461

Bệnh Võng Mạc Đái Tháo Đường

Hỏi: Bệnh võng mạc đái tháo đường là bệnh gì thưa BS? Tôi vừa phát hiện mình bị tiểu đường nên rất hoang mang?

Trả lời:

Võng mạc là một màng thần kinh nằm phía sau mắt, là nơi tiếp nhận mọi hình ảnh, sau đó truyền lên não, vì vậy chúng ta sẽ cảm nhận được thế giới xung quanh. Trên võng  mạc có rất nhiều mạch máu nhỏ để nuôi dưỡng võng mạc. Bệnh tiểu đường hay gây ra những tổn thương trên những mạch máu nhỏ này, làm cho những mạch máu này dễ bị vỡ. Khi các mạch máu này bị vỡ nó sẽ gây chảy máu trong mắt, sau đó sẽ dẫn đến mù mắt.

Bạn không nên hoang mang. Mù mắt do bệnh tiểu đường là loại mù có thể ngăn ngừa được, và cách tốt nhất để ngăn ngừa mù mắt là bạn phải đi khám bác sĩ nội tiết và bác sĩ mắt thường xuyên để các bác sĩ tư vấn cho bạn cách phòng ngừa biến chứng.

BS.CK2. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Phụ nữ bị bệnh này có mang thai được không thưa bác sĩ? Và có cách nào hỗ trợ, giúp đỡ để người phụ  nữ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Trả lời:

Bệnh nhân bị tiểu đường vẫn có thể mang thai được. Tuy nhiên, khi mang thai đường huyết sẽ khó kiểm soát hơn bình thường, thậm chí có thể ngất do hạ đường huyết nếu bệnh nhân nghén và nôn ói nhiều. Tốt nhất nên khám bác sĩ sản khoa để có lịch khám cụ thể, tùy theo tình trạnh đường huyết và chế độ thuốc hiện tại.

BS.CKII. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Khi nào và bao lâu thì người bệnh đái tháo đường nên kiểm tra mắt? Người mắc bệnh đái tháo đường có mổ đục thuỷ tinh thể được không thưa BS ?

Trả lời:

Người bị bệnh đái tháo đường type 1 nên đi khám mắt sau 5 năm kể từ khi phát hiện.

Người bị bệnh đái tháo đường type 2 nên đi khám mắt ngay khi phát hiện bệnh.

Bệnh võng mạc tiểu đường vẫn có thể mổ đục thủy tinh thể được với điều kiện mức đường huyết ổn định và trong giới hạn cho phép.

BS.CKII. Đoàn Hồng Dung


Hỏi: Xin BS cho biết những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mù lòa trên bệnh nhân đái tháo đường? Có biện pháp nào ngăn chặn  nguy cơ này hiệu quả? Cảm ơn BS

Trả lời:

Yếu tố nguy cơ bị bệnh võng mạc tiểu đường nói riêng cũng như các biến chứng khác của bệnh đái tháo đường nói chung là mức đường huyết không ổn định. Để giảm thiểu nguy cơ này, cần phải tuân thủ chế độ điều trị và lịch tái khám của bác sĩ nội tiết.

BS.CKII. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Người nhà của tôi khi đi khám mắt được phát hiện  bệnh lý võng mạc tiểu đường không tăng sinh kèm theo bị đục thủy tinh thể do tiểu đường. Các bác sĩ quyết định mổ phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao và đặt thủy tinh thể nhân tạo để tăng thị lực, giúp quan sát đáy mắt dễ hơn. Tuy nhiên sau khi mổ lấy thủy tinh thể một thời gian tình trạng mắt tôi  càng nặng hơn, đau nhức thường xuyên hơn, xin BS có thể giải thích vì sao không ạ? Tôi có người bạn bệnh tương tự bà xã ở nhà, qua Sing điều trị bằng laser? Không biết phương pháp này có ở Việt Nam chưa? Nếu được, xin BS tư vấn giúp mắt của vợ tôi có thể chữa lành không?


Trả lời:

Sau mổ đục thủy tinh thế một số trường hợp bệnh lý võng mạc tiểu đường có thể tiến triển nhanh hơn.

Nhức mắt sau mổ có nhiều nguyên nhân, có thể do biến chứng của phẫu thuật đục thủy tinh thể hoặc bị một bệnh lý khác, bệnh nhân nên đi khám lại bác sĩ đã phẫu thuật.

