(BVM) – Chiều tối ngày 8/8/2023, Bệnh viện Mắt đã vinh dự nhận Giải Nhì – Giải thưởng Sáng tạo TPHCM năm 2023: “Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr”
Xem thêm bài viết về Giới thiệu các sản phẩm y tế đạt Giải thưởng sáng tạo TPHCM lần thứ 3, năm 2023: https://www.medinet.gov.vn/cai-cach-hanh-chinh-y-te-thong-minh-chuyen-doi-so/gioi-thieu-cac-san-pham-y-te-dat-giai-thuong-sang-tao-tphcm-lan-thu-3-nam-2023-cmobile4714-68001.aspx
Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr
Là giải pháp công nghệ số mà Bệnh viện Mắt nghiên cứu phát triển để chuẩn hóa hoạt động tầm soát phát hiện sớm bệnh glôcôm trong cộng đồng.
Đánh giá tính thiết thực của giải pháp, TS.BS. Phạm Thị Thủy Tiên – Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: So với trước đây, để khám tầm soát cho 1 người bệnh glôcôm, bệnh viện phải sắp xếp bố trí nhiều nhân lực để thực hiện và người bệnh phải chờ từ 15 – 20 phút mới hoàn tất công đoạn chẩn đoán bệnh. Sau khi ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr, người bệnh đến khám tầm soát bệnh không cần phải chờ đợi lâu, hiệu quả và chỉ mất khoảng 8 – 10 giây là đã có kết quả chụp ảnh màu gai thị tầm soát bệnh glôcôm.
Ảnh: Ứng dụng phần mềm EyeDr
Sự cần thiết của công trình
Bệnh glôcôm là mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. Glôcôm là nguyên nhân chiếm tỷ lệ hơn thứ hai, chỉ xếp sau đục thủy tinh thể, dẫn đến chứng mất thị lực hoàn toàn. Điều đáng lo ngại là đa số bệnh nhân glôcôm không nhận biết mình mắc bệnh cho đến khi mắt ở tình trạng nặng ảnh hưởng đến thị lực trung tâm. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh thì người bệnh có thể phòng ngừa được biến chứng mù lòa của bệnh glôcôm. Hiện tỷ lệ phát hiện sớm bệnh glôcôm ở nước ta còn thấp do chưa có phương pháp khám tầm soát phù hợp kịp thời.
Tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào việc chẩn đoán hình ảnh nhất là trong nhãn khoa vẫn còn chưa được khai thác. Một câu hỏi được đặt ra là liệu có thể phát triển một thuật toán trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện glôcôm bằng hình ảnh đĩa thị tốt như một chuyên gia glôcôm và có thể chẩn đoán từ xa nơi không có cả bác sĩ chuyên khoa mắt?
Nhất là để tầm soát cho khoảng 300 người (bao gồm đo thị lực, nhãn áp, khám đĩa thị) cho các đối tượng trên 40 tuổi nhân ngày Tuần lễ Glaucoma Thế giới hàng năm, bệnh viện phải huy động 10 bác sĩ chuyên khoa glôcôm, 20 Điều dưỡng mắt, tiến hành khám sàng lọc trong 1 buổi (4 giờ). Như vậy, bác sĩ phải mất 40 giờ chỉ để khám cho 300 người, trung bình 8 phút/ người. Bên cạnh đó, những vấn đề về công tác tổ chức (tiếp đón, nhận bệnh, lưu trữ, công tác hậu cần, an ninh trật tự cũng phải cần đến 30 người hỗ trợ cho ngày tầm soát này. Vấn đề đặt ra có cách nào tầm soát cho nhiều người bệnh mà không cần phải tốn nhiều nhân lực hay không? Hơn nữa, khi khám đĩa thị, bác sĩ glôcôm sẽ dựa vào những đặc điểm tổn thương chuyên biệt để xác định đĩa thị này có bị glôcôm chưa? Tuy nhiên, điều này còn tuỳ thuộc đến kinh nghiệm của bác sĩ và sự hợp tác của người bệnh trong lúc khám. Câu hỏi đặt ra là có thể bằng cách nào chuẩn hóa việc tầm soát này hay không?
Tập hợp dữ liệu, xây dựng phần mềm EyeDr
Ứng dụng công nghệ 4.0 trí tuệ nhân tạo vào kho dữ liệu hình ảnh chụp đáy mắt của chính bệnh nhân Việt Nam để xây dựng phần mềm EYEDR có thể tầm soát bệnh lý glôcôm.
