BỆNH GLAUCOMA: KẺ ĐÁNH CẮP THỊ LỰC THẦM LẶNG
Bệnh glaucoma là gì?
Bệnh glaucoma dân gian thường gọi là cườm nước hay thiên đầu thống là một bệnh lý tại mắt gây tổn thương tiến triển đến thần kinh thị giác, gây mất thị lực không hồi phục. Yếu tố nguy cơ chính là tăng nhãn áp gây hư hại thần kinh thị giác. Bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng cảnh báo hoặc có triệu chứng không rõ ràng nên dễ bị bỏ sót.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), glaucoma là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai thế giới. Vào năm 2020, số người (tuổi từ 40-80) bị glaucoma trên thế giới vào khoảng 79,6 triệu, được dự đoán tăng lên 111,8 triệu vào 2040, trong đó bệnh nhân glaucoma người Châu Á chiếm 47%. Ở các nước phát triển, khoảng 50% số người bị bệnh glaucoma không biết có bệnh và không đi khám. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, con số này có thể tăng tới 90%.
Ở Việt Nam, theo điều tra dịch tễ tại 16 tỉnh thành về tình hình mù lòa có thể phòng tránh được của Viện Mắt Trung Ương và tổ chức Atlantic Philanthropies năm 2007, có 24,800 người bị mù cả hai mắt do glaucoma và là nguyên nhân gây mù thứ 2. Năm 2015 có 13,160 người mù do bệnh glaucoma và là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ 4 trong nước.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh glaucoma?
Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, giới và mọi chủng tộc đều có nguy cơ mắc bệnh glaucoma. Trong đó tỷ lệ mắc bệnh glaucoma thường gia tăng theo tuổi: nhóm trên 40 tuổi tỉ lệ mắc bệnh là 1/200; nhóm trên 80 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh là 1/8. Nguy cơ mắc tăng gấp 10 lần nếu gia đình có người bị bệnh.
Ngoài ra nhóm yếu tố nguy cơ cao gồm người có tiền sử dùng thuốc nhóm steroid, cận thị nặng, viễn thị, có tiền căn chấn thương hay phẫu thuật mắt,…
Bệnh glaucoma có triệu chứng gì?
Các triệu chứng của glaucoma thường hay bị bỏ qua bao gồm nhức đầu, giảm thị lực từ từ, mờ mắt thoáng qua, cảm giác nặng mắt khi làm việc hoặc nhìn mờ như sương mù, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn đèn…
Ở giai đoạn đầu người mắc glaucoma có thể không có triệu chứng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, glaucoma có thể khiến người bệnh mất đi tầm nhìn ngoại vi, giống như đang nhìn qua một ống nhòm và cuối cùng dẫn tới mất toàn bộ thị lực. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm là điều cực kỳ quan trọng.
Tầm nhìn bình thường
Tầm nhìn tổn thương do Glaucoma
Bệnh glaucoma có điều trị được hay không?
Phát hiện và điều trị glaucoma sớm nhất để làm chậm sự phát triển của bệnh, hạn chế khả năng mù lòa. Tùy theo chỉ định bác sĩ nhãn khoa, các phương pháp điều trị glaucoma bao gồm: thuốc, laser hay phẫu thuật.
Bệnh nhân glaucoma phải tuân thủ tái khám, theo dõi, điều trị suốt đời.
Làm sao để phòng ngừa glaucoma ?
Việc thường xuyên kiểm tra mắt định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín sẽ giúp phát hiện và ngăn ngừa bệnh glaucoma.
Tất cả các đối tượng nguy cơ nên khám tầm soát định kì mỗi năm.
Trước 40 tuổi cần đi khám mắt định kỳ mỗi 2-4 năm một lần, từ 40-60 tuổi cần đi khám mỗi 2-3 năm và 1-2 năm đối với người trên 60 tuổi.
Điều quan trọng nhất là: càng chẩn đoán sớm, tổn thương càng ít và thị lực giữ lại được càng nhiều!
Khám và tầm soát Glaucoma tại Bệnh viện Mắt
Khoa Glaucoma – Bệnh viện Mắt là nơi được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ được huấn luyện, đào tạo chuyên khoa sâu trong và ngoài nước, thường xuyên hợp tác trao đổi kinh nghiệm, thông tin với các chuyên gia hàng đầu thế giới về bệnh glaucoma. Đây là một nơi có đủ điều kiện phát hiện sớm và điều trị hiệu quả bệnh glaucoma ở khu vực phía Nam của nước ta hiện nay.