Hiện tại Việt Nam có laser để điều trị bệnh võng mạc tiểu đường.

BS.CKII. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Khi nào và bao lâu thì người bệnh đái tháo đường nên đi khám mắt. Khám mắt trên bệnh nhân tiểu đường được thực hiện ra sao? Trường hợp bị bệnh này dùng thuốc có điều trị khỏi hay không?

Trả lời:

Người bị bệnh đái tháo đường type 1 nên đi khám mắt sau 5 năm kể từ khi phát hiện.

Người bị bệnh đái tháo đường type 2 nên đi khám mắt ngay khi phát hiện bệnh.

Sau khi khám mắt, tùy theo tình trạng võng mạc, bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ theo dõi cho bệnh nhân.

Bệnh lý võng mạc tiểu đường chỉ điều trị tốt khi đường huyết của bệnh nhân ổn định. Vì vậy quan trọng nhất là bệnh nhân phải thường xuyên tái khám bác sĩ nội tiết.

BS.CKII. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Người bệnh đái tháo đường phải làm gì để tự  chăm sóc đôi mắt của mình? Có chế độ dinh dưỡng nào đặc biệt để bảo vệ đôi mắt khi bị bệnh này không , thưa BS?

Trả lời:

Tất cả những bệnh nhân bị đái tháo đường muốn bảo vệ mắt thì đường huyết phái luôn trong giới hạn bình thường. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ mắt là bệnh nhân phải đi khám bác sĩ nội tiết và bác sĩ mắt theo đúng lịch.

BS.CKII. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Ngoài ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường, có những nguyên nhân nào khác gây bệnh võng mạc thưa bác sĩ?

Trả lời:

Có rất nhiều bệnh gây tổn thương võng mạc, như bệnh cao huyết áp, bệnh cận thị, bệnh thoái hóa điểm vàng ở người lớn tuổi, bệnh bong võng mạc.

BS.CK2. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Chị Hai tôi 55 tuổi, đã bị tiểu đường 7 năm nay. Hiện thỉnh thoảng mắt chị tôi bị mờ, không nhìn rõ, nhưng sau đó trở lại bình thường. Vậy có phải đó là dấu hiệu này chị tôi đang bị biến chứng tiểu đường ở võng mạc? Vì chị tôi ở quê, nên không đi khám bệnh thường xuyên được, xin BS cho hỏi có cách nào để phòng ngừa biến chứng ở mắt cũng như các biến chứng khác ở người bị tiểu đường. Cảm ơn BS!

Trả lời:

Chị của bạn bị tiểu đường type 2, đã  7 năm dễ có nguy cơ có biến chứng của bệnh tiểu đường. Thường triệu chứng đầu tiên là giảm thị lực, nhưng có một số trường hợp trong giai đoạn  sớm tổn thương trên võng mạc không nằm ngay trung tâm hoàng điểm, nên thị lực không giảm mặc dù võng mạc đã bị tổn thương. Vì vậy muốn biết chính xác, bạn nên dẫn chị bạn lên bệnh viện mắt khám.

Thỉnh thoảng mắt chị bạn mờ, sau đó nhìn rõ lại thì đó không phải là dấu hiệu của bênh võng mạc tiểu đường

Cách phòng ngừa những biến chứng do bệnh tiểu đường như biến chứng mắt, biến chứng tim mạch, biến chứng thận, thì quan trọng nhất là đường huyết phải luôn luôn trong giới hạn bình thường. Để đảm bảo được điều  này, bạn nên đưa chị bạn đến bác sĩ  nội tiết ở địa phương làm các xét nghiệm liên quan đến bệnh tiểu đường, xác định xem tình trạng  đường huyết có ổn định không.

Bạn cũng nên đưa chị bạn đi kiểm tra mắt tại các phòng khám chuyên khoa mắt gần nhất để xem đã có biến chứng mắt chưa.

Biện pháp quan trọng nhất để phòng ngừa biến chứng ở mắt là đường huyết phải ổn định, chị bạn phải thường xuyên đi khám bác sĩ nội tiết và bác sĩ mắt.

BS.CK2. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Tôi bị tiểu đường type 2 đã hơn 6 năm, uống thuốc đều đặn nhưng thị lực vẫn giảm. Tôi có nguy cơ bị mù không? Có cách nào cải thiện tình trạng mắt của tôi?

Trả lời:

Thị lực giảm có nhiều nguyên nhân, có thể do bệnh tiểu đường , có thể do bệnh khác. Trong bệnh tiểu đường, có biến chứng gây đục thủy tinh thể và gây giảm thị lực từ từ, vì vậy bạn nên di khám để biết được nguyên nhân gây giảm thị lực.

Nếu bạn bị tiểu đường, uống thuốc thường xuyên, đường huyết ổn định, thì bạn ít có nguy cơ bị biến chứng của bệnh võng mạc tiểu đường.

BS.CK2. Đoàn Hồng Dung

 

Hỏi: Làm thế nào để ngăn ngừa những biến chứng về mắt do bệnh đái tháo đường gây ra? 2. Biện pháp chữa trị trong trường hợp bị tổn thương ở võng mạc do đái tháo đường? 3. Chế độ ăn uống trong quá trình điều trị bệnh võng mạc do đái tháo đường? Ngoài những kiêng cữ đối với bệnh đái tháo đường thì có cần lưu ý thêm điều gì trong ăn uống khi bị biến chứng về võng mạc không?

Trả lời:

Để ngăn ngừa biến chứng ở mắt cũng như những biến chứng khác do bệnh tiểu đường gây nên, vấn đề quan trọng nhất là bệnh tiểu đường phải ổn định, vì vậy bệnh nhân khi đã phát hiện bị tiểu đường nên đi khám bác sĩ nội tiết ngay.

Những bệnh nhân tiểu đường type 1 sẽ đi khám mắt sau 5 năm phát hiện bị bệnh tiểu đường, bệnh nhân tiểu đường type 2 sẽ đi khám mắt ngay sau khi phát hiện bị tiểu đường.

Tùy theo tình trạng bệnh võng mạc mà bác sĩ sẽ có những biện pháp điều trị. Hiện tại các phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm:

– Laser hay còn gọi là quang đông võng mạc.

– Chích thuốc vào trong mắt nếu tình trạng võng mạc tiểu đường nặng hoặc bệnh nhân có phù võng mạc trung tâm.

– Phẫu thuật khi có những biến chứng nặng như xuất huyết pha lê thể, bong võng mạc co kéo.

Chế độ ăn khi đã có biến chứng võng  mạc cũng giống như trong bệnh tiểu đường, có nghĩa là giảm tinh bột, giảm chất mỡ, ăn nhiều rau xanh, tập thể dục thường xuyên.

BS.CK2. Đoàn Hồng Dung

Hỏi: Tôi bị đái tháo đường type 1, uống thuốc theo chỉ định bác sĩ. Gần đây mắt tôi hay bị nhức, mờ. Đó có phải là ảnh hưởng của bệnh không, có cần phải phẫu thuật hay kiêng cử gì không?

Trả lời:

Để xác định chính xác nguyên nhân bị NHỨC, MỜ có phải do bệnh lý VMTD? Tốt nhất là nên khám. Nhà ở Q.3 nên đến khám tại phòng khám Dịch kính-võng mạc, lầu 1. Khi đó Bs sẽ có lời khuyên chính xác và cụ thể.

BS.CKII. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Ba tôi 70 tuổi, bị tiểu đường đã 11 năm và hiện mắt ông thỉnh thoảng không nhìn rõ. Tôi không biết đó là dấu hiệu bình thường ở người già hay do biến chứng của bệnh tiểu đường. Xin BS chỉ cho cách phân biệt mờ mắt ở hai nguyên nhân này? Xin cảm ơn BS.

Trả lời:

Ở tuổi 70 thường gặp có thể do đục thủy tinh thể người già hoặc do ảnh hưởng của tiểu đường ( 11 năm ), hoặc kết hợp cả 2: vừa đục thủy tinh thể vừa ảnh hưởng của tiểu đường. Đã không ít trường hợp chúng tôi gặp BN cứ tưởng mờ do tuổi già không đi khám đến khi thị lực giảm nhiều bệnh đã nặng. Do đó Cô nên đưa Ba đi khám để có chẩn đoán rõ ràng.