Từ kho dữ liệu hình chụp đáy mắt cũ, chỉ có giá trị sử dụng của bác sĩ điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện đã nghiên cứu phát triển phần mềm bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo EyeDr đã khoác cho bộ dữ liệu một chiếc áo mới mang tầm vóc hiện đại có tính ứng dụng cao cho tất cả bác sĩ lâm sàng nhãn khoa nói riêng cũng như cộng đồng nói chung. Người bệnh được sử dụng phần mềm là những người trên 40 tuổi, có những yếu tố nguy cơ như cận thị nặng, viễn thị nặng, tiền sử gia đình có người mắc bệnh glôcôm, đái tháo đường, cao huyết áp,…
Vào tuần lễ Glaucoma thế giới 12-18/03/2023 vừa qua, phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr được đưa vào tầm soát bệnh glôcôm trong cộng đồng. Qua đó, bệnh viện có hơn 100 người tham gia khám tầm soát bằng hệ thống EyeDr với tỉ lệ phát hiện bệnh lý là 28%. Nhân lực phục vụ cho việc khám tầm soát chỉ có 7 người so với 30 nhân viên y tế nếu tầm soát trực tiếp.
Phần mềm EyeDr hiện nay đã được nâng cấp thêm phần đặc điểm nhãn áp (>21mmHg) sẽ giúp phát hiện những người tăng nhãn áp giai đoạn sớm chưa có biểu hiện tổn thương ở đĩa thị.
Đối với lĩnh vực KH&CN, phần mềm EyeDr đóng góp vào sự phát triển của y học Việt Nam nói chung và ngành nhãn khoa nói riêng trong hoạt động đáp ứng nhu cầu khám tầm soát phát hiện sớm bệnh lý đáy mắt để kịp thời điều trị hiệu quả cho người bệnh.
Ảnh: Giao diện phần mềm EyeDr và link: EyeDr.bvmat.com
Phần mềm EyeDr đạt độ nhạy và độ chuyên biệt cao để phát hiện sớm bệnh
Phần mềm EyeDr là phần mềm mang dữ liệu hình ảnh chụp đáy mắt với đặc điểm của người bệnh Việt Nam. Phần mềm EyeDr đã được Cục bản quyền tác giả chứng nhận đăng ký quyền tác gỉả số 10882/2022/QTG. Sản phẩm còn được Cục sở hữu trí tuệ công nhận và đạt Giải xuất sắc cuộc thi HAI2020 của UBND cùng Giải AI tech Matching 2022 của Bộ Thông tin truyền thông.
Theo TS.BS. Phạm Thị Thủy Tiên, chỉ cần trang bị máy chụp hình đáy mắt chụp được ảnh gai thị, các bệnh viện trong và ngoài công lập, bệnh viện tuyến quận huyện, trung tâm y tế phường xã đều có nhu cầu khám và tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt cho bệnh nhân bằng hình ảnh gai thị đều có thể sử dụng phần mềm mà không cần chuyên gia glôcôm hoặc đáy mắt.
Với phần mềm trí tuệ nhân tạo EyeDr, bệnh viện có thêm một công cụ, phương tiện có độ nhạy đạt 90% và độ chuyên biệt cao đạt 93% để phát hiện bệnh lý thần kinh thị do glôcôm từ những hình ảnh đáy mắt chất lượng cao.
Thông qua giải pháp EyeDr, các bệnh viện trong và ngoài công lập, bệnh viện tuyến quận huyện, trung tâm y tế phường xã chỉ cần trang bị thiết bị chụp được ảnh gai thị, là hoàn toàn có thể tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt cho người bệnh mà không cần sự hiện diện trực tiếp của bác sỹ – chuyên gia glôcôm. Đồng thời, các cơ sở y tế có chuyên khoa Mắt có thể ứng dụng phần mềm như một phương tiện Telehealth cho những vùng sâu, vùng xa.
Điều này cũng góp phần đồng hành cùng Bệnh viện Mắt tăng cường các hoạt động khám tầm soát, phát hiện sớm bệnh lý mắt glôcôm và giảm tỷ lệ mù lòa trong cộng đồng.
Bệnh viện Mắt
Nhóm tác giả:
1. TS.BS. Phạm Thị Thủy Tiên
2. ThS.KS.CNTT. Hồ Phương Thanh Tài
3. BS.CKII. Đỗ Quốc Hiệp.
4. CNĐD. Nguyễn Trọng Lộc
5. ThS. BS. Lê Nhật Minh.
6. ThS.BS. Lâm Hoàng Yến