ThS-BSCK2. Diệp Hữu Thắng – Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh
Viêm kết mạc (VKM) là một bệnh mắt rất phổ biến, là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bệnh nhân đến khám tại bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh. Bệnh được biểu hiện bởi mắt đỏ và có ghèn.
Vim kết mạc cấp xảy ra ở tất cả lứa tuổi và tất cả thời gian trong năm, nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời gian giao mùa, là thời gian hay xuất hiện những đợt dịch cúm hoặc viêm đường hô hấp cấp.
Nguyên nhân gây bệnh có thể do vi trùng (phế cầu trùng, liên cầu trùng, tụ cầu trùng, …) hoặc do virus (phổ biến nhất là Adenovirus,)và đặc biệt l vim kệt mạc do virus Corona (dich COVID-19). Nguồn gốc ban đầu từ mũi họng và thường kèm theo các triệu chứng ho, sốt, phát ban. Điều này giải thích tại sao bệnh VKM tăng cao mỗi khi có đợt dịch cúm hoặc viêm đường hô hấp.
Bệnh được lây truyền qua nhiều cách :
- Qua những hạt tiết tố nhỏ li ti khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi.
- Qua đồ dùng cá nhân, khăn tay,bề mặt vật dụng nhiễm nguồn bệnh.
- Qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ nước hồ bơi).
Vì vậy bệnh rất dễ lây ở trẻ em học cùng trường hoặc người sống cùng một nhà.
Bệnh VKM cấp có thể giới hạn ở một mắt nhưng thường xảy ra ở hai mắt. Bệnh nhân thường có những cảm giác ở mắt như nóng rát, đau, nặng mắt, cảm giác như có hạt cát trong mắt, đôi khi kèm theo nhìn mờ, nhìn thấy quầng màu và sợ ánh sáng. Mi mắt sưng nhẹ, kết mạc mi sưng đỏ. Nếu bệnh nặng mắt sẽ sưng nhiều, kết mạc đỏ rực, đôi khi xuất hiện hạch vùng tai.
Ghèn (tiết tố) thay đổi tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh : nước nhầy (màu trắng trong), nhầy (màu vàng) hay mủ nhầy (màu xanh).
Diễn tiến :
Ngay cả khi không điều trị bệnh có thể sẽ khỏi sau 12 đến 14 ngày. Thường bệnh không để lại biến chứng. Nhưng cũng có thể xảy ra một số biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc. Những biến chứng này thường xảy ra ở người thể trạng suy kiệt hoặc do dùng thuốc không đúng cách. (Đây là nguyên nhân thường gặp nhất)
Điều trị :
- Điều trị phòng ngừa :
Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt : dùng khăn, vật dụng riêng,….
- Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn,đeo khẩu trang,hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mặt (dụi mắt, mũi…)
- Nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp trong giai đoạn bệnh cấp để tránh lây lan bệnh.
- Hạn chế đi bơi trong giai đoạn có dịch bệnh.
- Dùng thuốc đúng cách để tránh biến chứng của bệnh.
- Điều trị bệnh :
- Rửa mắt với dung dịch NaCl 0.9% 3 lần/ngày
- Nhỏ nước mắt nhân tạo giúp dễ chịu
- Dùng kháng sinh (thuốc nhỏ, thuốc mỡ). Lý tưởng là dựa trên xét nghiệm nhuộm gram và kháng sinh đồ. Tuy nhiên, có thể dùng một số loại kháng sinh thông thường như : Cloramphenicol, Tobramycin.
- Chườm lạnh