289

LỄ KỶ NIỆM 35 NĂM THÀNH LẬP BỆNH VIỆN MẮT TP.HCM

LỄ KỶ NIỆM 35 NĂM THÀNH LẬP BỆNH VIỆN MẮT TP.HCM

 

Chiều ngày 23/10/2013, trước thềm Hội nghị ngành Mắt toàn quốc 2013, tại Hội trường Lầu 1, Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Bệnh viện mắt TP. Hồ Chí Minh. Buổi lễ là dịp các thế hệ Y Bác sỹ gặp gỡ, ôn lại những kỷ niệm trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Bệnh viện 35 năm qua.

Đến tham dự buổi lễ, có PGS.TS.Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM; GS.TS.Nguyễn Trọng Nhân – Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.TS.Tôn Thị Kim Thanh – Phó Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam; BS.Trương Xuân Liễu – Phó Chủ tịch Hội Y học TP.HCM, Nguyên Giám đốc Sở Y tế;  PGS.TS. Võ Tấn Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược TP.HCM, PGS.TS.Nguyễn Thị Ngọc Dung – Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS.Đỗ Như Hơn – Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, Các thầy cô, Đại diện các tổ chức phi chính phủ, các Bệnh viện đối tác, Ban Giám đốc, Cán bộ chủ chốt các thời kỳ và cán bộ nhân viên Bệnh viện Mắt.

 

Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, chuyên khoa Mắt ở Sài Gòn chỉ vỏn vẹn vài chục giường ở bệnh viện Bình Dân, Chợ Rẫy và Nhân Dân Gia Định (mà lúc ấy gọi là Trung tâm Thực hành Y khoa) phục vụ cho các tỉnh trong khu vực.

Ngày 30/8/1978, Bệnh viện Saint Paul được tiếp quản và hoạt động như một bệnh viện liên chuyên khoa, Mắt –Tai Mũi Họng- Răng Hàm Hặt (Bệnh viện Điện Biên Phủ). Năm 1986 khoa Tai Mũi Họng và  năm 1991 khoa Răng Hàm Mặt lần lượt tách ra, bệnh viện được đổi tên thành Trung tâm Mắt và hoạt động như một cơ sở chuyên khoa Mắt, tuyến cao nhất của các tỉnh phía Nam với quy mô 200 giường bệnh, phát triển thành 6 phân khoa và duy trì hoạt động cho đến ngày nay. Năm 2002 Trung tâm Mắt được đổi tên thành Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh.

Trong suốt 35 năm qua, từ những ngày đầu thành lập còn ngổn ngang bao thiếu khó của một vùng hậu chiến cho đến hơn 10 năm gần đây, Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh cùng với Ngành Nhãn khoa TP. Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực rèn luyện y đức, y thuật, tất cả vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc mắt cho nhân dân khu vực miền Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Với đội ngũ  hơn 800 cán bộ nhân viên trong đó có 01 giáo sư, 03 phó giáo sư, 04 tiến sỹ, 37 thạc sỹ, 44 bác sỹ chuyên khoa II và 36 chuyên khoa 1. Bên cạnh các phòng ban chức năng, và các khoa cận lâm sàng thuộc các lĩnh vực như Dược, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm, Kiểm soát nhiễm khuẩn, …. Bệnh viện hiện có 10 khoa lâm sàng: Khoa Giác mạc, Khoa Glôcôm, khoa Chấn thương khoa,  khoa Dịch kính – Võng mạc, khoa Mắt nhi; Khoa khúc xạ, Khoa Thẩm mỹ và Thần kinh nhãn khoa, khoa Phẫu thuật & hồi sức cấp cứu, khoa Kỹ thuật cao, Khoa Khám bệnh. Ngày 24/04/2013, với sự giúp đỡ của tổ chức Atlantic Philanthropies viện trợ một triệu USD, thông qua Tổ chức phi chính phủ Đông Tây Hội Ngộ và một phần nguồn vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố, Bệnh viện đã khánh thành và đưa vào sử dụng Đơn vị Đào tạo và Chăm sóc mắt cộng đồng tại địa chỉ 611/2 Điện Biên Phủ, Quận 3 với mục tiêu: Tổ chức phẫu thuật cho người nghèo và người thu nhập thấp bị đục thể thủy tinh; Là nơi đào tạo phẫu thuật viên mổ thể thủy tinh cho ngành mắt phía Nam và đào tạo kỹ thuật viên khúc xạ …; Là nơi tổ chức và triển khai các chương trình nhằm xây dựng một mạng lưới chăm sóc mắt ban đầu ở tuyến cơ sở và chăm sóc mắt cho học sinh ở các trường học trong TpHCM.…Hướng tới thành lập và phát triển Trung tâm thực hành phẫu thuật Nhãn khoa được trang bị hiện đại nhất.

 

Hiện nay, tại Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh có thể thực hiện những kỹ thuật nhãn khoa tiên tiến như: phát triển  phẫu thuật Phaco với trang thiết bị tiên tiến nhất, phẫu thuật khúc xạ với kỹ thuật SMILE, tạo vạt bằng femtosecond laser, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh lý kết giác mạc, phẫu thuật cắt dịch kính bằng những thiết bị hiện đại nhất, điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non, đặt van dẫn lưu trong điều trị glôcôm, ghép nội mô giác mạc, ghép giác mạc nhân tạo, các phẫu thuật tạo hình…

Bên cạnh đó, ứng dụng những thiết bị máy móc hiện đại trong chẩn đoán hình ảnh: chụp mạch huỳnh quang kỹ thuật số, chụp cắt lớp võng mạc OCT bán phần trước và sau, siêu âm sinh hiển vi UBM, chụp bản đồ giác mạc, đếm tế bào nội mô,…

Hàng năm. Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao và chuyển giao kỹ thuật cho hàng trăm cán bộ y tế ngành Nhãn khoa đến từ các tỉnh thành khu vực phía Nam. Chuyển giao kỹ thuật mổ đục thể thủy tinh bằng phương pháp Phaco hiện đại cho nhiều bệnh viện ở các tỉnh: Bình Định, Đà Nẵng, Cần Thơ,  Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, các bệnh viện quận huyện trong  thành phố Hồ Chí Minh…Bên cạnh đó, Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức các dự án phòng chống mù lòa tại cộng đồng và hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo ở các tỉnh trong khu vực và ở nước bạn: Lào, Campuchia.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh hợp tác toàn diện, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức và đồng nghiệp quốc tế: đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học,  các dự án phòng chống mù lòa, trang thiết bị và thuốc men, kinh phí…Hiện Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh có nhiều dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế: ORBIS (Mỹ), Eye Care Foundation – ECF (Hà Lan), BHVI (Úc), trường đại học Erlangen (Đức), VESI (Mỹ), Fred Hollows Foundation – FHF (Úc), CBM (Đức), Trung tâm Mắt Quốc gia Singapore…

Cùng với công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyên sâu và chuyển giao kỹ thuật nhãn khoa tiên tiến của Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh, đến nay đã hình thành mạng lưới chuyên khoa mắt ở các tỉnh thành phố khu vực phía Nam đáp ứng yêu cầu phục vụ và triển khai các hoạt động phòng chống mù lòa. Năm 2008, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa chính thức phân công Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm lãnh đạo và điều phối các hoạt động phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt cho các tỉnh thành phía Nam với mục tiêu hướng tới « Thị giác 2020 » mở ra một hướng mới cho công tác phòng chống mù lòa khu vực miền Nam, tiếp tục khẳng định vai trò « nòng cốt » và « tiên phong » của Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh phát triển ngành Mắt miền Nam trong giai đoạn mới.

Trong 35 năm hoạt động, Bệnh viện Mắt đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng III (2008), Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Cờ truyền thống và nhiều bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP.Hồ Chí Minh và Bộ Y tế ; Nhiều bằng khen và giấy khen của các tỉnh và nước bạn Lào, Campuchia. Được nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba vì đã có thành tích giúp bạn giải phóng mù lòa cho nhân dân ; Nhiều cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu và phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

 

Một số hình ảnh của buổi lễ :

PGS.TS.Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế  và BGĐ đương nhiệm  tặng hoa và kỷ niệm chương cho các bậc tiền nhiệm đã có công xây dựng và  phát triển bệnh viện trong 35 năm qua.

Ban Giám đốc các thời kỳ

Đại diện Ban ngành, các thầy cô chụp hình lưu niệm cùng Cán bộ chủ chốt Bệnh viện Mắt các thời kỳ

PGS.TS.BS.Trần Anh Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Mắt tặng bằng khen cho các cá nhân và tập thể đã có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Bệnh viện Mắt