56

BỎNG MẮT

BỎNG MẮT

————————-

Bỏng mắt là gì?

Bỏng mắt có thể xảy ra sau chấn thương do tiếp xúc của mắt với nhiệt hoặc hóa chất và có thể gây tổn thương bề mặt mắt dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm mù vĩnh viễn.

Hình 1. A. Bỏng kết mạc giác mạc độ IV .B. Dính mi cầu, đục giác mạc 1 năm sau bỏng

(Nguồn: Khoa giác mạc Bệnh viện Mắt)

Nguyên nhân làm bỏng mắt

Có nhiều loại tác nhân có thể gây tổn thương cho mắt, nguyên nhân có thể là:

Bỏng mắt do nhiệt độ

  • Nhiệt khô: lửa củi, lửa xăng dầu, lửa thuốc pháo, thuốc đạn.
  • Nhiệt ướt: nước sôi, dầu sôi, hơi nước của nồi hoặc máy áp suất, kim loại nóng chảy.
  • Ngoài ra có thể bỏng do nhiệt độ thấp: nitơ lỏng, tuyết carbonic
  • Phản xạ chớp mắt thường giúp khép mi mắt lại bảo vệ nhãn cầu khi tiếp xúc với một kích thích nhiệt. Do đó, bỏng nhiệt có xu hướng ảnh hưởng đến mí mắt hơn là nhãn cầu. Hầu hết các vết bỏng nhiệt ảnh hưởng đến nhãn cầu không đáng kể và có thể phục hồi mà không để lại hậu quả trầm trọng.

Bỏng mắt do hoá chất

  • Các chất kiềm thường gặp: vôi, xi măng (calcium hydroxide), xút (potassium hydroxide, sodium hydroxide), ammoniac (ammonium hydroxide).

Hình 2. Bỏng kết giác mạc độ IV do vôi văng trúng

(Nguồn: Khoa giác mạc Bệnh viện Mắt)

  • Các chất axit thường gặp: axit sulfuric (axit bình ắc quy), axit clohyric (axit trong công nghiệp), acit hydrofluoric, axit nitric, axit tricloracetic…
  • Bỏng hoá chất của giác mạc và kết mạc có thể nghiêm trọng, đặc biệt khi có liên quan đến acid hoặc kiềm. Bỏng kiềm gây hoại tử hóa lỏng, ngược lại bỏng axit gây hoại tử đông máu. Do sự khác biệt này, bỏng kiềm có độ xâm nhập sâu hơn và có xu hướng nghiêm trọng hơn bỏng axit.

Bỏng mắt do tia hàn, hồ quang điện, tia cực tím (đèn cực tím khử khuẩn hồ cá), tia laser

  • Các tia trên có bản chất là một chùm ánh sáng mang năng lượng cao, có khả năng xuyên sâu và làm tổn thương mắt. Khi mắt tiếp xúc các tia này với một lượng lớn và kéo dài liên tục, người bệnh sẽ thấy hai mắt đau nhức dữ dội, chảy nước mắt nhiều, chói mắt, cảm thấy sợ ánh sáng nên không mở được mắt.

Triệu chứng của bỏng mắt là gì?

Hình 3. Bỏng kết giác mạc độ II và tróc biểu mô giác mạc

         

(Nguồn: Khoa giác mạc Bệnh viện Mắt)

Sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, mắt sẽ xuất hiện các triệu chứng như: cộm xốn, kích thích, đau nhức, nhìn mờ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, khó mở mắt…

Tuy vậy mức độ đau có thể không tương ứng với mức độ nặng: Các trường hợp bỏng hóa chất nặng thường ít gây đau hơn do thần kinh đã bị phá hủy, do đó người bệnh không đau nhiều cũng có thể là một dấu hiệu tiên lượng nặng.

Để được xử trí cấp cứu và điều trị hiệu quả, bạn cần cung cấp thông tin đầy đủ cho bác sĩ về tình huống xảy ra bỏng, thời điểm xảy ra, tên loại hoá chất, nồng độ, thời gian tiếp xúc với hoá chất và và xử trí trước khi đến khám

Bạn cần làm gì khi bị bỏng mắt?

