51

Biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe con người

Biến đổi khí hậu tác động đến sức khỏe con người theo nhiều cách khác nhau, như làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt, thay đổi mô hình lây truyền và mức độ các bệnh truyền nhiễm. Nhiệt độ tăng 1oC sẽ làm tăng khoảng 7%-11% nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, 5,6% mắc bệnh tay chân miệng…

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương -Thứ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp nhóm đối tác về biến đổi khí hậu và sức khỏe do Bộ Y tế tổ chức hôm nay (17/11) với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Châu Âu.

Cuộc họp nhằm mục đích đánh giá thực trạng tác động của biến đổi khí hậu với sức khỏe tại Việt Nam, thảo luận về các ưu tiên, các giải pháp, các hợp tác trong thời gian tới, chuẩn bị cho hệ thống y tế theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động đến nhiều mặt đời sống xã hội và con người. Theo tính toán sơ bộ của Ngân hàng thế giới năm 2020, tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam có thể làm mất đi 3,2% GDP.

“Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh gây ra bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan, cháy rừng và ô nhiễm không khí. Biến đổi khí hậu tác động tới nhu cầu cơ bản của con người như nước sạch, vệ sinh môi trường, an ninh lương thực, ảnh hưởng rất lớn tới các quốc gia đang phát triển và nhóm dân số dễ bị tổn thương: người già, trẻ em, người có bệnh nền và nhóm dân tộc thiểu số”- PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang quan tâm chỉ đạo, thực hiện các cam kết và đề xuất ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và thực hiện các giải pháp ứng phó ở tất cả các cấp, các ngành.

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2050 nhằm chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ khí hậu trái đất; tận dụng cơ hội từ ứng phó biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong ngành y tế, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2019 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó gồm các giải pháp và hoạt động thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)