông góc với cửa sổ hay giảm ánh sáng đèn trong phòng; thường chớp mắt để giữ độ ẩm cho mắt; nghỉ giải lao khỏang 10 phút sau mỗi 45 phút làm việc, ngưng dán mắt vào màn hình và nên nhắm mắt trong ít phút; giữ khỏang cách giữa máy tính và mắt khỏang 50 – 70 cm; đặt màn hình nằm dưới mắt khỏang 10 – 20 cm giống như tư thế đọc sách báo; nếu cùng làm việc với một tài liệu khác thì giữ khỏang cách giữa mắt với tài liệu và màn hình giống nhau và cạnh nhau; điều chỉnh tư thế ngồi hợp lý và có chỗ dựa phù hợp; vận động và thư giãn sau mỗi 2 giờ làm việc.

Mắt cận thị có thể phẫu thuật được nếu người cận thị/ viễn thị trên 18 tuổi và có độ cận/viễn ổn định ít nhất 6 tháng. Chi phí phẫu thuật cận/viễn/loạn thị từ 10.500.000đ/mắt đến 35.000.000đ/mắt tùy theo từng phương pháp mổ và từng trường hợp cụ thể. Sau khi phẫu thuật bệnh nhân không đeo kính có thể đạt thị lực tối đa bằng thị lực chỉnh kính trước mổ.

Mọi chi tiết xin liên hệ khoa khúc xạ BV Mắt TPHCM, 280 Điện Biên Phủ, Q3. ĐT: (08)9325521.

TS.BS.Trần Hải Yến- Phó Giám đốc  BV Mắt TP.HCM

 

Hỏi: Mắt phải tôi cận 4 độ, mắt trái cận 1 độ, Bác sỹ nói tôi bị bất đồng khúc xạ. Xin hỏi bất đồng khúc xạ là gì? Cách điều trị thế nào?

BN.Nguyễn Thị Q, Tân Bình

 

Trả lời:

Hai mắt được cho là bất đồng khúc xạ khi sự khác biệt giữa hai mắt từ 2 diop trở lên (hoặc độ cận thị hoặc độ loạn thị), Trong trường hợp của bạn, một mắt cận thị -4D, một mắt cận thị -1D, chênh lệch 3 D.

Khi sự chênh lệch giữa hai mắt càng cao, khả năng nhìn bằng 2 mắt của người bệnh càng giảm, người bệnh có khuynh hướng sử dụng mắt có độ cận thị nhẹ hơn. Theo thời gian, mắt ít sử dụng sẽ giảm thị lực, trở thành nhược thị và bị lé ra ngoài.

Điều trị bất đồng khúc xạ rất quan trọng, vì giúp người bệnh tránh được biến chứng nhược thị.

Với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, cố gắng tập đeo kính điều chỉnh hoàn toàn độ cận thị. Trẻ càng nhỏ, khả năng đeo kính chênh lệch giữa 2 mắt càng cao.

Ở người lớn, rất khó đeo kính gọng điều chỉnh hết độ nếu chênh lệch cao. Trường hợp này có thể đeo kính đúng độ một bên, giảm độ 1 bên còn lại nếu bệnh nhân đến tuổi 40, hoặc mang kính áp tròng hay phẫu thuật khúc xạ điều chỉnh hoàn toàn độ khúc xạ nếu bệnh nhân còn trẻ. Kính áp tròng và phẫu thuật khúc xạ là phương pháp tối ưu cho người bị bất đồng khúc xạ. Khoa khúc xạ BV Mắt có phòng tư vấn sử dụng kính áp tròng cũng như các phương pháp phẫu thuật khúc xạ tuỳ thuộc vào độ khúc xạ, tuổi và đặc điểm của từng người bệnh.

