446

CƠN ĐAU THẮT NGỰC ỔN ĐỊNH

CƠN ĐAU THẮT NGỰC ỔN ĐỊNH – TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP NHẤT TRONG BỆNH MẠCH VÀNH

 Bài viết của BS. Vũ Lan Hương – phòng khám nội

Có bao giờ bạn cảm thấy trái tim mình bị đau thắt, bóp nghẹt lại đến khó thở… khi đang làm một việc gì đó nặng nhọc hoặc khi chơi thể thao, trong lúc lo lắng, căng thẳng? Nếu có thì hãy cẩn trọng bởi vì rất có thể bạn đã gặp phải cơn đau thắt ngực ổn định – triệu chứng điển hình của bệnh mạch vành.

Đau thắt ngực ổn định và những dấu hiệu để nhận biết

Đau thắt ngực ổn định là một dạng đau ngực thường gặp trong bệnh lý mạch vành. Được gọi là “ổn định” bởi vì nó thường mang tính chất tương tự nhau trong mỗi lần xuất hiện. Cụ thể, cơn đau thường chỉ xảy ra khi đang thực hiện các hoạt động phải dùng nhiều sức như chơi thể thao, bê vác nặng, leo cầu thang… hay khi căng thẳng tâm lý, một số trường hợp có thể xuất hiện khi nhiệt độ môi trường xuống thấp. Các cơn đau này thường sẽ giảm dần mức độ khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn mạch.

Người bệnh thường mô tả với cảm giác đau hay khó chịu ở ngực, ngay phía dưới xương ức, cảm giác giống như trái tim bị bóp chặt hay bị một vật rất nặng đè lên. Cơn đau có thể lan lên cổ, vai, hàm, lưng, cánh tay. Trong cơn đau thắt ngực ổn định, cũng có thể đi kèm các triệu chứng như khó thở, buồn nôn, mệt mỏi, toát mồ hôi hay lo lắng, căng thẳng.

Bạn có thể gặp cơn đau thắt ngực ổn định vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Tuy nhiên, buổi sáng là thời điểm các cơn đau thắt ngực ổn định dễ xuất hiện nhất.

Tại sao bệnh mạch vành lại gây ra các cơn đau thắt ngực ổn định?

Bên trong cơ thể, trái tim có vai trò đẩy máu mang oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động này chính nó cũng cần được cung cấp oxy liên tục bởi một hệ thống mạch máu được gọi là mạch vành.

Khi thực hiện các hoạt động gắng sức, các cơ tim phải làm việc nhiều hơn, lẽ đương nhiên lượng oxy trái tim “tiêu thụ” cũng lớn hơn. Trong khi, đối với những người mắc bệnh mạch vành thì mạch máu nuôi tim lại đã bị thu hẹp bởi các mảng xơ vữa không thể đáp ứng đủ lượng oxy cần thiết để trái tim sử dụng. Lúc này cơ thể sẽ biểu hiện ra ngoài với triệu chứng là các cơn đau thắt ngực.

Thừa cân; tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch; cholesterol cao, cao huyết áp, tiểu đường; hút thuốc lá, ít vận động thể chất là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành.

Cần làm gì khi gặp cơn đau thắt ngực ổn định?

Nếu nghi ngờ mình gặp phải cơn đau thắt ngực ổn định thì nên dừng ngay các hoạt động đang thực hiện và sử dụng thuốc do bác sĩ đã chỉ định, thường là Nitrogliicerin (nếu có) sau đó ngồi nghỉ ngơi. Thông thường cơn đau sẽ giảm dần đi tuy nhiên bạn sẽ cần phải gọi cấp cứu nếu găp phải một trong các dấu hiệu sau:

– Đau kéo dài hơn 5 phút.

– Mức độ đau nặng dần theo thời gian.

– Cơn đau vẫn không giảm đi sau 3 liều thuốc Nitrogliicerin.

– Cảm thấy mệt mỏi rã rời, dầu óc quay cuồng, vã mồi hôi lạnh, buồn nôn hoặc nôn mửa.

– Nhịp tim rất nhanh (trên 120 nhịp/phút), rất chậm (dưới 60 nhịp/phút) hoặc đập hỗn loạn.

Làm sao để chẩn đoán cơn đau thắt ngực ổn định trong bệnh mạch vành?

Để chẩn đoán cơn đau thắt ngực ổn định, các bác sĩ sẽ cần được người bệnh cung cấp đầy đủ các thông tin như thời điểm xảy ra, thời gian, cảm giác cơn đau, tiền sử gia đình, các bệnh lý mắc kèm… Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm như.

– Điện tim: Đo hoạt động điện trái tim.

– Chụp động mạch vành: Cho phép kiểm tra động mạch vành của bạn và đo lưu lượng máu đến nuôi tim.

– Kiểm tra căng thẳng: Trong bài kiểm tra này, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim và hơi thở trong khi bạn tập thể dục. Đây là loại thử nghiệm có thể xác định xem vận động thể chất gây ảnh hưởng đến hoạt động của trái tim như thế nào?

Cách làm giảm các cơn đau thắt ngực trong bệnh mạch vành hiệu quả

Đối với nhiều người bệnh mạch vành, cơn đau thắt ngực ổn định dường như trở thành nỗi ảnh với họ. Tuy nhiên bệnh mạch vành cũng như các cơn đau thắt ngực ổn định có thể được kiểm soát bằng việc kết hợp các giải pháp đồng bộ như:

Thay đổi lối sống

Điều chỉnh một số thói quen hàng ngày có thể giảm nguy cơ xuất hiện của các cơn đau thắt ngực ổn định trong tương lai. Những thay đổi này bao gồm:

– Tập thể dục vừa sức, duy trì ít nhất 150 phút/tuần và chia đều các ngày trong tuần.

– Thực hiện chế độ ăn lành mạnh với thực đơn nhiều rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây; hạn chế các loại thịt đỏ, mỡ, nội tạng động vật; ăn nhạt (dưới 3g muối/ngày).

– Bỏ thuốc lá, thuốc lào. Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, cà phê, trà đặc… Những thói quen này còn có thể làm giảm nguy cơ phát triển của một số bệnh mãn tính như tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp cao… khiến cho bệnh mạch vành tiến triển nhanh chóng hơn, từ đó các cơn đau thắt ngực ổn định cũng xuất hiện nhiều hơn.

Sử dụng thuốc

Nitrogliicerin có tác dụng giãn mạch vành từ đó giúp máu lưu thông dễ dàng hơn tới cơ tim. Đây là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất và gần như không thể thiếu trong điều trị các cơn đau thắt ngực ổn định. Thuốc có dạng đặt dưới lưỡi và dạng phun sương có tác dụng nhanh, dùng khi có cơn đau thắt ngực xảy ra. Bên cạnh đó, bạn cũng cần sử dụng một số loại thuốc khác như thuốc hạ mỡ máu, thuốc hạ áp, thuốc ngăn ngừa cục máu đông…