KÍNH TIẾP XÚC VÀ CÁC BIẾN CHỨNG THƯỜNG GẶP
Kính tiếp xúc (Contact lens, KTX) là một phương pháp điều chỉnh tật khúc xạ tương đối an toàn và hiệu quả. Số người sử dụng KTX trên toàn thế giới hiện ước tính vào khoảng 175 triệu người. Con số này vẫn còn khá khiêm tốn nếu xét đến tỷ lệ mắc tật khúc xạ trong cộng đồng (ở trẻ em dưới 20 tuổi: 11,7% bị cận thị, 4,6% bị viễn thị và 14,9% bị loạn thị) cũng như nhu cầu điều chỉnh khúc xạ nói chung trong dân số.
Ngoài chỉ định thường gặp nhất là điều chỉnh các tật khúc xạ thay cho kính gọng, KTX còn được kê đơn để điều trị các bệnh lý như: khô mắt, sau phẫu thuật khúc xạ, khuyết biểu mô giác mạc dai dẳng, sau phẫu thuật bệnh lý kết giác mạc, hở mi,…. Ngoài các mục đích y học, việc sử dụng KTX vì lý do thẩm mỹ cũng đang trở nên rất phổ biến hiện nay. KTX đã góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, không chỉ nhờ khả năng điều chỉnh tật khúc xạ, mà còn nhờ giúp người dùng có vẻ ngoài thẩm mỹ hơn và ít bị hạn chế trong sinh hoạt.
Tuy nhiên, KTX cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm có khả năng đe dọa thị lực. Tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm, hiểu biết về các biến chứng và tái khám đúng hẹn là những yêu cầu vô cùng quan trọng đối với người sử dụng KTX.
I. CHỈ ĐỊNH KTX
1. Quang học:
- Tật khúc xạ
- Mắt đã lấy thủy tinh thể một bên
- Bệnh nhân có sự chênh lệch khúc xạ lớn giữa hai mắt (anisometropia).
2. Điều trị:
- Phù giác mạc mạn tính gây ra bởi mất bù lớp nội mô trong bệnh lý giác mạc bọng
- Tróc biểu mô giác mạc tái phát
- Khuyết biểu mô kéo dài
- Các bất thường bề mặt giác mạc
- Viêm giác mạc rìa trên
- Viêm giác mạc sợi
- Hở mi, lông xiêu, lông quặm
- Thủng giác mạc kích thước nhỏ
- Sau phẫu thuật (ghép giác mạc, PRK, LASIK, cross-linking, dán keo, ghép màng ối,…)
3. Thẩm mỹ:
- Dành cho những người muốn thay đổi màu của mống mắt.
- Dành cho bệnh nhân sẹo đục giác mạc, tật không có mống mắt (aniridia), đa đồng tử (polychoria), hoặc khuyết mống mắt (coloboma mống mắt).
II. CHỐNG CHỈ ĐỊNH SỬ DỤNG KÍNH TIẾP XÚC
- Bệnh nhân thần kinh, rối loạn tâm thần, động kinh
- Môi trường làm việc ô nhiễm (khói, bụi, mùn cưa)
- Loét giác mạc nhiễm trùng
- Viêm kết mạn cấp hoặc mạn tính,
- Người giữ vệ sinh kém hoặc không đi tái khám kiểm tra định kỳ
III. ƯU ĐIỂM VÀ KHUYẾT ĐIỂM CỦA KÍNH TIẾP XÚC
1. Ưu điểm
- Cung cấp trường nhìn toàn diện, vì người đeo có thể nhìn ở mọi góc với kính tiếp xúc trên mắt;
- Cho phép đeo kính râm hoặc kính bảo hộ bên ngoài
- Mang lại sự thoải mái về thẩm mỹ;
- Không bị mờ sương và không giới hạn tầm nhìn ngay cả khi trời mưa hoặc tuyết;
- Cho phép tham gia nhiều hoạt động khác nhau mà không bị cản bởi kính gọng
2. Khuyết điểm
- Trước khi thành thạo cách đeo và tháo kính, người dùng có thể làm hỏng hoặc làm mất kính tiếp xúc.
- Kính tiếp xúc không bảo vệ mắt khỏi ánh sáng xanh..
- Yêu cầu vệ sinh đúng cách. Kính tiếp xúc là thiết bị tiếp xúc trực tiếp với mắt, vì vậy cần được thao tác cẩn thận trong môi trường sạch sẽ. Tay phải được rửa sạch và lau khô kỹ trước khi đeo hoặc tháo kính – điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Trong nhiều tình huống như vậy, người ta thường chọn kính tiếp xúc dùng một lần.
- Nếu đeo không đúng cách, có thể gây đỏ mắt, kích ứng, khô mắt. Ví dụ như ngủ quên khi đang đeo kính tiếp xúc dùng trong ngày, đeo quá hạn sử dụng hoặc không chăm sóc đúng cách – tất cả đều có thể gây ra biến chứng, từ nhẹ đến nặng.
- Chi phí cao hơn so với kính gọng. Ngoài ra, người dùng còn phải mua thêm các sản phẩm bổ trợ như dung dịch bảo quản, hộp đựng kính tiếp xúc, nước mắt nhân tạo…
IV. CÁC LOẠI KÍNH TIẾP XÚC
1. KTX mềm (soft contact lens):
- Điều chỉnh tật khúc xạ
- Điều trị bệnh lý bề mặt nhãn cầu đeo kéo dài 1-4 tuần tùy theo thời hạn cho phép.
- Thẩm mỹ
2. Kính tiếp xúc cứng (hard contact lens/ rigid gas-permeable lens)
Cải thiện thị lực ở BN bị giác mạc hình chóp (Keratoconus) vì đeo kính gọng (spectacle) không cải thiện thị lực nhiều.
- Ưu điểm: thị lực cải thiện sắc nét hơn, chống lắng đọng (lipid và protein trong phim nước mắt) trên kính tốt hơn vì không chứa nước như kính tiếp xúc mềm, bền hơn có thể sử dụng 2-3 năm, cải thiện thị lực hiệu quả với các trường hợp loạn thị
- Nhược điểm: cần thời gian để thích nghi đặc biệt nếu không đeo thường xuyên, dễ bị lệch khỏi tâm, dễ lắng đọng dưới kính nên phải vệ sinh hàng ngày
3. Kính tiếp xúc củng mạc (Scleral lens)
Cải thiện thị lực các trường hợp bề mặt giác mạc không đều (giác mạc hình chóp (Keratoconus), dãn phình giác mạc, sau phẫu thuật ghép giác mạc), bệnh lý bề mặt nhãn cầu (Stevens johnson, khô mắt, …)
4. Kính chỉnh hình giác mạc (Ortho–K hay còn gọi là Orthokeratology)
Ortho-K là loại kính tiếp xúc cứng thấm khí được thiết kế đặc biệt để đeo vào ban đêm và tháo ra vào sáng hôm sau. Kính này điều trị tật khúc xạ bằng cách làm phẳng trung tâm giác mạc trong khi ngủ, từ đó giúp ánh sáng hội tụ vào đúng võng mạc và bệnh nhân có thể nhìn thấy rõ ràng mọi vật trong một khoảng thời gian nhất định sau khi tháo kính ra mà không cần phụ thuộc vào kính gọng hay kính tiếp xúc khác.
Lưu ý khi sử dụng kính tiếp xúc cứng:
- Vệ sinh kính mỗi ngày
- Rửa tay sạch trước khi tiếp xúc với KTX
- Không đeo KTX khi ngủ
- Nên thay KTX định kỳ
- Không rửa KTX dưới vòi nước,nước bọt, hoặc đeo KTX khi bơi hoặc tắm
V. BIẾN CHỨNG KHI SỬ DỤNG KÍNH TIẾP XÚC
Miễn là bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng kính tiếp xúc thì các vấn đề liên quan đến vệ sinh kém, việc đeo kính qua đêm và biến chứng do dung dịch kính tiếp xúc vẫn sẽ cần được quan tâm trong quá trình theo dõi. Việc hiểu và nhận biết được các biến chứng của kính tiếp xúc có thể giúp ngăn ngừa những nguy cơ cở diễn tiến nặng có nguy cơ gây mất thị lực.
1. Viêm loét giác mạc
a. Viêm giác mạc ngoại vi liên quan đến việc đeo kính tiếp xúc
Viêm giác mạc ngoại vi do đeo kính tiếp xúc (CLPU – Contact Lens Peripheral Ulcer) được đặc trưng bởi vết lõm kèm thâm nhiễm biểu mô nhưng màng Bowman còn nguyên vẹn. Biến chứng này xảy ra khi có sự hiện diện của vi khuẩn Staphylococcus aureus đi kèm sự trợt biểu mô giác mạc. Các yếu tố miễn dịch và độc tố vi khuẩn có thể xâm nhập vào giác mạc qua vùng biểu mô không toàn vẹn gây ra viêm và thâm nhiễm giác mạc. CLPU phổ biến hơn ở những người đeo kính tiếp xúc kéo dài, với tỷ lệ 26%, và đặc biệt phổ biến ở người dùng kính tiếp xúc silicone-hydrogel, chiếm tới 92–93%.
Hình 1. Viêm giác mạc ngoại vi do đeo kính tiếp xúc
(Nguồn: Alipour, F., Khaheshi, S., Soleimanzadeh, M., Heidarzadeh, S., & Heydarzadeh, S. (2017). Contact lens-related complications: a review. Journal of ophthalmic & vision research, 12(2), 193.)
b. Viêm loét giác mạc nhiễm trùng
Viêm loét giác mạc do kính tiếp xúc có thể xảy ra do thiếu oxy giác mạc dẫn đến vi chấn thương cơ học hoặc do nhiễm bẩn kính tiếp xúc hoặc dung dịch bảo quản kính. Việc tiếp xúc trực tiếp với vi sinh vật khi đeo kính tiếp xúc bằng tay bẩn cũng có thể là nguyên nhân gây viêm giác mạc. Nguy cơ viêm giác mạc tăng gấp 20 lần ở những người đeo kính tiếp xúc kéo dài, do làm tăng tình trạng thiếu oxy giác mạc. Vi chấn thương cơ học tại biểu mô giác mạc, làm hàng rào biểu mô bị tổn thương chính là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng dẫn đến viêm giác mạc nhiễm trùng. Các tác nhân nhiễm trùng có thể là vi trùng, nấm, amíp,…
A. Viêm loét giác mạc – mủ tiền phòng do Pseudomonas aeruginosa.
B. Viêm loét giác mạc dọa thủng do nấm.
Hình 2. Viêm loét giác mạc trên bệnh nhân đeo kính tiếp xúc.
(Nguồn: Khoa giác mạc – Bệnh viện Mắt)
Trong số này, viêm giác mạc do amip Acanthamoeba là một bệnh lý hiếm gặp nhưng có thể gây mù lòa, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Triệu chứng bệnh có thể giống các loại viêm giác mạc khác, làm chậm trễ chẩn đoán, trong khi mức độ đau thường rất dữ dội, vượt xa biểu hiện trên lâm sàng. Bên cạnh đó, với khả năng chuyển thành dạng nang (một dạng đề kháng rất cao) khiến việc điều trị Acanthamoeba trở nên khó khăn và kéo dài.
A, B Viêm dọc thần kinh giác mạc trong viêm GM do Acanthamoeba giai đoạn sớm.
C. Thâm nhiễm dạng vòng trong gian đoạn nặng.
Hình 3. Viêm giác mạc do Acanthamoeba.
(Nguồn: Khoa giác mạc – Bệnh viện Mắt)
2. Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ
Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ (Giganto-papillary conjunctivitis), còn gọi là viêm kết mạc nhú do kính tiếp xúc, là một trong những biến chứng phổ biến nhất ở người đeo kính tiếp xúc. Tỷ lệ mắc dao động từ 1,5% đến 47,5%, trong đó khoảng 4,6% xảy ra ở người dùng kính tiếp xúc silicone hydrogel. Nguyên nhân chính được cho là do kích thích cơ học lớn hơn của kính silicone hydrogel so với các loại kính làm từ hydrogel thông thường. Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ phổ biến hơn ở người sử dụng kính mềm (85%) so với kính cứng (15%). Tuy nhiên, tỷ lệ biến chứng này đã giảm đáng kể ở những người sử dụng kính tiếp xúc dùng một lần. Ngoài ra, các yếu tố như vi chấn thương cơ học, tiền sử dị ứng hoặc cơ địa atopy cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hình 4. Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ
(Nguồn: Alipour, F., Khaheshi, S., Soleimanzadeh, M., Heidarzadeh, S., & Heydarzadeh, S. (2017). Contact lens-related complications: a review. Journal of ophthalmic & vision research, 12(2), 193.)
