350

THẬN TRỌNG MUA VÀ SỬ DỤNG TEST NHANH COVID-19

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người lo lắng và tìm mua các bộ test nhanh về tự thực hiện tại nhà. Theo các chuyên gia, người dân nên thận trọng khi mua test nhanh không rõ nhà sản xuất ở trên mạng, chỉ nên mua test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành và mua tại cửa hàng bán trang thiết bị y tế, nhà thuốc.
 
Chỉ mua sản phẩm được cấp phép lưu hành
Mới đây, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, thành phố đã có chủ trương cho người dân sử dụng test nhanh tại nhà để tự kiểm tra nguy cơ mắc Covid-19. Test nhanh dùng để chẩn đoán mắc Covid-19 có 2 loại: Test nhanh kháng thể (thường lấy mẫu bệnh phẩm là máu) và test nhanh kháng nguyên (dịch tỵ hầu). Loại thường được biết đến là loại test nhanh kháng nguyên. Đối với test nhanh kháng nguyên, trong nước có 1 sản phẩm hàng Việt Nam và nhiều loại nước ngoài. Cách sử dụng khá đơn giản và người dân hoàn toàn có thể tự thực hiện theo hướng dẫn đi kèm, hoặc được ai đó hướng dẫn trong vòng vài phút.
 
Độ chính xác của test nhanh phụ thuộc vào kỹ thuật lấy mẫu và cách thực hiện, tất nhiên là cũng có sai số nhất định so với thể trạng của từng người. Vì thế, người thực hiện cần thực hiện kỹ theo hướng dẫn. “Test nhanh được xếp vào nhóm trang thiết bị y tế, có tại tiệm bán trang thiết bị y tế, hoặc các nhà thuốc có bán trang thiết bị y tế. Hiện nay, có nhiều loại test nhanh được rao bán trên mạng. Người dân nên thận trọng khi mua test nhanh trên mạng, chỉ nên mua các loại test nhanh nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành và mua tại cửa hàng bán trang thiết bị y tế, các nhà thuốc”, đồng chí Dương Anh Đức khuyến cáo.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế đã công bố các test nhanh được cấp phép; đồng thời, ngành y tế đã nhắc nhở các nhà thuốc không có chức năng kinh doanh về trang thiết bị nếu muốn bán test nhanh phải có đăng ký và người dân có thể mua test nhanh tại các địa điểm được phép kinh doanh. Bên cạnh đó, nhà thuốc chỉ được mua các loại sinh phẩm trang thiết bị y tế, test nhanh do Bộ Y tế cấp phép lưu hành và phải mua từ các nhà cung ứng hợp pháp (đã được công bố theo quy định). Dược sĩ phụ trách chuyên môn nhà thuốc có trách nhiệm tư vấn người mua sử dụng đúng mục đích của nhà sản xuất ghi và hướng dẫn người dân liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp chuyên môn kịp thời khi có kết quả nghi ngờ mắc Covid-19.
 
Kết quả chỉ mang tính tham khảo
Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng gia tăng, nhu cầu được xét nghiệm của người dân, người tiêu dùng là chính đáng và sẽ còn gia tăng trong thời gian tới. Các chuyên y tế gia cho rằng, kết quả test nhanh chỉ có giá trị tham khảo. Thực tế, test nhanh chỉ có kết quả chính xác cao khi người nhiễm đang có nồng độ virus cao (sốt, ho), còn khi nồng độ virus thấp thì test nhanh này lại cho kết quả ít chính xác hơn. Như vậy, người mắc Covid-19 (nếu có) từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì kết quả sẽ chính xác hơn. Bên cạnh đó, chỉ xét nghiệm khi cần thiết, có triệu chứng hoặc tiếp xúc với những người có nguy cơ. Việc thực hiện xét nghiệm tràn lan sẽ gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của người dùng, cũng như tạo thêm gánh nặng cho hệ thống y tế.
 
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, thực tế đã có nhiều trường hợp người dân tự mua các bộ kit test nhanh Covid-19 về sử dụng, khi có kết quả “2 vạch” (dương tính – PV) thì vô cùng lo âu. Đây là một vấn đề thường thấy, bất kỳ người nào khi đối diện với một nguy cơ mà bản thân không mong muốn, cơ thể sẽ có những phản ứng hồi hộp, lo lắng và có thể cảm thấy khó thở, do đó chúng ta cần giữ bình tĩnh. Test nhanh là một xét nghiệm tầm soát chứ chưa phải là xét nghiệm khẳng định, khi test nhanh có kết quả dương tính nghĩa là có khả năng người đó đã mắc Covid-19. Tuy nhiên không phải là chắc chắn hoàn toàn, song song đó, vẫn có khả năng test nhanh đang cho kết quả dương tính giả, do đó người dân cần hết sức bình tĩnh để có những bước xử trí tiếp theo phù hợp.
 
Nếu kết quả test nhanh dương tính, người dân cần có ý thức bảo vệ gia đình vì bản thân mình đang có nguy cơ mắc Covid-19, cần ngay lập tức cách ly với người thân, người trong cơ quan, tránh tiếp xúc với những người xung quanh; thông báo cho nhân viên y tế địa phương để có thể xác định lại tính chính xác của kết quả test nhanh (để xác định bản thân người test có mắc Covid-19 không, hay dương tính giả của test) đồng thời sẽ được hướng dẫn những bước xử trí tiếp theo phù hợp. “Việc người dân cảm thấy lo lắng, khó thở là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi phải đối mặt với những yếu tố nguy cơ cao, sau một khoảng thời gian ngắn, chính bản thân sẽ có thể điều hòa lại nhịp thở, hô hấp của cơ thể. Do đó người dân cần phải giữ bình tĩnh. Muốn xác định bản thân có khó thở thật sự hay không, muốn xác định nhịp thở thì cần phải thực hiện kiểm tra sau 15 phút đến 30 phút”, bác sĩ Lê Quốc Hùng khuyến cáo.
 
Bộ Y tế vừa công bố danh sách 16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được cấp phép sử dụng. Trong đó, có 1 xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 sản xuất trong nước là Trueline Covid-19 Ag Rapid Test và 15 loại nhập khẩu bao gồm: Flowflex SARS CoV-2 Antigen Rapid Test (Trung Quốc), Biosynex Covid-19 Ag BSS (Pháp), V Trust Covid-19 Antigen Rapid Test (Đài Loan), CareStart Covid-19 Antigen (Mỹ), Espline SARS-CoV-2 (Nhật Bản), Covid-19 Ag, BioCredit Covid-19 Ag, GenBody Covid-19 Ag, Asan Easy Test Covid-19 Ag, SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test, Panbio Covid-19 Ag Rapid Test Device, Standard Q Covid-19 Ag Test, Humasis Covid-19 Ag Test, SGTi-flex Covid-19 Ag, Panbio Covid -19 Ag Rapid Test Device (Nasal, Hàn Quốc).
Nguồn: HCDC