61

Di lệch nhãn cầu ra trước do chấn thương: Hiểu biết và ứng phó

  1. Giới thiệu:
  • Di lệch nhãn cầu là tình trạng hiếm gặp khi nhãn cầu bị lệch ra khỏi hốc mắt, có thể là một phần hoặc toàn bộ. Tình trạng này thường xảy ra do chấn thương mạnh và nhanh, gây tổn thương nghiêm trọng đến mắt và các cấu trúc xung quanh. Hiểu biết về tình trạng này và cách xử lý kịp thời có thể giúp giảm thiểu tổn thương và cải thiện khả năng phục hồi.
  1. Nguyên nhân và cơ chế:
  • Di lệch nhãn cầu thường do chấn thương vùng đầu, mặt, và cổ. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm tai nạn giao thông, tai nạn lao động, và các hoạt động thể thao nguy hiểm. Chấn thương gây nên áp lực lớn lên hốc mắt, làm các cấu trúc xương mỏng như sàn và thành trong hốc mắt dễ bị nứt gãy, dẫn đến di lệch nhãn cầu vào các xoang cạnh mũi hoặc ra trước hốc mắt.
  • Di lệch nhãn cầu ra trước: xích đạo nhãn cầu lệch ra ngoài khỏi khe mi, là trường hợp hiếm gặp, thường xảy ra sau chấn thương vận tốc cao. Đòi hỏi tiếp cận, xử trí nhanh chóng và hiệu quả.
  1. Phân loại di lệch nhãn cầu:

Di lệch nhãn cầu được chia thành hai loại chính:

– Di lệch một phần: Nhãn cầu vẫn còn nằm trong hốc mắt nhưng bị lệch vị trí.

– Di lệch hoàn toàn: Nhãn cầu bị lệch hoàn toàn ra khỏi hốc mắt, thường kèm theo đứt các cơ vận nhãn và dây thần kinh thị giác.

  1. Triệu chứng và chẩn đoán:

Người bị di lệch nhãn cầu có thể trải qua các triệu chứng như đau mắt, mất thị lực, lồi mắt, và không thể vận động mắt. Chẩn đoán thường dựa vào thăm khám lâm sàng và các phương tiện hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT) để xác định mức độ tổn thương và vị trí di lệch của nhãn cầu.

  1. Một số trường hợp lâm sàng tại BV Mắt TPHCM:
  • Trường hợp 1: Một bệnh nhân nam 23 tuổi bị chấn thương mắt do bị cây gỗ văng trúng. Mắt phải của bệnh nhân bị lệch hoàn toàn ra khỏi hốc mắt, gây mất thị lực và đau nhức nghiêm trọng. Sau khi được chụp MRI, bác sĩ phát hiện tổn thương nghiêm trọng đến cơ và dây thần kinh thị giác, dẫn đến phải phẫu thuật cắt bỏ nhãn cầu.
  • Trường hợp 2: Một bệnh nhân nam 46 tuổi bị súng hơi bắn trúng mắt trái. Nhãn cầu bị lệch ra trước và có dị vật trong hốc mắt. Sau phẫu thuật lấy dị vật và giải áp hốc mắt, nhãn cầu của bệnh nhân được tái định vị lại hốc mắt. Hình ảnh trước và sau phẫu thuật lần lượt bên trái, phải.
  • Trường hợp 3: Một bệnh nhân nam 34 tuổi bị dây cáp cứa trúng mắt khi đang chạy xe. Mắt trái của bệnh nhân bị đau nhức và chảy máu nhiều, qua thăm khám không tìm thấy nhãn cầu trong hốc mắt. Sau khi siêu âm và chụp CT, bác sĩ phát hiện nhãn cầu bị di lệch hoàn toàn ra khỏi hốc mắt và đứt các cơ vận nhãn và dây thần kinh thị giác.
  1. Điều trị và tiên lượng:
  • Xử trí di lệch nhãn cầu cần thực hiện nhanh chóng để tái định vị nhãn cầu và bảo vệ thị lực. Bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật tái định vị nhãn cầu ngay tại phòng cấp cứu. Can thiệp phẫu thuật sau đó có thể, bao gồm:
    • Thám sát và sửa chữa các cơ vận nhãn bị đứt.
    • Tái định vị nhãn cầu vào hốc mắt.
    • Sử dụng thuốc kháng viêm liều cao để giảm viêm và phù nề, sử dụng các chất bảo vệ thần kinh.
  1. Cách sơ cứu một trường hợp chấn thương di lệch nhãn cầu ra trước:
  • Trấn an người bệnh, yêu cầu bệnh nhân ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, giữ đầu và mắt ổn định, không để người bệnh cố gắng nhắm mắt chặt lại.
  • Tuyệt đối không cố gắng tác động đẩy nhãn cầu vào trong hốc mắt vì có thể làm nặng, tăng thêm tổn thương cho cấu trúc mắt.
  • Có thể băng bảo vệ nhãn cầu bằng tấm chắn hình lõm chén (ly, chén nhựa,…)
  • Gọi cấp cứu, chuyển bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa Mắt gần nhất

Hình: Tấm chắn bảo vệ nhãn cầu

  1. Kết luận:
  • Di lệch nhãn cầu là một tình trạng nghiêm trọng và hiếm gặp, đòi hỏi sự can thiệp y tế kịp thời và chuyên sâu. Hiểu biết về nguyên nhân, triệu chứng, và các phương pháp điều trị có thể giúp bệnh nhân và người nhà xử trí hiệu quả, bảo vệ tối đa chức năng thị giác và thẩm mỹ của mắt.

    Bài viết trên cung cấp một cái nhìn tổng quan về tình trạng di lệch nhãn cầu do chấn thương, giúp người dân hiểu rõ hơn về vấn đề này và cách xử trí khi gặp phải.

 

Tài liệu tham khảo

  1. American Academy of Ophthalmology. (n.d.). Traumatic Globe Luxation. EyeWiki. Retrieved from https://eyewiki.aao.org/w/index.php?title=Traumatic_Globe_Luxation&oldid=104914
  2. Gupta H, Natarajan S, Vaidya S, et al. Traumatic eye ball luxation: A stepwise approach to globe salvage. Saudi Journal of Ophthalmology. 2017/10/01/ 2017;31(4):260-265. doi:https://doi.org/10.1016/j.sjopt.2017.06.001
  3. Kumari E, Chakraborty S, Ray B. Traumatic globe luxation: A case report. Indian J Ophthalmol. 2015.