692

CHẤN THƯƠNG MẮT Ở TRẺ EM DO CẦU LÔNG

CHẤN THƯƠNG MẮT Ở TRẺ EM DO CẦU LÔNG

Cầu lông là môn thể thao đối kháng có tính giải trí cao được rất nhiều người trong mọi độ tuổi ưa chuộng, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tuy chơi cầu lông giúp tăng cường sức khỏe thể chất, giảm stress,… nhưng đáng chú ý, đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra chấn thương nhãn cầu ở trẻ em (có thể dẫn đến mù lòa) với tần suất ngày một tăng cao.

1. Thực trạng chấn thương mắt ở trẻ khi chơi cầu lông

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt TP.HCM, chỉ từ tháng 10/2023 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 400 trường hợp trẻ bị chấn thương mắt có nguyên nhân thường do các tai nạn ở trường học (chiếm khoảng 13-14% tỷ lệ các em nhập viện), nhất là trong những tình huống chơi thể thao. Trong đó, chơi cầu lông là nguyên nhân dẫn đến tai nạn nhiều nhất và thường xuyên nhất.

2. Nguyên nhân gây chấn thương

Đặc thù của môn cầu lông là người tham gia phải sử dụng kết hợp nhiều động tác chuyển động nhanh, linh hoạt để điều khiển quả cầu bay lượn nên không thể tránh khỏi các hành động phản xạ như: chạy theo cầu lông, ngước mắt nhìn theo quả cầu,…

Dù cầu lông có vận tốc nhỏ nhưng kích thước đế cầu vừa vặn với vùng mắt, nếu bất cẩn quả cầu có thể đập thẳng vào mắt. Bên cạnh đó, có không ít trường hợp các em cận thị bị quả cầu đập vỡ mắt kính, đâm xuyên thủng mắt; hoặc bị vợt đập trúng.

3. Các tổn thương mắt do chấn thương cầu lông

–  Mi mắt: Sưng tụ máu, rách mi

– Nhãn cầu: Xuất huyết bên trong mắt, tăng nhãn áp, lệch thuỷ tinh thể, bong võng mạc, rách giác mạc,..

– Hốc mắt: Tụ máu, tổn thương thần kinh mắt

 

Triệu chứng xuất huyết tiền phòng do chấn thương cầu lông – Ành minh hoạ

Các tai nạn về mắt do chơi cầu lông có thể phòng ngừa hoặc giảm thiểu được tổn thương nếu các em tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn. Do đó, trước khi bắt đầu chơi trẻ cần chọn những nơi có điều kiện ánh sáng tốt, tránh bị chói mắt hoặc ngược sáng gây khó quan sát quả cầu. Thêm vào đó, cần tập trung quan sát, chú ý lối chơi và tránh đập cầu thẳng vào người chơi đối diện.

 Đặc biệt, trẻ em nên được cần trang bị các vật dụng bảo vệ như kính bảo hộ mắt được thiết kế dành cho các môn thể thao dùng vợt, có tròng kính Polycarbonate đáp ứng tiêu chuẩn ASTM F803 mới có đủ khả năng bảo vệ. Tiêu chuẩn ASTM F803 là tiêu chuẩn an toàn trong thể thao nhằm kiểm định độ vỡ của khung và khả năng giữ thấu kính khi va chạm với bóng, gây, bàn tay, ngón tay và/hoặc khuỷu tay.

Kính bảo vệ cho trẻ em đeo khi đánh cầu lông – Ảnh minh hoạ

Bác sĩ khuyến cáo, vì trẻ nhỏ chưa có ý thức tự bảo vệ nên nhà trường và phụ huynh cần lưu ý trang bị cho các em những kiến thức căn bản về sơ cấp cứu để có hướng xử lý đúng trong mọi trường hợp. Ví dụ: Có thể dùng băng lạnh để băng tạm mắt, không đắp hoặc nhỏ bất kỳ thuốc gì vào mắt.

Đồng thời, khi đã xảy ra chấn thương, gia đình/ người giám hộ cần đưa các em đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu. Sau đó, có thể chuyển lên các bệnh viện tuyến trên có bác sĩ chuyên khoa sâu về mắt để can thiệp phù hợp, điều trị tích cực. Lưu ý, trong thời gian chuyển đến bệnh viện không nên cho trẻ ăn uống gì phòng trường hợp cần gây mê phẫu thuật kịp thời.

 

Bs. Trương Duy Dũng

Khoa Mắt Nhi – Bệnh viện Mắt