Hỏi: BS cho hỏi, với bé 15 tháng, trong trường hợp mổ lé, người thân có được vào phòng mổ không ạ? Con em vừa rồi đươc một bệnh viện Mắt tư nhân tại TP.HCM khám và yêu cầu mổ. Nhưng bé còn nhỏ quá nên em rất lo. Mong BS tư vấn và em cũng định cho bé đi khám ở BV Mắt TP. Xin hỏi BV khám lé vào thời gian nào, thứ 7 có làm việc không ạ? Cảm ơn BS.
Trả lời:
Thông thường trẻ lé bẩm sinh sẽ có chỉ định mổ trước 2 tuổi. Ở bệnh viện Mắt TP.HCM chỉ định mổ lé ở các bé khoảng 20 – 22 tháng. Vì phòng mổ phải tôn trọng quy tắc vô trùng nên không thể cho phép thân nhân vào phòng mổ với bé. Đối với các bé nhỏ, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp gây mê toàn thân vì vậy khi vào phòng mổ, bé sẽ ngủ trong suốt ca mổ nên sự có mặt của người thân trong phòng mổ cũng không giúp gì cho bé.
Bạn có thể đưa bé đi khám tại phòng khám lé của bệnh viện Mắt TP.HCM để có thêm thông tin. Phòng khám lé đặt ở Khu A ( Cổng Điện Biên Phủ ). Thời gian làm việc tất cả các ngày trong tuần, và buổi sáng thứ bảy.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Nếu trẻ xem tivi nhiều và gần thì ngoài tật khúc xạ, trẻ có nguy cơ bị lé không? Vì con tôi lúc bé bình thường, nhưng gần đây tôi thấy khi cháu nhìn vào vật gì đó thì tròng trắng và tròng đen lại đối nghịch với nhau (cháu 3 tuổi, xem TV khoảng 3g/ngày). Mong BS giải đáp.
Trả lời:
Xem tivi nhiều không gây lé, nhưng nếu tật khúc xạ mà không điều chỉnh kịp thời thì sẽ gây lé. Tốt nhất bạn nên đưa bé đi khám ở phòng khám lé của bệnh viện mắt gần nhất để xác định tình trạng mắt của bé.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Chồng tôi bị lé, con trai đầu cũng bị lé (lé kim). Vậy BS cho hỏi lé có bị di truyền không. Tôi chuẩn bị sinh em bé, rất lo lắng vì sợ di truyền, có cách nào tránh được không BS?
Trả lời:
Ngoài những dị tật bẩm sinh, dị dạng đầu mặt có nguyên nhân từ bất thường gen là có khả năng di truyền, còn các dạng lé thông thường, không di truyền trực tiếp, chỉ di truyền một số các khả năng để đưa tới lé. Nếu con trai đầu của chị bị lé nhưng không giống bố thì đó không phải do di truyền từ bố. Chị không cần lo lắng quá cho bé chuẩn bị sinh. Nhưng đối với bé đầu, bạn nên đưa bé đi khám lé để xác định chính xác tình trạng lé của bé và các tổn hại thị giác do lé (nếu có).
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Con em 20 tháng. Khi cháu nhìn chăm chú thì mắt bị lác lác (em thấy mọi người bảo là lé kim). Xin BS cho hỏi, với tình trạng này phải đi chữa hay bé có thể tự hết được không ạ? (em có nghe nhiều người bảo, lé ở trẻ con có thể tự khỏi và có người bảo em bịt con mắt không bị lé của con lại 1 ngày/1g. Điều này có đúng không BS? Cảm ơn BS
Trả lời:
Muốn biết con em bị lé hay không thì cần phải đi khám chuyên khoa lé. Em nên đưa con em đến chuyên khoa lé của bệnh viện mắt gần nhà nhất để khám xác định cho cháu. Tình trạng lé nếu đã có thì bắt buộc phải điều trị, không bao giờ tự hết được. Em không nên tự ý điều trị khi không chắc chắn về tình trạng mắt của con mình. Che mắt được sử dụng để điều trị nhược thị chứ không sử dụng để chỉnh lé.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Con em năm nay 5 tuổi. Thỉnh thoảng để ý cháu nhìn tivi em cảm thấy cháu lé.Em nhắc nhở thì cháu nhìn thẳng lại. Sau đó em để ý thì thấy cháu nhìn lé mắt.Nhưng không phải lúc nào cháu cũng nhìn lé như vậy. Em xin hỏi có phải cháu bị lé không hay do thói quen?Em cần cho cháu đi khám không và nên khám ở đâu?
Trả lời:
Theo như mô tả thì con của bạn có tình trạng lé từng lúc. Dạng lé này có may mắn là trong những lúc bé không có lé thì bé vẫn phát triển thị giác bình thường. Tuy vậy bạn vẫn nên cho bé đi khám tại phòng khám lé của bệnh viện mắt gần nhà nhất, các bác sĩ chuyên khoa lé sẽ xác định chính xác tình trạng lé mắt của bé. Đồng thời đo đạc, xác định các chức năng thị giác có bị tổn hại hay chưa và ở mức độ nào.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Trẻ em bị lé mắt có bị tác hại gì không ?
Trả lời:
Lé mắt có tác hại trên ba mặt:
– Chức năng thị giác:
+ ảnh hưởng thị lực (mắt lé thường xuyên sẽ dẫn đến giảm thị lực và gây mù)
+ ảnh hưởng hợp thị hai mắt ( không phân định được khoảng cách, không nhìn được hình nổi)
– Ảnh hưởng tâm lý: Các bé bị lé thường bị mọi người xung quanh nhìn với con mắt khác thường và đôi khi bị chọc ghẹo. Như vậy với một số bé, nếu điều này xảy ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển tâm lý. Bé nào thuộc tuýp thần kinh yếu sẽ càng thu mình lại, ngược lại bé thuộc tuýp thần kinh mạnh sẽ hung bạo hơn.
– Ảnh hưởng thẩm mỹ.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Cháu gái tôi 3 tuổi, khi tập trung nhìn một vật thì hai tròng mắt chập vào hướng sống mũi. Một bé hàng xóm khác cùng tuổi thì hai tròng mắt lại hướng về hai phía khác nhau. Như vậy các bé có bị lé không? Nếu có thì có nguy hiểm không? Cần phải điều trị như thế nào?
Trả lời:
Để xác định chắc chắn các bé có lé hay không cần phải đi khám chuyên khoa tại các phòng khám lé của các bệnh viện mắt. Vì với dấu hiệu bạn mô tả không thể chẩn đoán bé có lé hay không.
Lé nếu không điều trị ngoài mất thẩm mỹ còn dẫn đến các tổn hại chức năng rất nặng nề: ảnh hưởng thị lực (mắt lé thường xuyên có thể giảm thị lực đến mù), ảnh hưởng hợp thị hai mắt (trẻ không phân biệt được khoảng cách, không nhìn được hình nổi) nên việc khám và điều trị sớm trẻ lé rất quan trọng.
Có nhiều nguyên nhân gây lé, tùy theo từng nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Ví dụ lé gây nên do tật khúc xạ có trường hợp chỉ cần đeo kính là hết lé, lé do viêm nhiễm cần điều trị thuốc, lé do bất thường cơ cần phẫu thuật…
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Năm nay tôi 42 tuổi, có 1 con gái 10 tuổi. Mắt con tôi bị lệch từ năm 3 tuổi (loạn thị 1 bên là 0.5, 1 bên là 1.5). Đã điều trị tại BV Mắt TP HCM từ năm bé 3 tuổi bằng nhiều cách như:nhỏ thuốc, che 1 bên mắt, 6 tháng tái khám 1 lần. Đến nay mắt bé không tăng độ mà vẫn bị lệch, lúc nhìn thấy, lúc không ) như tình trạng ban đầu. Tôi rất lo tại sao đã điều trị mà không thuyên giảm? Nhưng các BS tại không khuyến cáo cho con tôi mổ. Thật sự tôi hoang mang lắm! Nếu có gì họ phải đề nghị chứ tại sao đợi tôi yêu cầu? Liệu khi mổ xong mắt bé có hết hoàn toàn không? Nhờ BS giải đáp để tôi có chọn lựa chính xác cho bé nhằm có cách chữa trị kịp thời.
Trả lời:
Con chị đang theo dõi tại phòng khám lé, bệnh viện Mắt TP.HCM. Như vậy thì bé đã có hồ sơ ở đây và đã trải qua quá trình điều trị. Qua mô tả của chị thì tôi thấy ra mấy vấn đề như sau:
Thứ nhất: Bé bị loạn thị nên cần đeo kính thường xuyên, theo dõi độ kính mỗi sáu tháng/lần. Đổi kính khi có thay đổi độ loạn.
Thứ hai: Bé có che mắt chứng tỏ bé có nhược thị một mắt. Điều trị che mắt chỉ có kết quả ở bé dưới tám tuổi, con chị hiện đã mười tuổi nên điều trị này không thực hiện tiếp dù có kết quả tốt hay không.
Thứ ba: Về tình trạng lé. Hiện tại độ lé của bé nhỏ nên chỉ có yếu tố thẩm mỹ, điều trị duy nhất là phẫu thuật. Về phẫu thuật thường có cân nhắc về gây mê và gây tê. Trẻ dưới mười tuổi thường phải gây mê để mổ lé, vì bé còn nhỏ. Trên mười tuổi trẻ đã trưởng thành đủ và bạo dạn hơn nên mổ lé chỉ cần gây tê tại mắt. Con chị đã mười tuổi, đã bắt đầu có thể sử dụng phương pháp gây tê mổ lé nếu như gia đình có nhu cầu. Có lẽ vì vậy nên bác sĩ trả lời nếu có mổ thì làm thủ tục.
Nếu như chị có muốn thêm thông tin về bệnh tình của bé thì cho bé đi khám lé tại bệnh viện Mắt vào các buổi chiều thứ năm và gặp tôi để giải thích chi tiết hơn cho bạn hiểu.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Con nhà em năm nay 3 tuổi , khi cháu còn bé, cháu không bị lé. Khi cháu được 1 tuổi, mắt cháu có hiện tượng lé bên mắt trái. Khi đi khám, BS bảo dán mắt thì đỡ nhưng khi dán một thời gian đỡ rồi, không dán thì lại bị nặng hơn. Làm sao cho cháu khỏi hẳn ạ?
Trả lời:
Nếu con em bị lé và lại có chỉ định điều trị bằng dán một mắt thì có thể là con em đã có nhược thị, tức giảm thị lực trên mắt lé. Điều trị nhược thị để giúp mắt lé nhìn tốt hơn có thời hạn nhất định. Phương pháp này chỉ có tác dụng ở trẻ dưới 8 tuổi và nhằm mục đích giúp tăng thị lực ở mắt lé chứ không làm hết lé.
Em nên theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ và tái khám đúng định kỳ, nếu có gì thắc mắc về tình trạng của bé, em nên hỏi bác sĩ điều trị trực tiếp của bé. Với đầy đủ dữ liệu về tình trạng mắt bé, bác sĩ sẽ có trả lời chính xác hơn.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Ngoài phẫu thuật, có thể giảm lé bằng vật lý trị liệu cho trẻ bị lé được hay không, thưa BS?
Trả lời:
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên lé, tùy theo nguyên nhân mà có phương pháp điều trị thích hợp. Không nhất thiết phải phẫu thuật. Ví dụ, lé do tật khúc xạ nếu được điều trị sớm chỉ cần đeo kính sẽ giải quyết được tình trạng lé, còn lé do viêm cơ hoặc thần kinh sau khi điều trị viêm, lé sẽ tự hết…
Có một số bài tập cơ giúp các cơ vận nhãn tăng trương lực hoặc giảm co thắt nhưng đây chỉ là phương pháp hỗ trợ cho phương pháp điều trị chính.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Xin bác sĩ cho biết, các tật khúc xạ nào ở trẻ em có thể gây ra lé? Tật lé mắt gồm những dạng nào? Làm sao để phòng tránh cho trẻ khỏi bị lé khi trẻ đã mắc phải tật khúc xạ?
Trả lời:
Tất cả các tật khúc xạ (cận, viễn, loạn) nếu không được chỉnh kính đúng và sớm điều gây nên lé. Lé mắt gồm ba nhóm, nhóm lé ngang (lé trong, lé ngoài), lé đứng (đứng trên và đứng dưới), lé xoáy (xoáy trong và xoáy ngoài). Ngoài ra còn có các dạng kết hợp giữa ba nhóm lé trên. Để phòng ngừa tật khúc xạ đưa đến lé cần cho bé đi khám ở các cơ sở uy tín, đeo kính đúng độ và sớm theo đúng chỉ định chuyên môn.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Bé nhà tôi 9 tháng tuổi. Gần đây tôi thấy mắt bé hơi bị lé. Đó là hiện tượng bình thường của trẻ hay là bệnh về mắt ạ? Nếu là hiện tượng bình thường thì bao lâu hết? Nếu là bệnh thì có nguy hiểm không? Em phải làm gì?
Trả lời:
Thông thường trẻ dưới sáu tháng tuổi do hệ thống cơ vận nhãn và thần kinh điều khiển chưa ổn định nên nếu có lé thì chưa có giá trị chẩn đoán. Nhưng nếu bé trên sáu tháng tuổi mà thấy bé có lé thì phải đưa bé đi khám ngay. Lé không chỉ là biểu hiện của bệnh lý cơ vận nhãn mà còn là biểu hiện của một số các bệnh về mắt nguy hiểm ví dụ như ung thư nguyên bào võng mạc, bệnh glôcôm hoặc một số bệnh về đáy mắt. Con bạn chín tháng tuổi, nếu thấy có lé nên đi khám ngay tại khoa nhãn nhi hoặc phòng khám lé của các bệnh viện mắt.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Em có con gái năm nay 5 tuổi , năm ngoái có phát hiện cháu bị lé kim nên cho cháu đi viện mắt Sài Gòn khám thì BS bảo cháu bị loạn thị phải đeo kính. Vậy cho em hỏi tật ở mắt cháu có khả năng chữa khỏi không, cháu nên dùng thuốc bổ mắt không? Xin cảm ơn các BS.
Trả lời:
Với thông tin em cung cấp chúng tôi không có đủ dữ liệu để xác định về tình trạng lé của cháu. Nếu em đã đi bệnh viện Mắt Sài Gòn và bác sĩ chẩn đoán con em bị loạn thị và cho đeo kính thì chắc chắn sẽ có lịch tái khám theo dõi. Lần khám kế tiếp, em nên hỏi bác sĩ xem con em có thật sự bị lé và có liên quan gì đến tật loạn thị hay không. Còn với tật loạn thị thì cháu nên đeo kính thường xuyên. Thuốc bổ mắt thật ra không có công dụng như nhiều người vẫn nghĩ, bạn không nhất thiết phải dùng, chỉ cần cho trẻ ăn uống đúng bữa và đầy đủ chất dinh dưỡng là được.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Tôi nghe nói trong trường hợp lé liệt, có thể dùng phương pháp tiêm thuốc làm yếu cơ khỏe để mắt trở về tư thế nhìn thẳng. Thuốc được tiêm thẳng vào cơ, nhưng chỉ có tác dụng tạm thời trong khoảng vài tuần. Xin hỏi, nếu tiêm thuốc nhiều lần, có nguy hại gì cho sức khỏe nói chung và mắt nói riêng không? Bị lé liệt thì có cách nào điều trị dứt điểm?
Trả lời:
Các trường hợp lé liệt do chấn thương hoặc viêm nhiễm thường xảy ra tức thời gây tình trạng nhìn đôi (nhìn một thành hai) và thường có thời gian tự hồi phục cho phép đến 6 tháng. Thường trong thời gian hồi phục, bệnh nhân có điều trị tạm thời bằng cách chích botox vào cơ khỏe giúp mắt trở lại trạng thái cân bằng. Thuốc botox bản chất là độc tố của nấm botolinum gây liệt cơ và có tác dụng tạm thời từ 4 – 6 tháng. Nếu sau một năm, hết tác dụng của thuốc, cơ liệt không có khả năng phục hồi, và sẽ điều trị dứt điểm bằng phẫu thuật.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Con em 5 tuổi. Khi còn nhỏ và nhìn lên bé bị lé nhiều, nhưng khi nhìn ngang thì mắt bé hơi lệch một chút. Em đã cho bé đến bệnh viện mắt để kiểm tra. Bác sĩ bảo nếu phẫu thuật thành công thì tốt nhưng họ sợ phẫu thuật nó lệch hơn hiện tại nên em không dám cho cháu phẫu thuật. Nhưng con gái mà bị thế thì sau này rất mặc cảm. Vì vậy xin các chuyên gia cho em lời khuyên.
Trả lời:
Theo như mô tả thì chắc chắn con bạn bị lé. Bé đã 5 tuổi nên cần điều trị gấp. Nếu muốn phục hồi và bảo tồn các chức năng mắt, cần phải điều trị sớm. Không có chuyện phẫu thuật xong sẽ làm mắt lé nhiều hơn. Vì bạn không cho địa chỉ bệnh viện mắt mà con bạn đã khám nên chúng tôi không có ý kiến cụ thể được. Tốt nhất, bạn nên đưa con bạn đến phòng khám lé của Bệnh viện Mắt TP.HCM để chúng tôi khám và sẽ có lời khuyên thích hợp với bạn.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Xin bác sĩ cho biết “lé giả” là gì? Biểu hiện của lé giả là như thế nào? Làm sao phát hiện trẻ em bị lé giả? Lé giả sẽ từ từ mất đi hay phải cho trẻ đi điều trị? Bác sĩ cho biết luôn là tại TP.HCM thì khám các tật về mắt của trẻ em ở đâu?
Trả lời:
Có một số tình trạng gây nên lé giả.
Thứ nhất: Do góc nhìn lệch trục với góc cơ thể học của mắt nên người bị có góc lệch trục này nhìn giống như mắt bị lé, nhưng đó là tình trạng sinh lý bình thường của mắt.
Thứ hai: Do cấu tạo khuôn mặt ở người châu Á thường có mũi tẹt và mắt một mí nên ở một số người, nếp mí góc trong hạ xuống che bớt tròng trắng mắt phía trong gây cảm tưởng mắt lé trong.
Để xác định lé thật hay lé giả, cần đến khám tại phòng khám chuyên khoa lé của bệnh viện mắt để bác sĩ chẩn đoán, bởi nếu lé thật sự thì phải điều trị để duy trì và bảo tồn các chức năng mắt.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Xin bác sĩ cho biết thế nào được gọi là lé ở trẻ? Con tôi năm nay 6 tuổi, mắt cháu hoàn toàn bình thường. Chỉ có khi cháu nhìn sang bên phải và trái thì con ngươi chạy sát về phía đuôi mắt. Xin cho hỏi, như thế có phải là hiện tượng mà dân gian thường nói là lé kim hay không? Nếu đúng như thế, tôi phải làm gì để chữa trị cho bé. Xin cảm ơn.
Trả lời:
Về mặt chuyên khoa, có hai trình trạng có lé và không lé và mọi tình trạng lé đều cần được điều trị. vì lé không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến các chức năng thị giác. Ví dụ lé thường xuyên trên một mắt sẽ dẫn đến mờ, nếu không điều trị sớm có thể mù mắt do lé. Lé còn có thể dẫn đến mất chức năng hợp thị của mắt (khả năng xác định khoảng cách và nhìn hình nổi). Vì vậy, mọi trường hợp lé, dù là lé kim thì vẫn phải điều trị.