BS.CKII. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Mẹ tôi bị mờ mắt và được  BS của một chương trình khám bệnh  từ thiện  chẩn đoán là do biến chứng của tiểu đường và cảnh báo có thể bị mù. Xin BS cho hỏi bệnh này có chữa khỏi và phương pháp điều trị như thế nào? Thời gian, chi phí ra sao? Xin BS vui lòng tư vấn. Xin cảm ơn!

Trả lời:

Hiện nay tại BV Mắt TP.HCM áp dụng nhiều phương pháp điều trị: Laser, tiêm thuốc và phẫu thuật. Tuy trường hợp cụ thể BN sẽ có 1 chương trình điều trị. Bs sẽ khám lên chương trình điều trị và tư vấn. Sau khi điều trị sẽ giử được thị lực và vẫn phải tái khám định kỳ. Thời gian và chi phí phải khám xem biến chứng đó như thế nào mới trả lời 1 cách chính xác. Cô nên đưa Mẹ đi khám sớm.

BS.CKII. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Có phải người trẻ 18-25 tuổi mắc bệnh tiểu đường thì ít bị biến chứng, trong đó có biến chứng bệnh lý võng mạc phải không ạ?

Trả lời:

Chúng tôi đã điều trị và phẫu thuật không ít trường hợp biến chứng tiểu dường ở người trẻ. Tuy nhiên kết quả sẽ tốt hơn người già nếu khám sớm và điều trị sớm.

BS.CKII. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Xin cho hỏi bệnh võng mạc trong đái tháo đường có phải một dạng biến chứng của bệnh đái tháo đường không? Mức độ nghiêm trọng của bệnh? Triệu chứng bệnh như thế nào? Quan sát bằng mắt có thể nhận dạng bệnh hay phải nhờ đến các thiết bị y học? Xin cho biết cách điều trị? Có thể dự phòng bệnh không? Nếu có thì như thế nào? Xin chân thành cám ơn!

Trả lời:

Đây là một biến chứng của tiểu đường. Bệnh nếu không điều trị sẽ dẫn đến mù lòa và có thể kèm đau nhức. Dấu hiệu sớm của bệnh là nhìn mờ, tuy nhiên cần lưu ý có những tổn thương trên võng mạc trước khi có dấu hiệu mờ. Do đó bệnh nhân cần phải đi khám định kỳ để phát hiện sớm trước khi mờ mắt thì điều trị mới hiệu quả.

Bệnh này phải khám lâm sàng và có thể phải nhờ đến phương tiện chụp hình mạch máu võng mạc và các phương tiện khác mới phát hiện được. Hiện nay tại Bệnh viện Mắt TP.HCM áp dụng nhiều phương pháp điều trị biến chứng bệnh lý võng mạc tiểu đường bao gồm: laser, phẫu thuật. Để dự phòng xảy ra biến chứng này, cách tốt nhất là tuân thủ điều trị tốt bệnh tiểu đường và nên đi khám mắt định kỳ 6 tháng/lần tại phòng khám dịch kính võng mạc.

BS.CK2. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Ba tôi bị bệnh cườm nước và tiểu đường, đã chữa trị 3 năm ở Mỹ nhưng hiện giờ mắt rất mờ nhìn không rõ. Ba tôi muốn về Việt Nam để chữa trị. Tôi muốn hỏi để chữa mắt cho ba tôi thì nên đến bệnh viện nào và bệnh mắt của ba tôi có thể chữa khỏi không? Cám ơn bác sĩ.

Bạn có thể đưa ba bạn đến phòng khám dịch kính võng mạc, P.101, Bệnh viện Mắt TP.HCM. Ở đây có đầy đủ các phương tiện để chẩn đoán và điều trị.

BS.CK2. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Ba tôi bị tiểu đường týp 2 đã 15 năm và đã mổ võng mạc. Tuy nhiên, gần đây mắt ba tôi lại thỉnh thoảng bị mờ. Xin BS cho biết, có phải ba tôi lại tái phát và có cách nào điều trị dứt hẳn bệnh võng mạc không?

