32

ĐỘ LỌC CẦU THẬN (GRF) LÀ GÌ?

ĐỘ LỌC CẦU THẬN (GRF) LÀ GÌ?

Độ lọc cầu thận (GRF) là lưu lượng máu lọc qua cầu thận trong 1 phút. Độ lọc cầu thận ước tính (eGFR) giúp đánh giá khả năng hoạt động của thận và chẩn đoán giai đoạn suy thận. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về độ lọc cầu thận và ý nghĩa của xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận.

 
Độ lọc cầu thận đánh giá chức năng thận

1. Độ lọc cầu thận là gì?

Thận là hệ thống lọc máu tự nhiên trong cơ thể, giúp loại bỏ các chất thải ra khỏi máu rồi bài tiết qua nước tiểu, đồng thời tái hấp thu nước, glucose và các amino acid. Cầu thận là bộ phận lọc máu của nephron trong thận (nephron là đơn vị cấu tạo và chức năng của thận). 

Độ lọc cầu thận GRF (Glomerular Filtration Rate) là lưu lượng máu lọc qua cầu thận trong 1 phút. eGFR là độ lọc cầu thận ước tính, cho biết khả năng bài tiết của của thận, là phép đo tốt nhất để đánh giá khả năng hoạt động của thận và chẩn đoán giai đoạn suy thận.

Độ lọc cầu thận càng cao thì chức năng thận càng tốt. Độ lọc cầu thận càng giảm thì chức năng thận càng yếu. GRF có thể thay đổi theo tuổi, giới tính, chỉ số khối cơ thể, hoạt động cơ thể, số nephron lúc sinh. Sau tuổi 30, GRF giảm dần 0,5-1ml/ph mỗi năm bất kể có tổn thương thận hay không. 

2. Độ lọc cầu thận được tính như thế nào?

GFR được ước tính gián tiếp thông qua chỉ số creatinine hoặc độ thanh thải creatinine.

Creatinine là chất thải được tạo ra từ vận động của cơ, được đưa vào máu và lọc ở thận trước khi thải ra ngoài qua nước tiểu. Creatinine đa phần thải ra nước tiểu, chỉ có một lượng nhỏ tồn tại trong máu. Khi chức năng thận suy giảm, creatinine sẽ không được bài tiết mà lưu lại trong máu nhiều hơn. eGRF được tính dựa trên kết quả creatinine trong máu xem xét trên yếu tố tuổi tác và giới tính. 

Độ thanh thải creatinine (CrCl) là thể tích máu được thanh lọc creatinine trong 1 đơn vị thời gian (ml/ph), được đo lường bằng cách kiểm tra lượng creatinine trong mẫu nước tiểu thu thập trong 24h. Độ thanh thải creatinine sẽ lớn hơn eGFR do creatinin được bài tiết thêm tại ống thận.

3. Ý nghĩa của độ lọc cầu thận GRF

Độ lọc cầu thận ước tính ở người trưởng thành khỏe mạnh > 90 ml/ph/1,73m2. 

Giá trị eGRF nằm trong khoảng 60-89 tức là độ lọc cầu thận bình thường hoặc giảm nhẹ (tùy theo độ tuổi), có thể không mắc bệnh thận, cần kiểm tra thường xuyên. Nhưng khi một người mắc albumin niệu, chứng huyết niệu, bệnh lý hoặc cấu trúc bất thường thì eGRF > 60 là một dấu hiệu sớm của bệnh thận.

Khi eGRF < 60 ml/ph/1,73m2 cho thấy độ lọc cầu thận suy giảm vừa đến mạnh. Bệnh thận mạn tính được chẩn đoán khi eGFR dưới 60 liên tục trên 3 tháng. 

eGRF giảm xuống dưới mức 15 ml/ph/1,73m2 là tình trạng suy thận, lúc này cần lọc máu thường xuyên hoặc ghép thận.

Kết quả GRF và albumin niệu (xét nghiệm protein nước tiểu) thường được kết hợp cùng nhau để đánh giá chức năng thận.

Xét nghiệm đánh giá GRF không được sử dụng trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận. Cần làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, từ đó đưa ra phương pháp điều trị sớm và phù hợp nhất. 

4. Ai cần ước tính độ lọc cầu thận

 
eGRP là một xét nghiệm kiểm tra sức khỏe định kỳ

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm độ lọc cầu thận nếu nghi ngờ một người bị bệnh thận. Một số triệu chứng của bệnh thận như:

– Phù bàn chân, mắt cá chân, cổ tay, xung quanh mắt.

– Đi tiểu ra máu, có bọt hoặc màu nâu.

– Tăng số lần đi tiểu, đặc biệt là tiểu đêm.

– Lượng nước tiểu giảm.

– Khó đi tiểu.

– Đau lưng giữa.

– Da khô, ngứa ngáy.

– Nặng ngực, khó thở không rõ nguyên nhân.

Độ lọc cầu thận ước tính là một phần của kiểm tra sức khỏe định kỳ, giúp chẩn đoán bệnh thận ở giai đoạn đầu, đặc biệt là ở những đối tượng có nguy cơ bệnh thận như:

– Trên 60.

– Đái tháo đường.

– Tăng huyết áp.

– Bệnh tim mạch.

– Thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tắc nghẽn đường tiết niệu.

– Tiền sử gia đình có người bị bệnh thận.

– Thuộc chủng tộc người Á Đông, Ấn Độ, Châu Mỹ La-tinh.

Trong các nguyên nhân gây bệnh thận mạn tính thì đái tháo đường và tăng huyết áp là nguyên nhân thường gặp nhất. Kiểm soát lượng đường trong máu và huyết áp là cách tốt nhất để phòng ngừa hoặc hạn chế tổn thương thận. Điều này cũng giúp hạn chế các biến chứng của bệnh thận.

Xét nghiệm GFR cũng được sử dụng để theo dõi bệnh nhân bị bệnh thận mạn tính.

5. Hạn chế suy giảm độ lọc cầu thận

Mặc dù tổn thương thận thường là vĩnh viễn, nhưng có thể ngăn ngừa tổn thương nặng hơn nhờ quản lý tốt các tình trạng gây ra bệnh thận. Ví dụ:

– Sử dụng thuốc huyết áp ở người tăng huyết áp.

– Sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết ở người bị tiểu đường.

– Tập thể dục thường xuyên.

– Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân béo phì.

– Chế độ ăn lành mạnh, ít đường, muối, chất béo; nhiều rau xanh, trái cây.

– Hạn chế rượu.

– Bỏ thuốc lá.

Bệnh thận nếu điều trị sớm sẽ đem lại kết quả tích cực, ngăn ngừa suy thận. Vì vậy, tất cả mọi người và đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ bệnh thận cần làm xét nghiệm creatinine và độ lọc cầu thận ước tính định kỳ để được đánh giá bệnh thận sớm.
nguồn: internet