Điều trị bỏng mắt phải xử trí thật khẩn trương, đúng đắn thì mới có thể bảo tồn được chức năng thị giác của mắt. Tiên lượng mắt bị bỏng phụ thuộc rất nhiều vào cách xử trí cấp cứu ban đầu.

Đầu tiên cần lấy hết dị vật còn trong mắt. Nếu bỏng do vôi cục chưa tôi phải gắp hết vôi cục ra (không nên rửa mắt ngay từ đầu).

Sau đó cần rửa mắt liên tục bằng nguồn nước sạch tại hiện trường tai nạn, tác dụng của việc rửa mắt không chỉ loại trừ tác nhân gây bỏng ra khỏi mắt mà còn giảm nồng độ của hóa chất gây bỏng, kiểm soát được mức độ tổn thương, hạn chế các di chứng về sau. Việc rửa mắt tại nơi xảy ra tai nạn là biện pháp đơn giản giúp tác nhân gây bỏng không còn lại ở bề mặt nhãn cầu và các túi cùng kết mạc để xâm nhập vào các tổ chức bên trong mắt, bảo tồn chức năng sinh lý của mắt.

Cuối cùng cần nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị thích hợp.

Xử trí cấp cứu tại Bệnh viện Mắt

Khi đến khám tại Bệnh viện Mắt người bệnh sẽ được Khoa Cấp Cứu xử trí ban đầu:

  • Đo độ pH bằng giấy quỳ
  • Kiểm tra cùng đồ lấy dị vật ra khỏi mắt (như vôi cục, đất cát)
  • Dẫn lưu rửa mắt bằng dung dịch Lactate ringer hoặc nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) từ 500 đến 1000ml mỗi mắt trong 30 phút
  • Đo lại độ pH sau rửa bằng giấy quỳ

Sau đó bác sĩ sẽ khám và đánh giá mức độ bỏng trên lâm sàng dựa theo các dấu hiệu lâm sàng như: tình trạng tróc biểu mô giác mạc, mức độ đục giác mạc, tình trạng phù nề, cương tụ và thiếu máu của kết mạc vùng rìa … Sau đó mắt bị bỏng được phân thành các mức độ với tiên lượng như sau:

Phân độ bỏng mắt theo Roper Hall

Bảng phân độ bỏng theo Roper Hall

Tiên lượng

Độ I

Giác mạc trong ( chỉ tổn thương lớp biểu mô)

Không thiếu máu vùng rìa.

 

Tốt

Độ II

Giác mạc đục nhẹ vẫn quan sát thấy được các chi tiết của mống mắt.

Thiếu máu vùng vùng rìa dưới 1/3 chu vi (1200).

Khá

Độ III

Mất toàn bộ biểu mô giác mạc.

Nhu mô giác mạc đục, không thấy được chi tiết của mống mắt.

Thiếu máu vùng vùng rìa từ 1/3 – 1/2 chu vi (1200 – 1800).

Nặng

Độ IV

Đục giác mạc toàn bộ

Thiếu máu vùng vùng rìa trên 1/2 chu vi (> 1800)

Rất nặng

(Nguồn: AAO 2021 – 2022 Basic and Clinical Course, Section 8: External disease and Cornea)

Bỏng mắt độ I và độ II (bỏng nhẹ – trung bình): Tiên lượng tốt, thị lực không giảm hoặc chỉ giảm nhẹ. Do đó người bệnh có thể được cấp toa thuốc về và hẹn tái khám tại phòng ngoại trú khoa Giác mạc.