Trả lời:

Trong câu hỏi, bạn không nói rõ đã mổ võng mạc là mổ bệnh lý gì. Bởi vì có rất nhiều bệnh lý võng mạc điều trị bằng phẫu thuật ngoài bệnh lý tiểu đường. Mắt ba cô thỉnh thoảng bị mờ có lẽ không đến nỗi nào, bởi vì nếu tái phát và có biến chứng nào khác, mắt sẽ mờ hẳn. Cách tốt nhất là nên đưa ba cô đến khám tại nơi đã mổ để bác sĩ kiểm tra lại.

Dù đã phẫu thuật rồi vẫn phải tái khám, theo dõi định kỳ. Có nhiều bệnh nhân cứ nghĩ rằng sau khi điều trị kể cả laser và phẫu thuật là sẽ không đi khám nữa, điều đó hoàn toàn không đúng. Cần phải khám định kỳ. Có thể thời gian khám sẽ thưa dần ra. Khi khám định kỳ, bác sĩ sẽ phát hiện những tổn thương mới còn sớm và điều trị ngay.

BS.CK2. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Vì sao bị tiểu đường lại sinh ra bệnh lý vọng mạc? Làm thế nào để biết mình bị biến chứng nguy hiểm này? Xin BS vui lòng giải thích?

Trả lời:

Tiểu đường ảnh hưởng cả hệ mạch máu toàn thân ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể trong đó có mạch máu võng mạc. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là giảm thị lực và có khi phải dùng các phương tiện cận lâm sàng khác chụp thị mới phát hiện tổn thương sớm trên võng mạc trước khi mờ mắt. Do đó tốt nhất là nên khám ở các cơ sở có đầy đủ phương tiện.

BS.CKII. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Người bị bệnh đái tháo đường sẽ có những nguy cơ gặp những biến chứng gì trên mắt? Làm thế nào để biết mình có bị bệnh lý võng mạc trong đái tháo đường hay không?

Trả lời:

Các biến chứng thường gặp ở bệnh võng mạc đái tháo đường bao gồm: Giảm hay mất thị lực, đục thủy tinh thể, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, glaucoma tân mạch, bệnh thần kinh thị do đái tháo đường.

Dấu hiệu nhận biết: giảm thị lực từ từ hoặc đột ngột, mắt đau nhức kèm nhức đầu cùng bên.

Muốn biết có bị hay không chỉ duy nhất là đi khám tuyến chuyên khoa để xác định chẩn đoán.

BS.CKII. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Tôi đang muốn có con, tình cờ đi kiểm tra mắt thì BS cho biết bị bệnh võng mạc đái tháo đường không tăng sinh. Tôi tìm hiểu được biết, đây là dạng tổn thương mạch máu phổ biến nhất, chiếm 80%. Xin BS có thể giải thích rõ hơn về bệnh của tôi không tăng sinh mãi mãi hay chỉ trong một thời gian. Giai đoạn này có gây mù không và phải điều trị ra sao?

Trả lời:

Bệnh lý võng mạc tiểu đường giai đoạn không tăng sinh, đây là dấu hiệu đáng mừng cho cô vì sẽ chưa có biến chứng. Tuy nhiên, trong tương lai nếu không kiểm soát đường huyết tốt, vẫn tiến triển đến có biến chứng, tức giai đoạn không tăng sinh trở thành giai đoạn có tăng sinh. Vậy trong thời gian này, tốt nhất cô nên đi khám định kỳ bởi một bác sĩ chuyên khoa về dịch kính võng mạc. Bằng các phương tiện cận lâm sàng, có thể phát hiện sớm những dấu hiệu trên võng mạc, từ đó giữ được thị lực và tránh biến chứng có thể xảy ra sau này.

Cô vẫn có thể có con bình thường. Giai đoạn bệnh này không gây mù, nên chỉ cần khám định kỳ để theo dõi.

BS.CK2. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Mẹ tôi bị mờ mắt và được BS của một chương trình khám bệnh từ thiện chẩn đoán là do biến chứng của tiểu đường và cảnh báo có thể bị mù. Xin BS cho hỏi bệnh này có chữa khỏi và phương pháp điều trị như thế nào? Thời gian, chi phí ra sao?

