33

CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN CHO NHÂN VIÊN Y TẾ

Nhân viên y tế là đội ngũ nòng cốt trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Họ không chỉ hỗ trợ, điều trị về thể chất mà còn hỗ trợ, động viên về tinh thần cho người bệnh. Tuy nhiên, công việc này đôi khi có thể gây áp lực lớn, dẫn đến stress và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác. Việc phát hiện và dự phòng sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần sẽ giúp nhân viên y tế kiểm soát căng thẳng và cân bằng cảm xúc, đảm bảo nguồn nhân lực ngành y tế trong hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, được sự chấp thuận của Đảng ủy và Ban Giám đốc, Công đoàn Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế”. Đây là một chuyên đề rất được sự quan tâm của nhân viên y tế nói chung và tất cả nhân viên trong Bệnh viện Mắt nói riêng trong bối cảnh công việc cũng như đời sống hàng ngày mang rất nhiều áp lực.

 

 

 

 

 

Báo cáo viên BS CKII Trần Trung Nghĩa – Trưởng bộ môn Tâm thần,

ĐH Y Dược TP. HCM

Sức khỏe tâm thần không chỉ là sự “vắng mặt” của các bệnh tâm thần. Nó còn là một tình trạng thoải mái, hạnh phúc của mỗi con người khi người đó có thể nhận thấy những tiềm năng của chính mình, có thể ứng phó với những tác nhân gây stress thường ngày, có thể làm việc một cách sáng tạo và hiệu quả, và đồng thời có thể tham gia đóng góp cho cộng đồng mà mình đang sống.

Căng thẳng là tình trạng mỗi người thường xuyên phải đối mặt trước áp lực của công việc và đời sống hàng ngày. Căng thẳng của nhân viên y tế rất đa dạng và ngày càng có nhiều nguyên nhân hơn. Những vấn đề đó được biểu hiện trong cuộc sống gia đình hay công việc như chuyên môn, áp lực công việc, quan hệ đối xử với đồng nghiệp, mối quan hệ giữa nhân viên với lãnh đạo… Nếu không biết cách giảm nhẹ căng thẳng thì đôi khi điều đó trở thành gánh nặng rất lớn mà chúng ta không nhìn thấy được.

Các vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp tại nơi làm việc gồm có rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn trầm cảm dai dẳng, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn stress sau sang chấn, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống… Các tác nhân gây stress bao gồm: Môi trường, tâm lý cá nhân, sức khỏe, tiền bạc, công việc, trải nghiệm cuộc sống.

 

 

 

 

 

Nhân viên Bệnh viện Mắt tham dự buổi nói chuyện chuyên đề

Nhân viên y tế có thể chăm sóc sức khỏe tâm thần và ứng phó với căng thẳng tâm lý bằng cách chăm sóc bản thân như sắp xếp hợp lý giữa lao động và nghỉ ngơi, đảm bảo ngủ tốt; tổ chức tốt cuộc sống gia đình; có chế độ dinh dưỡng lành mạnh; tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Việc duy trì tối đa lịch sinh hoạt hằng ngày có thể giúp cân bằng tâm lý của nhân viên y tế. Dù bận rộn, nhân viên y tế nên cố gắng duy trì tập thể dục, ăn uống đầy đủ và dành ít nhất 20 phút/ngày cho các hoạt động thư giãn theo sở thích như đọc sách, nghe nhạc… Bên cạnh đó, biết chọn lọc thông tin, có thái độ đúng với các cảm xúc âm tính, hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý hoặc giữ tinh thần lạc quan trong những thời điểm khó khăn cũng là phương pháp hữu hiệu để giảm căng thẳng.

Khi nhận ra mình quá căng thẳng và mệt mỏi, các bài tập hít thở sâu để điều hoà cơ thể và cảm xúc có thể giúp giữ bình tĩnh. Sự động viên, hỗ trợ của gia đình, đồng nghiệp và những người xung quanh sẽ giúp cảm giác mình không đơn độc.

Kết thúc buổi nói chuyện chuyên đề, nhân viên Bệnh viện Mắt đã có thêm những khái niệm và cách chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bản thân cũng như bạn bè đồng nghiệp xung quanh. Từ đó, mỗi người xây dựng cho bản thân thói quen lành mạnh, khả năng cân bằng tốt công việc và cuộc sống để đảm bảo sức khỏe tốt cho công việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người.