Bỏng mắt độ III và IV (bỏng nặng): Tiên lượng nặng, có thể gây giảm thị lực nghiêm trọng kèm theo các di chứng nặng nề như hoại tử mô do thiếu máu nuôi, dính mi cầu, khuyết biểu mô giác mạc lâu lành và glaucoma thứ phát. Người bệnh được chỉ định nhập viện điều trị nội trú tại khoa Giác mạc

Điều trị bỏng mắt

Điều trị nội khoa:

  • Rửa dẫn lưu mắt liên tục: cho đến khi độ pH ở bề mặt mắt trở về trung tính (pH = 7.0 – 7.3)
  • Phòng ngừa nhiễm trùng với kháng sinh nhỏ mắt
  • Giảm viêm: phản ứng viêm ở mắt làm tăng lượng men phá hủy collagen của giác mạc, vì vậy cần được kiểm soát sớm. Thuốc chống viêm thường dùng nhất là Costicoid toàn thân và nhỏ mắt tại chỗ, đặc biệt trong 10 ngày đầu.
  • Chống dính mống
  • Chống nhuyễn giác củng mạc và chống dính mi cầu
  • Hạ nhãn áp (nếu có tăng nhãn áp kèm theo)
  • Và các thuốc điều trị hỗ trợ khác như: nước mắt nhân tạo hỗ trợ lành biểu mô giác mạc, thuốc giảm đau, vitamin C …

Điều trị phẫu thuật: Tùy theo tình trạng lâm sàng người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật như:

  • Rửa tiền phòng và đo pH tiền phòng, cắt lọc mô hoại tử, … tách dính mi cầu kèm theo ghép màng ối và đặt khuôn chống dính.
  • Dán keo giác mạc nếu giác mạc mỏng dọa thủng
  • Ghép phủ màng ối ,ghép bao Tenon, ghép kết mạc tự thân (sau bỏng 5-7 ngày) nếu khuyết biểu mô giác mạc lâu lành, thiếu máu gây hoại tử kết mạc.

Hình 4. Ghép màng ối điều trị bỏng mắt

(Nguồn: Khoa giác mạc Bệnh viện Mắt)

  • Ghép tế bào gốc vùng rìa (SLET) từ mắt lành (không bị bỏng).
  • Phẫu thuật tạo hình mi khi có biến dạng mi và/hoặc ghép niêm mạc môi nếu có sừng hóa bờ mi.
  • Ghép giác mạc: khi bệnh lý bề mặt nhãn cầu ổn định.

Một số biến chứng do bỏng mắt

Thủng giác mạc, viêm màng bồ đào, đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp, quặm mi, dính mi cầu, sẹo giác mạc, khô mắt

Chăm sóc mắt sau bỏng

  • Rửa tay sạch trước khi rửa mắt và nhỏ thuốc. Cách rửa mắt: nhỏ nhiều giọt dung dịch nước muối sinh lý (Natri clorid 0.9%) vào mắt bệnh để trôi sạch dịch tiết, rồi dùng gòn lau nhẹ mi mắt, tránh quẹt gòn trực tiếp vào mắt. Sau khi rửa mắt thì nhỏ và tra thuốc theo hướng dẫn: các thuốc nhỏ cách nhau 10-15 phút, thuốc mỡ thường sử dụng vào buổi trưa và tối khi đi ngủ.
  • Đeo kính mát/kính râm khi ra nắng để hạn chế chói mắt
  • Giữ vệ sinh cá nhân, tránh dụi mắt hoặc để cát hay bụi bay vào mắt
  • Tắm gội tránh để nước vô mắt bệnh
  • Ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước, hạn chế rượu bia và thuốc lá

Phòng ngừa

  • Nên đeo kính bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất
  • Thận trọng khi sử dụng các chất/dung dịch tẩy rửa tại nhà (nên đeo kính bảo hộ nếu có)
  • Khi bị hóa chất văng vào mắt nên rửa ngay với nước sạch có sẵn như nước vòi/nước máy, nước suối/nước khoáng đóng chai, nước muối sinh lý… rửa nước từ 3-5 phút hoặc chớp mắt nhiều lần trong thau nước sạch nhằm giảm lượng hóa chất trên bề mặt nhãn cầu, sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

KHOA GIÁC MẠC