3. Tân mạch giác mạc
Tân mạch giác mạc (Corneal neovascularization) là tình trạng mạch máu xâm lấn vào giác mạc, xuất phát từ đám rối mạch máu vùng rìa và tiến sâu vào lớp nhu mô (stroma) của giác mạc. Biến chứng này xảy ra ở 1–20% người sử dụng kính tiếp xúc. Bệnh nhân sử dụng kính tiếp xúc cứng thấm khí (RGP) hoặc PMMA (polymethylmethacrylate) có tỷ lệ biến chứng thấp hơn. Tỷ lệ này cao hơn ở người dùng kính tiếp xúc mềm, đặc biệt là người đeo kính tiếp xúc kéo dài. Việc sử dụng kính tiếp xúc cũng làm tăng nguy cơ tái phát herpes giác mạc. Do đó, cần lưu ý đến nguy cơ loét giác mạc tái phát do herpes và phải xử lý kịp thời.
Hình 5. Tân mạch giác mạc
(Nguồn: Alipour, F., Khaheshi, S., Soleimanzadeh, M., Heidarzadeh, S., & Heydarzadeh, S. (2017). Contact lens-related complications: a review. Journal of ophthalmic & vision research, 12(2), 193.)
4. Phù giác mạc
Liên quan đến tình trạng thiếu oxy giác mạc. Tình trạng này có thể xảy ra khi sử dụng kính tiếp xúc có chỉ số thẩm thấu oxy thấp (Dk thấp) hoặc khi kính bị lệch vị trí hoặc không di chuyển được trên mắt. Trong tất cả các trường hợp, nên thay kính tiếp xúc bằng loại có chỉ số thẩm thấu oxy cao hơn hoặc ngưng sử dụng kính tiếp xúc.
5. Lắng đọng trên kính tiếp xúc
Hiện tượng lắng đọng chất bẩn hoặc protein thường gặp ở kính tiếp xúc mềm, người đeo kính kéo dài, hoặc vào mùa xuân khi dị ứng dễ khởi phát. Các lắng đọng này cần được loại bỏ bằng dung dịch vệ sinh kính tiếp xúc chuyên dụng hoặc chuyển sang sử dụng kính tiếp xúc dùng một lần để hạn chế lắng đọng.
VI. NHỮNG LƯU Ý TRONG SỬ DỤNG KÍNH TIẾP XÚC
Để sử dụng kính tiếp xúc an toàn, khi chọn kính, mọi người nên sử dụng kính của các thương hiệu uy tín, không đặt mua kính của hãng bán hàng trôi nổi trên mạng, không rõ xuất xứ, nhà sản xuất. Cần đọc kỹ hạn sử dụng ghi trên bao bì, không sử dụng sản phẩm đã quá hạn hoặc bao bì đóng gói, vỏ hộp rách, không nguyên vẹn. Nếu có nhu cầu chuyển đổi từ kính gọng sang kính tiếp xúc, mọi người nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, khám và lựa chọn thông số kính phù hợp nhất do các thông số sẽ khác nhau với mỗi người và thay đổi nhiều so với kính gọng.
Khi đeo kính và tháo kính, người sử dụng phải cắt ngắn móng tay, vệ sinh tay sạch sẽ. Móng tay dài không phù hợp do trở thành nơi trú ngụ của các loại vi sinh vật gây viêm nhiễm cho mắt và có thể làm xước, rách kính. Mọi người chú ý học cách đeo và tháo kính đúng từ nhà sản xuất hoặc nhân viên y tế để thao tác nhanh, chính xác, không làm tổn thương mắt. Khi đeo, tháo kính, mọi người cần đảm bảo dụng cụ luôn khô ráo, sạch sẽ, vệ sinh định kỳ bằng dung dịch rửa chuyên dụng.
Ngoài ra, người sử dụng kính tiếp xúc cần thăm khám định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa mắt nhằm phát hiện sớm, xử trí kịp thời các biến chứng. Nếu mắt có các biểu hiện đỏ, cộm chói, đau nhức, nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, mọi người dừng sử dụng kính ngay và đi khám, mang theo kính tiếp xúc đã sử dụng để làm xét nghiệm vi sinh.
Các loại thuốc nhỏ mắt bổ sung thêm cần có ý kiến của bác sĩ. Mọi người nên tuân thủ chặt các khuyến cáo khi sử dụng kính tiếp xúc nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ viêm nhiễm và những biến chứng không mong muốn khác.
KHOA GIÁC MẠC