Trả lời:

Hiện nay tại BV Mắt TP.HCM áp dụng nhiều phương pháp điều trị: Laser, tiêm thuốc và phẫu thuật. Tuy nhiên, tùy trường hợp cụ thể bệnh nhân sẽ có  chương trình điều trị phù hợp. BS sẽ khám, lên chương trình điều trị và tư vấn. Sau khi điều trị bênh nhân có khả năng sẽ giữ được thị lực nhưng  vẫn phải tái khám định kỳ. Thời gian và chi phí phải khám tùy theo biến chứng bệnh như thế nào mới trả lời một cách chính xác. Bạn nên đưa mẹ đi khám sớm.

BS.CK2. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Xin BS cho biết cách chăm sóc người bệnh đái tháo đường, đặc biệt là chăm sóc mắt khi bị biến chứng của bệnh lý võng mạc? Bệnh này có lây hay di truyền không ạ?

Trả lời:

Khi đã có biến chứng tùy loại biến chứng và tùy PP điều trị, Bs sẽ tư vấn cách chăm sóc mắt không bệnh nhân nào giống bệnh nhân nào. Bệnh này không lây và có di truyền của tiểu đường, tuy nhiên nếu mẹ trước đây có biến chứng BLVMTD thì con phải có biến chứng mà tùy thuộc có khám và điều trị sớm hay không.

BS.CKII. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Tôi 60 tuổi, năm ngoái có mổ mắt thay thủy tinh thể. Gần đây tôi bị đái tháo đường, nghe nói bệnh này gây mù mắt. Tôi đã thay thủy tinh thể, vậy bệnh có ảnh hưởng gì đến mắt không? Xin cảm ơn BS.

Trả lời:

Dù đã mổ thủy tinh thể vẫn có nguy cơ biến chứng bệnh lý võng mạc tiểu đường.

Nếu khám định kỳ, phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ không gây mù mắt.

BS.CKII. Ngô Thanh Tùng

 

Hỏi: Tôi 55 tuổi, đã bị tiểu đường 7 năm nay, lượng đường huyết ở ngưỡng 180 và mắt tôi thỉnh thoảng bị mờ, nhưng rồi sáng lại bình thường. Do nhà ở xa, đơn chiếc nên tôi ít khi đến BV khám bệnh. Xin BS cho hỏi, có phải bất cứ bệnh nhân nào bị tiểu đường cũng đều có nguy cơ mắc bệnh võng mạc- như bị mù. Hiện, tôi rất lo lắng điều này. Vậy xin BS cho hỏi có cách nào để phòng ngừa bệnh lý võng mạc ở người bị tiểu đường như tôi không? Xin cảm ơn

Trả lời:

Đúng như bác trao đổi, tất cả bệnh nhân bị đái tháo đường đều có nguy cơ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường. Nguy cơ này tăng dần theo thời gian mắc bệnh đái tháo đường và bệnh có thể gây mù nếu không có chữa trị.

Về cơ bản thì người bệnh cần điều trị tích cực bệnh đái tháo đường và các biến chứng của nó như cao huyết áp để giảm nguy cơ mắc bệnh. Trường hợp của bác có đường ở mức 180 mg% là còn cao. Bệnh võng mạc đái tháo đường là hậu quả của bệnh đái tháo đường do đó không có cách nào để bệnh nhân tự phòng ngừa hữu hiệu mà chỉ có thể phát hiện sớm và điều trị sớm.

ThS.BS. Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Xin BS cho biết, những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ gặp phải các biến chứng gì ở mắt? Và làm sao để nhận biết?

Trả lời:

Các biến chứng thường gặp ở bệnh võng mạc đái tháo đường bao gồm: giảm hay mất thị lực, đục thủy tinh thể, xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, glaucoma tân mạch, bệnh thần kinh thị do đái tháo đường.

Dấu hiệu nhận biết là: giảm thị lực từ từ hoặc đột ngột, mắt đau nhức kèm nhức đầu cùng bên.

Xin lưu ý rằng tất cả các dấu hiệu nhận biết ở trên xảy ra khi bệnh đã tiến triển nặng. Do đó việc khám tầm soát để phát hiện bệnh trước khi có bất cứ triệu chứng nào là điều quan trọng nhất.

ThS.BS. Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Xin BS cho biết những ai có nguy cơ bị bệnh lý võng mạc đái tháo đường? Bệnh lý võng mạc đái tháo đường nguy hiểm như thế nào và có thể chữa khỏi hẳn được không ?

