CẢNH BÁO TAI NẠN VỀ NỎ BẮN BI
Trong những năm gần đây, nhiều trẻ em đã bị thương do chơi với nỏ bắn bi, một món đồ chơi tuy phổ biến nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một trong những ca bệnh nhập viện gần đây đã cho thấy rõ sự nguy hiểm khi trẻ em sử dụng nỏ bắn bi mà không có sự giám sát của người lớn.
Ngày 03/12/2024, Khoa Mắt Nhi, bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam L.P.T., 12 tuổi, đến khám. Mẹ bé kể vào lúc 12 giờ trưa ngày 01/12/2024, khi bé đang chơi với bạn ngoài trời thì bị bạn bắn viên bi trúng mắt trái. Ngay sau đó, mắt trái của bé bắt đầu sưng đau. Sau ba ngày, tình trạng không cải thiện, bé đến bệnh viện mắt để khám.
Hình 1: Vết trầy da mi trên nhỏ, dễ bỏ sót tổn thương.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện:
Mắt trái:
- Trầy da mi trên.
- Kết mạc cương tụ
- Xuất huyết trong dịch kính và khó quan sát võng mạc.
- Thị lực mắt trái giảm chỉ còn 1/10.
Đường vào của viên bi sắt tại vết trầy da mi trên rất nhỏ, dễ bỏ sót tổn thương. Người bệnh được chỉ định chụp X-quang và CT-scan để kiểm tra.
Kết quả chụp X-quang cho thấy viên bi (7mm) sâu trong hốc mắt, gần sát thành trên của hốc mắt trái, nhưng không gây tổn thương đến xương. Trên CT-scan, viên bi kim loại kích thước khoảng 10mm nằm ngay trên nhãn cầu, đẩy lệch nhãn cầu xuống dưới. Bé được nhập viện để tiến hành phẫu thuật lấy dị vật trong hốc mắt.
Hình 2. Dị vật kim loại có cản quang trong hốc mắt, ngoại chóp, dưới bờ xương ổ mắt trên
Ca phẫu thuật thành công với một đường mổ nhỏ. Các bác sĩ đã sử dụng nam châm điện để lấy viên bi sắt ra. Viên bi có kích thước 7,5mm được lấy ra an toàn khỏi hốc mắt trái, và tình trạng mắt trái của bệnh nhân đã dần hồi phục.
Hình 3. (Hình trái) Hình ảnh viên bi sắt được dùng nam châm điện hút ra. (Hình phải) Viên bi sắt có kích thước 7,5mm đã được lấy ra an toàn
Hình 4. (Hình trái) Bộc lộ vết thương để lấy viên bi sắt. (Hình phải) Vết khâu sạch, kín, giữ được thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Khuyến cáo
Mặc dù trò chơi bắn bi có thể nghe có vẻ vô hại, nhưng nỏ bắn bi sắt lại cực kỳ nguy hiểm. Khi bi sắt được bắn với lực mạnh, chúng có thể xuyên qua các lớp bảo vệ của mắt, gây ra những tổn thương nghiêm trọng như:
- Dị vật hốc mắt: Bi sắt có thể lọt vào hốc mắt và gây tổn thương các cấu trúc liên quan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dị vật này có thể gây tổn hại lâu dài đến nhãn cầu.
- Chấn thương mắt: Bi sắt có thể làm trầy xước giác mạc, xuất huyết dịch kính, chèn ép dây thần kinh. Tình trạng này có thể dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù lòa.
- Chấn thương xuyên thấu vào não: Hốc mắt có cấu trúc gần kề với các bộ phận quan trọng của não bộ. Khi viên bi sắt được bắn với tốc độ cao, lực tác động mạnh có thể xuyên qua hốc mắt đến não, gây xuất huyết, tụ máu nội sọ, hoặc viêm màng não do nhiễm trùng qua vết thương hở.
Ca lâm sàng này là một minh chứng rõ ràng về những hậu quả nghiêm trọng từ việc chơi với nỏ bắn bi nếu không được giám sát chặt chẽ và thiếu nhận thức về nguy cơ. Rất may mắn, viên bi đã được lấy ra ngoài an toàn mà không tổn hại các cấu trúc xung quanh cũng như thẩm mỹ của bệnh nhân.
Phòng ngừa và giáo dục
Để tránh những tai nạn đáng tiếc, cha mẹ và người lớn cần chú ý những điểm sau:
- Giám sát trẻ em khi chơi: Trẻ em thường hiếu động và dễ bị cuốn vào trò chơi mà không nhận ra nguy hiểm. Vì vậy, người lớn cần giám sát và đảm bảo rằng các trò chơi không gây ra rủi ro cho trẻ.
- Chọn lựa đồ chơi an toàn: Hãy tránh mua những món đồ chơi như nỏ bắn bi cho trẻ, đặc biệt là khi không có sự giám sát của người lớn.
- Giáo dục trẻ em: Hãy giải thích cho trẻ về nguy hiểm khi chơi với nỏ bắn bi, để trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân và tránh xa những trò chơi nguy hiểm.
- Điều trị kịp thời: Nếu chẳng may trẻ bị chấn thương mắt, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Việc điều trị kịp thời có thể phòng ngừa được nhiều tổn thương nghiêm trọng và bảo vệ thị lực của trẻ.
Phòng bệnh luôn quan trọng hơn chữa bệnh. Để tránh những hối tiếc không đáng có, gia đình, cộng đồng và nhà trường cần nâng cao nhận thức, giám sát chặt chẽ trẻ khi chơi, đồng thời lựa chọn các đồ chơi an toàn. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về chấn thương mắt của trẻ, dù là những vết thương nhỏ hay triệu chứng nhẹ, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện mắt để được chẩn đoán chính xác và xử lý kịp thời.
Khoa Mắt Nhi – Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh