Chấn thương mắt là một cấp cứu hay gặp trong nhãn khoa, chủ yếu ở nam giới và lứa tuổi trẻ. Theo y văn, tỉ lệ chấn thương chiếm 10-15% trong các bệnh về mắt. Đây là một bệnh lý nặng vì có thể để lại di chứng giảm thị lực, tuy nhiên có thể phòng tránh được bằng một số biện pháp bảo hộ tương đối đơn giản.
Chấn thương mắt được chia thành 2 loại chính:
Chấn thương đụng dập: là chấn thương gây tổn thương nhãn cầu nhưng thành nhãn cầu vẫn nguyên vẹn như xuất huyết kết mạc (lòng trắng), xuất huyết tiền phòng, xuất huyết pha lê thể… Tác nhân hay gặp thường là những vật tù, không sắc nhọn như banh tennis, trái cầu lông, nắm đấm (tay), nắp chai (nước ngọt, bia, rượu)…
Bệnh nhân bị xuất huyết tiền phòng
Chấn thương xuyên thủng: là chấn thương gây tổn hại toàn bộ thành nhãn cầu, tạo đường thông thương vào bên trong mắt, ví dụ như rách giác mạc (rách tròng đen), rách củng mạc (rách tròng trắng), vỡ nhãn cầu… Tác nhân hay gặp thường do vật sắc nhọn như dây ràng, dao kéo, móc sắt, định, tuốc-nơ-vít, cây nhọn…
Bệnh nhân bị rách giác mạc (tròng đen) trước mổ
Bệnh nhân bị rách giác mạc (tròng đen) sau mổ
Cách phát hiện
Sau khi bị chấn thương, mắt có các biểu hiện như đỏ mắt, cộm xốn, chảy nước mắt, đau nhức, nhìn mờ…
Những dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay hoặc vài ngày sau chấn thương.
Xử trí ban đầu
Việc xử trí ban đầu đúng cách sẽ giúp tránh làm tổn thương thêm mắt và giúp phần điều trị tiếp theo thuận lợi hơn.
Khi bị chấn thương, có thể sử dụng băng che mắt rồi đến cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị. Lưu ý, khi băng mắt không nên tì đè lên mắt vì có thể làm tổn thương thêm nhiều cấu trúc khác của mắt.
Băng mắt khi bị chấn thương
Bệnh nhân tuyệt đối không được dụi mắt hoặc rút những vật nhọn đang cắm trên mắt (nếu có) vì có thể gây tổn thương thêm hoặc gây chảy mau nhiều hơn. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc nhỏ mắt vì thuốc nhỏ mắt không thích hợp có thể gây nhiễm trùng.
Phòng ngừa
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chấn thương mắt thường xảy ra do tai nạn sinh hoạt (lau dọn nhà cửa, làm vườn, chơi thể dụng thể thao…), tai nạn lao động hoặc tai nạn giao thông…Do vậy, cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng ngừa chấn thương mắt là đeo kính bảo hộ thích hợp khi làm việc hay sinh hoạt. Bên cạnh đó, cần tránh tiếp xúc gần với nơi có hoạt động làm văng ra nhiều bụi hay mảnh nhỏ, cát, mạt cưa… Đối với trẻ em, cần quan sát trẻ kĩ lưỡng và không cho trẻ lại gần hoặc chơi với các vật sắc nhọn. Ngoài ra, cần bo tròn các cạnh sắt, các góc nhọn của các đồ vật cố định trong nhà.
Kính bảo hộ lao động
Khi không may bị chấn thương mắt thì cần đến cơ sở chuyên khoa mắt gần nhất để khám và điều trị.