Trả lời:

Tất cả bệnh nhân bị đái tháo đường đều có nguy cơ bị bệnh võng mạc đái tháo đường. Nguy cơ sẽ cao hơn ở những người có đường huyết không ổn định, thai kỳ, thời gian mắc bệnh, cao huyết áp. Bệnh võng mạc đái tháo đường là bệnh có thể gây mù hoàn toàn và có thể dẫn đến glaucoma tân mạch gây đau nhức thậm chí phải bỏ mắt. Bệnh đái tháo đường không thể điều trị dứt điểm do đó bệnh võng mạc đái tháo đường cũng không thể chữa khỏi hoàn toàn.

ThS.BS. Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Tôi đang bị tiểu đường và bị biến chứng ở mắt. Nhưng tôi phân vân không hiểu cách điều trị bệnh như tôi hiện nay là trị tiểu đường quan trọng, hay là điều trị về mắt. Tôi có thể kết hợp Tây Y và Đông y để chữa hai bệnh này không?

Trả lời:

Trong mọi trường hợp thì điều trị bệnh gốc là quan trọng tức là điều trị bệnh đái tháo đường vì nó sẽ làm giảm nguy cơ cũng như biến chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường. Tất nhiên cũng không thể lơ là việc điều trị bệnh ở mắt bởi nguy cơ bệnh võng mạc đái tháo đường tăng theo thời gian mắc bệnh đái tháo đường.

Quan điểm điều trị giữa Tây Y và Đông Y đối với bệnh về mắt là không giống nhau. Hiện nay các phương pháp điều trị của Tây Y là dựa vào y học thực chứng tức là dựa trên những thử nghiệm lâm sàng lớn và được phân tích khoa học để kiểm chứng hiệu quả điều trị. Đối với Đông Y thì hiện nay chưa có những bằng chứng thực chứng về điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường. Do đó, bệnh nhân có thể điều trị kết hợp Đông và Tây y nhưng điều đó có nghĩa là phải chấp nhận những nguy cơ chưa được biết tới của sự kết hợp này.

ThS.BS. Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Xin BS cho hỏi, nếu tôi kiểm soát được lượng đường huyết của mình thì có phải tôi cũng tránh được nguy cơ bị bệnh về mắt ở người bị tiểu đường?

Trả lời:

Thưa bác, nếu đường huyết được kiểm soát tốt thì nguy cơ đái tháo đường sẽ giảm đi chứ không thể tránh được. Nguy cơ mắc bệnh có thể lên tới 30% sau 10 năm và lên tới 85% sau 19 năm bị bệnh đái tháo đường.

ThS.BS. Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Tôi 50 tuổi, bị đái tháo đường đã 5 năm. Tôi nghe nói người bị đái tháo đường về lâu dài thường dẫn đến mắt yếu, không nhìn rõ. Tôi ăn uống điều độ, kiểm soát đường huyết tốt, vậy có tránh được bệnh không?

Trả lời:

Như tôi đã trao đổi ở trên bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt thì nguy cơ đái tháo đường sẽ giảm đi chứ không thể tránh được.

ThS.BS. Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Xin BS cho biết những dấu hiệu cảnh báo bị bệnh lý võng mạc ở người đái tháo đường?

Trả lời:

Dấu hiệu thường gặp nhất là giảm thị lực. Xin chú ý rằng đây cũng là dấu hiệu xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Một lần nữa tôi xin phép nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám tầm soát phát hiện bệnh khi CHƯA có bất cứ một dấu hiệu chủ quan nào của bệnh.

ThS.BS. Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Bệnh võng mạc có từ bệnh đái tháo đường, nguyên nhân nào để phát hiện bệnh và cách chữa trị?. Tôi chưa biết có bệnh đái tháo đường hay không, nhưng mắt phải của tôi lúc về chiều thường hay xuất hiện những ngôi sao trong mắt bay qua lơ lửng. Đi khám mắt, tôi được biết là mắt có nhiều hạt cườm nhỏ, bác sĩ cho nhỏ thuốc 2 tháng tái khám… vậy với những nguyên nhân về mắt trên, tôi có bị ảnh hưởng về mắt nhiều không, và có bị đái tháo đường không? Cảm ơn.