BSCKII.Hà Tư Nguyên

Phó Trưởng khoa Khoa Khúc xạ BV Mắt TP.HCM

 

Hỏi: Em năm nay 22 tuổi, bị cận thị đã 5 năm. Hiện tại em đang đeo kính với 2 mắt có số lệch nhau là mắt phải 2 diop, mắt trái là 4 diop. Nếu đeo đúng như đơn bác sỹ kê thì mắt phải là 3 diop, mắt trái là 5 diop. Vì qua 1  năm đo lại nên em không đeo đúng như đơn vì thấy tăng số nhiều. Mấy số báo trước em thấy có loại kính áp tròng OPA loại mới có thể đeo liên tục trong 3 ngày. Nhưng vì 2 mắt em lệch số nhau thhì em phải mua  như thế nào, và địa chỉ mua kính tin cậy ở đâu? Nhờ bác sỹ tư vấn giúp em, chân thành cảm ơn.

Trả lời:

Đeo kính tiếp xúc (kính sát tròng) có ưu điểm về mặt thẩm mỹ, có thể đeo đúng độ dù độ cận 2 mắt lệch nhau nhiều, không bị giới hạn tầm nhìn khi liếc mắt so với kính gọng. Tuy nhiên, vì là loại kính đeo sát giác mạc (sát tròng đen) nên trước khi đeo (và cả trong thời gian đeo) phải được bác sỹ mắt và chuyên viên khúc xạ kiểm tra tình trạng giác mạc và đo các thông số giác mạc để chọn lọai kính phù hợp kích thước, đồng thời được hướng dẫn cách chăm sóc mắt và kính tiếp xúc. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại kính tiếp xúc, chủ yếu là loại mềm (được ưa chuộng hơn loại cứng vì dễ đeo và có cảm giác dễ chịu tức thì). Có loại đeo được qua đêm (vài đêm trong 1 tháng hoặc đeo 30 ngày), tuy nhiên loại kính này cần được theo dõi và hướng dẫn cẩn thận vì có thể gây thiếu oxy giác mạc và gây viêm nhiễm cho mắt. Loại kính tiếp xúc tháo ra mỗi ngày vẫn tốt hơn vì khi tháo kính giác mạc sẽ được cung cấp oxy. Em nên đến cơ sở khúc xạ uy tín có bác sỹ mắt và chuyên viên khúc xạ được huấn luyện về kính tiếp xúc. Nếu ở TP.Hồ Chí Minh, em có thể đến khoa Khúc xạ, bệnh viện Mắt TP.HCM, 280 Điện Biên Phủ, Quận 3.

ThS.Khúc xạ Trần Hoài Long – Khoa Khúc xạ BV Mắt TP.HCM

 

Hỏi: Xin Bác sỹ cho biết cách chăm sóc mắt sau mổ Lasik?

Trả lời:

Sau mổ LASIK, cũng như với những phẫu thuật khác, điều bệnh nhân cần lưu ý là tránh tối đa nguy cơ gây nhiễm trùng và chấn thương cho mắt mổ. Do đó bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng những hướng dẫn sau:

  • Nhỏ thuốc theo đúng hướng dẫn trong toa thuốc. Các thuốc nhỏ mắt cần được nhỏ cách nhau ít nhất 5 đến 10 phút.
  • Tái khám đúng theo hẹn. Bệnh nhân nên đến tái khám ngay nếu có các triệu chứng mắt mờ đột ngột, đau buốt, chảy nước mắt kéo dài trên 6 giờ.
  • Cảm giác cộm xốn sẽ xuất hiện sau mổ 2 đến 4 giờ khi thuốc tê nhỏ mắt hết tác dụng, nhưng thường sẽ hết sau 1 ngày.
  • Giấc ngủ sẽ giúp mắt mau lành, nếu được, nên ngủ 2 – 4 giờ sau mổ.
  • Một tuần đầu sau mổ, đeo kính bảo vệ suốt ngày đêm trừ những lúc nhỏ thuốc.
  • Tuyệt đối không dụi mắt, nheo mạnh, nháy mạnh.
  • Không để nước vào mắt, ít nhất một tuần đầu sau mổ.