49

Bệnh viện Mắt – Hậu quả khôn lường từ tai nạn “pháo nổ tự chế”

Đêm Giao thừa, khi chơi pháo tự chế tại nhà, pháo phát nổ gây đa chấn thương vùng mặt, tay và bụng. Bé NPHT (14 tuổi, ngụ Tây Ninh) phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 và sau đó chuyển đến Bệnh viện Mắt để điều trị do bị rách giác mạc, tổn thương củng mạc mắt phải. Đây là một trường hợp điển hình trong 6 ca tai nạn chấn thương mắt nghiêm trọng do “chơi pháo nổ” trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2025 vừa qua.

Hình minh họa (nguồn: congan.quangbinh.gov.vn/)

Nhiều trường hợp chấn thương mắt nghiêm trọng nhập viện do “pháo nổ tự chế”

Những câu chuyện đau lòng khi các em học sinh tự tìm hiểu và chế tạo pháo theo hướng dẫn của các đoạn phim ngắn trên mạng xã hội khiến nhiều trường hợp tai nạn đáng thương tiếc vẫn diễn ra, hàng loạt trường hợp trẻ em mất đi đôi mắt, bàn tay, hoặc chịu di chứng suốt đời chỉ vì pháo nổ tự chế, nhất là vào dịp tết đến xuân về.

Tương tự như bé NPHT nêu trên, khi chơi đốt pháo cùng bạn thì bị mảnh pháo bắn vào mắt, bé NNTK (10 tuổi, Quận 12) nhập viện trong tình trạng bị vỡ nhãn cầu, xuất huyết tiền phòng, mất hoàn toàn thị lực mắt phải.

Không chỉ gây tổn thương mắt, pháo nổ tự chế còn để lại di chứng nặng nề cho tay chân, mặt, cơ thể. Như trường hợp của bé NMH (Đắk Nông), cùng bạn mua hóa chất về làm pháo, nhưng không may hóa chất phát nổ. Bé bị vỡ nhãn cầu, dập nát ngón tay, phải phẫu thuật cắt lọc và điều trị dài ngày.

Riêng trong 4 ngày Tết (từ 29 Tết đến mùng 3 Tết Nguyên đán), tại khoa Tạo hình Thẩm mỹ – Thần kinh Nhãn khoa (THTM-TKNK), Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiếp nhận 4 ca tai nạn do pháo nổ, trong đó nhiều trường hợp bị tổn thương nhãn cầu nghiêm trọng. Mặc dù số ca cấp cứu do pháo nổ giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức độ của các chấn thương, đặc biệt là tổn thương mắt vẫn rất nghiêm trọng. Đáng lo ngại, hầu hết nạn nhân đều là trẻ em hoặc thanh thiếu niên, những đối tượng chưa nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm của pháo nổ.

Theo TS.BS. Nguyễn Thanh Nam, Trưởng khoa THTM-TKNK, các chấn thương mắt do pháo nổ thường gặp bao gồm bỏng mắt, chấn thương mi mắt, tổn thương giác mạc, xuất huyết dịch kính và bong võng mạc. Trong các trường hợp chấn thương nhãn cầu hở, đa số bệnh nhân bị vỡ nhãn cầu, thậm chí có trường hợp vỡ nhãn cầu hai bên có thể kèm đa dị vật trên bề mặt và trong mắt. Bên cạnh đó, pháo nổ còn có thể gây bỏng nhiệt và bỏng hóa chất.

   

Hình 2. Một số hình thái chấn thương do pháo nổ trên mắt mức độ nhẹ
A-Trợt kết mạc, B- Xuất huyết tiền phòng, C- Bỏng giác mạc

  

Hình 2. Một số hình thái chấn thương do pháo nổ trên mắt mức độ nặng
A- Đa dị vật kết giác mạc, B- Rách giác mạc phòi mống, C- Rách toàn bộ bề dày giác mạc nhuyễn mô, D- Vỡ nhãn cầu, xuất huyết nội nhãn, bong võng mạc toàn bộ

