846

BỆNH LÝ VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

BỆNH LÝ VÕNG MẠC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Khoa Dịch Kính Võng Mạc – BV Mắt

Ngày nay, đái tháo đường đã dần trở nên phổ biến ở nước ta. Đây là một bệnh lý nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng do tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có mắt của chúng ta. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị mờ mắt, thậm chí mù lòa vì không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lý này.

Bệnh lý võng mạc đái tháo đường là gì?

Trong mắt của chúng ta có một màng thần kinh gọi là võng mạc, có vai trò nhận cảm ánh sáng, giúp mắt nhìn được các vật thể xung quanh.

Hình ảnh võng mạc trên mắt thường (Hình trái) và khi soi đáy mắt (hình phải)

Bệnh lý đái tháo đường có thể gây tổn thương những mạch máu nhỏ nuôi màng thần kinh võng mạc, từ đó gây ra xuất huyết, xuất tiết, xuất hiện mạch máu mới bất thường… ở võng mạc, dẫn đến mờ mắt. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển xấu và có thể gây bong võng mạc, cườm nước (glaucoma)… từ đó gây mù vĩnh viễn.

Hình chụp võng mạc bị tổn thương do đái tháo đường: xuất huyết (đốm màu đỏ) và xuất tiết (đốm màu vàng)

Xuất huyết võng mạc và dịch kính do đái tháo đường.

Võng mạc đái tháo đường tiến triển: có nhiều mạch máu mới bất thường và nhiều dải xơ sợi. Các mạch máu nhỏ này rất dễ vỡ, có thể gây chảy máu. Các dải xơ sợi có thể co kéo làm rách và bong võng mạc. Xuất huyết võng mạc và dịch kính do đái tháo đường.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh?

Tất cả bệnh nhân đái tháo đường týp 1, týp 2 và đái tháo đường thai kì đều có nguy cơ bị võng mạc đái tháo đường. Nếu có các yếu tố sau đây thì tỉ lệ bị biến chứng lên võng mạc sẽ cao hơn:

– Đường huyết không kiểm soát tốt: Ở bệnh nhân đái tháo đường, chỉ số đường huyết rất quan trọng và thường phải được kiểm soát chặt chẽ, có thể bằng thuốc uống hoặc thuốc chích (insulin). Nếu đường huyết quá cao sẽ tăng tỉ lệ tổn thương đến toàn bộ các cơ quan trong cơ thể, trong đó có võng mạc.

– Thời gian mắc bệnh lý đái tháo đường: Thời gian mắc bệnh càng lâu thì càng làm tăng tỉ lệ biến chứng lên võng mạc.

– Mang thai: Ở bệnh nhân bị đái tháo đường, việc mang thai có thể làm gia tăng chỉ số đường huyết. Nếu không phát hiện có thể làm tăng tỉ lệ mắc biến chứng võng mạc đái tháo đường.

– Các bệnh lý đi kèm: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh thận mạn, thiếu máu…

– Hút thuốc lá

– Thừa cân / Béo phì

Dấu hiệu nào gợi ý bệnh lý võng mạc đái tháo đường?

Ở giai đoạn sớm, bệnh võng mạc đái tháo đường thường không có biểu hiện gì cả.

Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể thấy mắt mờ dần. Nhiều trường hợp có hiện tượng ruồi bay – đó là các chấm đen, đốm đen, sợi đen như tóc hoặc màng nhện bay trước mắt.

Ở giai đoạn muộn, bệnh có thể gây đau nhức mắt do gây ra cườm nước (glaucoma).

Các phương pháp điều trị võng mạc đái tháo đường

Khi bị biến chứng võng mạc đái tháo đường, tùy theo loại tổn thương và độ nặng của bệnh mà sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm tiêm thuốc vào mắt, chiếu laser quang đông võng mạc và phẫu thuật.

Tiêm thuốc vào mắt để điều trị võng mạc đái tháo đường

Võng mạc đái tháo đường đã được điều trị laser quang đông (những chấm đen ở hình trái và chấm vàng ở hình phải)

Làm gì để ngăn ngừa bệnh lý võng mạc đái tháo đường

Để phòng ngừa biến chứng võng mạc đái tháo đường, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau đây:

– Kiểm soát đường huyết thật tốt: Võng mạc đái tháo đường là hậu quả của tình trạng đường huyết cao kéo dài. Do vậy, việc kiểm soát tốt đường huyết sẽ giúp hạn chế biến chứng lên võng mạc. Để đạt được điều này, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị đái tháo đường và tái khám thường xuyên với bác sĩ nội tiết.

– Điều trị các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, suy thận, thiếu máu, rối loạn mỡ máu…

– Kiểm tra đường huyết định kì khi mang thai.

– Ngưng hút thuốc lá.

– Kiểm soát cân nặng, gia tăng tập thể dục thể thao.

– Khám kiểm tra đáy mắt định kì để phát hiện sớm bệnh lý này. Nếu phát hiện có bất thường ở mắt như mờ mắt thì cần khám mắt ngay.

– Nếu đã mắc võng mạc đái tháo đường thì cần tuân thủ chế độ điều trị và lịch tái khám với bác sị nhãn khoa.

 (Tài liệu tham khảo: Bowling B., Kanski’s Clinical Opthalmology: A systemic approach, 8th edition, 2016)