572

BỆNH GIÁC MẠC CHÓP – KERATOCONUS (KC) – LÀ GÌ?

Closeup of an Eye With KeratoconusBỆNH GIÁC MẠC CHÓP – KERATOCONUS (KC) – LÀ GÌ?

Mắt như một trái cầu chứa chất lỏng tạo một áp lực nhất định lên thành trái cầu. Nếu các thành của trái cầu vững chắc, đều đặn thì trái cầu sẽ ổn định, hoạt động tốt.

Giác mạc là thành phía trước của nhãn cầu, trong suốt, cấu trúc bời những sợi collagen xếp thành phiến song song vững vàng. Bệnh giác mạc chóp là bẩm sinh, trong đó mặt sau của giác mạc bị khiếm khuyết, có vị trí yếu, áp lực trong trái cầu làm điểm yếu này ngày càng yếu hơn, mỏng hơn đến mức dãn, nhô ra gây nên dãn phình giác mạc.

Bệnh lý giác mạc chóp được phát hiện trong nhiều tình huống. Ngày nay, khi phẫu thuật khúc xạ trở nên phổ biến, nhiều người biết đến hoặc quan tâm đến bệnh lý này hơn vì đây là lý do thường hay gặp nhất khi khám chuyên sâu để mổ cận thị nhưng lại không được, không thể mổ. Buồn thật nhưng thật sự là may mắn khi phát hiện bệnh sớm!

♦  Phát bệnh từ tuổi nhỏ, trẻ em, vị thành niên: biểu hiện đầu tiên thường gặp nhất là loạn thị cao, tiến triển nhanh. 
        • Nếu đã được đo khám khúc xạ từ nhỏ, biết có loạn thị cao và được theo dõi thường xuyên bằng bản đồ giác mạc thì thường sẽ phát hiện sớm, can thiệp sớm, kịp thời khi bệnh chưa để lại di chứng lâu dài, nặng nề. 
        • Nếu không theo dõi tật khúc xạ, không biết, chỉ đến khi mắt nhìn quá mờ mới khám phát hiện, lúc đó các biểu hiện dãn phình giác mạc đã rõ rệt, điều trị khó khăn hơn. 
♦   Phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe, khám chuyên sâu để mổ cận thị: trong tình huống này biểu hiện khá tinh vi, chỉ các bác sĩ chuyên khoa sâu, có những phương tiện để khảo sát được mặt sau giác mạc, cơ sinh học giác mạc mới nhận biết được. 
        • Đa số trường hợp chỉ cần không phẫu thuật trên giác mạc, không có các yếu tố vật lý kích thích như dụi mắt, massage trên mi mắt đụng chạm vào giác mạc thì bệnh tiến triển rất chậm, hầu như không gây nguy hiểm 
        • Theo dõi định kỳ rất quan trọng, nếu bệnh tiến triển tiếp sẽ cần can thiệp 

♦   Phát hiện sau khi đã phẫu thuật khúc xạ một thời gian dài: trước đây, khi phẫu thuật khúc xạ mới bắt đầu, các phương tiện chẩn đoán chưa tinh vi, chưa phát hiện được hết các yếu tố nguy cơ tiềm tàng của bệnh giác mạc chóp. Một phần bản chất bệnh lý tiến triển theo thời gian, một phần do can thiệp trên giác mạc thúc đẩy tiến triển nhanh hơn.

  • Bác sĩ chuyên khoa Mắt PHAN HỒNG MAI