895

GLÔCÔM CORTICOID

GLÔCÔM CORTICOID

Glôcôm là gì?

Glôcôm hay còn gọi là bệnh cườm nước hoặc thiên đầu thống, là một trong những  nguyên nhân hàng đầu gây mù trên thế giới và Việt Nam. Bệnh gây tổn thương thần kinh mắt không hồi phục nhưng vẫn có thể điều trị và phòng ngừa được.

Corticoid là gì?

Corticoid là thuốc sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tác dụng điều trị các bệnh toàn thân hoặc tại mắt bao gồm: thuốc uống, kem thoa da, thuốc tiêm mạch máu, thuốc tiêm vào mắt và vùng quanh mắt, thuốc nhỏ mắt. Trên sản phẩm thường có tên thành phần như dexamethasone, betamethasone, predisolone, loteprednol, fluorometholone, hydrocortisone, triamcinolone…

Tại sao bị mắc bệnh glôcôm corticoid?

 Glôcôm corticoid là bệnh glôcôm thứ phát do tác dụng phụ của việc sử dụng corticoid, thường sau thời gian dùng lâu dài hoặc chỉ thời gian ngắn trên một số cơ địa nhạy cảm. Đặc biệt, phần lớn số bệnh nhân mắc bệnh còn trong độ tuổi lao động và đến bệnh viện trong giai đoạn nặng, do tự dùng thuốc corticoid không theo chỉ định của bác sĩ.

Các nguy cơ dẫn tới bệnh glôcôm (cườm nước) do thuốc corticoid như:

  • Điều trị corticoid lâu ngày ở các bệnh nhân bệnh thận, cơ xương khớp, da liễu,…Thường sử dụng thuốc uống và kem thoa ngoài da.
  • Tự ý mua các thuốc nhỏ mắt tại các quầy thuốc tây không có chỉ định của bác sĩ để tự trị các triệu chứng ngứa, đỏ mắt do viêm kết mạc dị ứng. Các sản phẩm hay gặp như : Predforte, Tobradex, Dexacol, Polymax, Neodex… (hình1,2).

              

 Hình 1: một số sản phẩm nhỏ mắt chứa corticoid

Hình 2: mắt đỏ, ngứa do viêm kết mạc dị ứng

Các triệu chứng bệnh thường không rõ ràng. Đa số bệnh nhân chỉ có cảm giác hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ thoáng qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi lo lắng. Có những bệnh nhân nhìn như có màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng. Nhiều bệnh nhân không có biểu hiện bệnh, chỉ khi được phát hiện tình cờ qua đo nhãn áp hay đến khi thị lực giảm trong giai đoạn nặng.

Phương pháp điều trị

Giai đoạn sớm, bác sĩ sẽ cho ngưng corticoid và điều trị thuốc hạ nhãn áp, tình trạng mắt có thể phục hồi bình thường.

Giai đoạn trễ, tỗn thương thần kinh mắt, phải dùng các thuốc hạ nhãn áp và theo dõi định kì mỗi tháng. Nếu không đáp ứng thuốc hay bệnh ở giai đoạn nặng thì có chỉ định phẫu thuật giúp ngưng hoặc giảm quá trình tiến triển bệnh, tránh dẫn đến mù lòa.

Phòng ngừa

  • Nếu đang điều trị bệnh phải dùng thuốc corticoid thì bệnh nhân nên đi khám mắt định kì và đo nhãn áp mắt mỗi 3-6 tháng ở các cơ sở có chuyên khoa mắt.
  • Vấn đề quan trọng nhất là mọi người không nên lạm dụng các thuốc chứa thành phần corticoid khi không được tư vấn của bác sĩ. Khi bị bệnh ở mắt cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa, không tự ý mua thuốc nhỏ mắt nếu không có toa chỉ định của bác sĩ.

BS Thảo Hương/BS Trang Thanh Nghiệp