Trả lời:

Bệnh võng mạc đái tháo đường bắt nguồn từ bệnh đái tháo đường và thường chỉ được phát hiện sớm khi khám tầm soát. Bệnh đái tháo đường được chẩn đoán bằng thử đường huyết khi đói và do bác sĩ nội khoa/ nội tiết thực hiện.

Hiện tượng bạn nêu là hiện tượng ruồi bay thường liên quan đến cận thị hoặc ở người lớn tuổi. Khi khám, bác sĩ sẽ loại trừ nguyên nhân rách võng mạc hay bong võng mạc là bệnh lý nguy hiểm có thể gây mù mắt. Nếu không có vấn đề, chỉ cần theo dõi hoặc dùng thuốc hỗ trợ.

ThS. BS Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Chị gái tôi bị bệnh tiểu đường đã 6 năm, tôi xin BS cho hỏi một số vấn đề: Bệnh lý “võng mạc trong đái tháo đường” có phổ biến không?Có phải bất kỳ ai bị tiểu đường cũng mắc phải biến chứng này. Các giai đoạn của bệnh này diễn tiến như thế nào? Biến chứng của nó có được xem là bệnh ung thư mắt không? Cách điều trị như thế nào, tôi tìm hiểu thì thấy có chữa bằng laser và cách chữa này có gây ảnh hưởng thị lực người bệnh hay bất kì vấn đề sức khỏe sau này không? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Bệnh võng mạc đái tháo đường thường gặp đối với người bệnh đái tháo đường. Cứ 100 người bị bệnh đái tháo đường thì có 30 người bị bệnh võng mạc đái tháo đường. Tất nhiên, không phải ai cũng bị nhưng nguy cơ bệnh tăng dần theo thời gian. Nếu bị đái tháo đường trên 20 năm thì nguy cơ là gần 90%. Bệnh được chia thành hai nhóm chính: phù hoàng điểm và võng mạc đái tháo đường tăng sinh. Bệnh không phải là ung thư.

Điều trị hiện tại bao gồm laser và tiêm thuốc kháng yếu tố tăng sinh nội mô mạch máu (anti-VEGF). Tất cả các phương pháp điều trị trong y khoa đều có lợi và có tác dụng phụ, tuy nhiên, nguy cơ gây mù của điều trị so với nguy cơ gây mù của bệnh là thấp hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc điều trị là cần thiết. Cụ thể của các tác dụng phụ tùy thuộc vào phương pháp và phác đồ (liệu trình) nên người bệnh cần phải hỏi trực tiếp bác sĩ điều trị.

ThS. BS Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Xin BS cho biết tác dụng của võng mạc đối với thị lực như thế nào? Tại sao võng mạc bị tổn thương đều dẫn đến mù hay chỉ vì bệnh đái tháo đường mới gây mù. Mong BS giải đáp cụ thể giùm! Cảm ơn BS

Trả lời:

Nếu ví mắt như một chiếc máy ảnh thì võng mạc là tấm phim. Phim của máy ảnh thì thay được còn võng mạc của mắt thì không, vì bản chất nó là một màng thần kinh. Có rất nhiều bệnh gây tổn thương võng mạc dẫn đến mù và bệnh võng mạc đái tháo đường chỉ là một trong số đó.

ThS. BS Nguyễn Như Quân

 

Hỏi: Tôi 45 tuổi, bị phù hoàng điểm do đái tháo đường, xin BS giải thích rõ hơn về bệnh này. Hiện tôi rất lo vì được biết đây là nguyên nhân gây mù nhanh nhất. Cảm ơn chương trình

Trả lời:

Hoàng điểm là nơi tập trung thị lực cao nhất của mắt, do đó khi tổn thương nó sẽ gây hậu quả nặng nề nhất đối với thị lực của người bệnh. Nguyên nhân là do các mạch máu quanh hoàng điểm bị những biến đổi do đái tháo đường gây ra, sẽ không giữ được các thành phần của máu trong lòng mạch, dẫn tới thoát mạch các chất như hồng cầu, lipid… gây giảm thị lực. Chúng ta có thể tưởng tượng hoàng điểm bị “ngâm” trong một lượng dịch lỏng, nó phù lên và giảm chức năng. Hiện nay, điều trị phù hoàng điểm đái tháo đường là khả quan nếu bệnh nhân tuân thủ đúng phác đồ điều trị.

ThS. BS Nguyễn Như Quân