Tai nạn do pháo nổ không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn xảy ra ở người lớn nếu bất cẩn trong sinh hoạt cộng đồng. Đơn cử một trường hợp bệnh nhân nam, tên T.T.S, (32 tuổi, ngụ tại tỉnh Lâm Đồng), khi đang lưu thông trên đường bằng xe máy, vô tình bị pháo nổ văng trúng mắt trái, thị lực đếm ngón tay 0,2 mét, chẩn đoán mắt trái bị rách bờ mi trên, rách lớp giác mạc, xuất huyết tiền phòng, bệnh nhân được xử trí khâu bờ mi, khâu giác mạc. Tương tự khi đang lưu thông trên đường bằng xe máy, vô tình bị pháo hoa văng trúng mắt phải, bệnh nhân nam, tên Đ.T.N, (54 tuổi, ngụ tại quận 8 TPHCM) nhập viện và được chẩn đoán mắt phải bị rách kết mạc, bỏng kết giác mạc, xuất huyết tiền phòng, đục lệch thể thủy tinh và thị lực đếm ngón tay 1,5 mét.

Các trường hợp trên mặc dù đã điều trị tích cực, nhưng hầu như thị lực cải thiện không đáng kể.

Cảnh báo những hậu quả của tai nạn do pháo nổ

TS.BS. Nguyễn Thanh Nam, Trưởng khoa THTM-TKNK còn cho biết: những trường hợp tổn thương nhãn cầu hở thường dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn, thậm chí phải cắt bỏ nhãn cầu đối với các ca nặng. Những bệnh nhân có thị lực kém ngay từ khi nhập viện thường có tiên lượng xấu nhất. Về lâu dài, các chấn thương mắt có thể dẫn đến biến chứng như đục thủy tinh thể hoặc glôcôm do góc tiền phòng bị tổn thương. Tuy nhiên, các tổn thương nhẹ hơn, chẳng hạn như trầy giác mạc, thường có tiên lượng tốt hơn. Thị lực của bệnh nhân sau chấn thương có thể dao động từ thị lực trước khi bị chấn thương đến không còn khả năng nhận biết ánh sáng. Qua khảo sát sơ bộ 18 trường hợp vỡ nhãn cầu do pháo nổ của bệnh viện, tại Khoa THTM-TKNK có đến 59% bệnh nhân không còn khả năng nhận biết ánh sáng trong các lần tái khám sau đó.

Hình 3. Một trường hợp chấn thương do pháo nổ

Tai nạn do pháo nổ không chỉ để lại hậu quả tức thời mà còn ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của nạn nhân, gây suy giảm hoặc mất hoàn toàn thị lực, làm giảm chất lượng sống và gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Khuyến cáo chỉ nên sử dụng pháo dân sự được Bộ Quốc Phòng cấp phép bán, không sử dụng nếu sản phẩm có dấu hiệu hư hỏng, không ném pháo vào người hoặc động vật, không để pháo tiếp xúc với lửa hoặc nguồn nhiệt cao, bảo quản pháo nơi khô ráo, tránh xa tầm tay trẻ em. Tuyệt đối không sử dụng pháo tự chế.

“Khi đốt pháo, để phòng tránh chấn thương mắt do pháo nổ, người dân cần đứng ở khoảng cách an toàn khi xem bắn pháo nổ, không nhặt pháo chưa nổ, giám sát chặt chẽ trẻ em, đặc biệt là khi có pháo nổ xung quanh. Ngoài ra, đeo kính bảo vệ mắt có thể giúp giảm nguy cơ chấn thương do tia lửa hoặc mảnh vỡ từ pháo nổ.” – TS.BS. Nguyễn Thanh Nam khuyến cáo.

Chính vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức phòng tránh, tuân thủ các quy định của pháp luật và tuyên truyền rộng rãi để hạn chế tối đa các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Tết là niềm vui, là sum vầy. Hãy tận hưởng một cách an toàn, lành mạnh. Đừng để niềm vui trở thành nỗi đau chỉ vì một phút bất cẩn.

Bệnh viện Mắt
(Tổng hợp thông tin từ Khoa THTM-TKNK và Khoa Mắt nhi)