Với các dữ liệu mà bạn cung cấp thì chúng tôi chưa xác định được bé có lé hay không. Cho nên, tốt hơn hết, bạn nên cho bé đi khám tại các phòng khám lé của bệnh viện mắt. Các bác sĩ ở đó sẽ khám, xác định bé có lé hay không và nếu có thì sẽ có phương pháp điều trị thích hợp.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Con trai tôi năm nay 8 tuổi. Cháu có hiện tượng lác mắt. Đi khám bác sĩ kết luận cháu bị lác do viễn ( 1 bên 0.5 và 1 bên 0.75) và cho uống thuốc + đeo kính. Nhờ bác sĩ tư vấn phương pháp chữa bệnh hiệu quả trong trường hợp này. Bệnh cháu có thể chữa khỏi hẳn không?
Trả lời:
Thông thường viễn thị nếu không được đeo kính đúng độ mắt sẽ cố gắng nhìn rõ, điều này dẫn đến hai mắt lệch vào trong mỗi khi bé nhìn chăm chú. Điều trị cho các trường hợp lé gây nên do viễn thị là cho bé đeo kính hoàn toàn độ viễn thị và theo dõi độ lé với kính. Thông thường sau chín tháng đeo kính nếu vẫn còn lé sẽ cân nhắc điều chỉnh thêm bằng phẫu thuật.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Con trai tôi năm nay 8 tuổi, có lúc nhìn cháu như bị lé, có lúc không. Thị lực bình thường. Vậy có cần đi khám và điều trị không?
Trả lời:
Có hai dạng chức năng thị giác ở mắt có liên quan đến lé. Thứ nhất là thị lực (độ nhìn rõ hay bị mờ), thứ hai là hợp thị hai mắt (khả năng định chiều sâu và nhìn hình nổi). Con trai của bạn 8 tuổi có tình trạng lé từng lúc, có thị lực bình thường nhưng vẫn phải cho đi khám để xác định chức năng hợp thị hai mắt có bị lé ảnh hưởng hay không.
Vậy gia đình vẫn nên đưa cháu đi khám tại các phòng khám lé trong các bệnh viện mắt, bác sĩ chuyên khoa ở đây sẽ xác định các chức năng thị giác của bé có bị ảnh hưởng không và ảnh hưởng đến mức độ nào, đồng thời sẽ xác định với gia đình về phương thức và thời điểm điều trị cho bé.
TS.BS. Nguyễn Thị Xuân Hồng
Hỏi: Em 26 tuổi, đi khám mắt thì bác sĩ cho biết mắt phải yếu hơn mắt trái do bị lé và chỉ định phải mổ. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân nào gây lé? Trường hợp của em có mổ được không?
Trả lời: Lé có hai nguyên nhân chính: bẩm sinh hay vì nguyên do nào đó. Bẩm sinh là những trường hợp lé xảy ra sớm trước 6 tháng tuổi; lé có nguyên do xảy ra muộn hơn có thể là hậu quả của mắt nhìn kém lâu ngày như: tật khúc xạ ( cận, viễn thị) mà không đeo kính, các tổn thương mắt làm giảm thị lực nặng, kéo dài…Trường hợp mắt phải của em có lé và mờ yếu hơn mắt trái được xem như lé nhược thị, có thể phẫu thuật với mục đích thẩm mỹ, không làm mắt sáng như bình thường được.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Con tôi bị lé hai mắt từ nhỏ. Năm nay cháu đã 5 tuổi. Lé mắt là do bẩm sinh nên không cần phải điều trị phải không bác sĩ? Nếu không điều trị sau này có ảnh hưởng đến thị lực của cháu hay không?
Trả lời:
Bất kỳ lứa tuổi nào khi thấy có nghi ngờ lé đều phải đến khám bác sĩ chuyên khoa Lé, đặc biệt ở trẻ em, ngoài việc phát hiện những lé đơn thuần, còn nhận diện sớm những lé do nguyên nhân bệnh lý khác, thậm chí nặng nề như ung thư mắt, u não…Nếu lé đơn thuần, bác sĩ sẽ kiểm tra tật khúc xạ ( cận, viễn, loạn), đánh giá thị lực xem hai mắt có bằng nhau hay không, nếu không bằng nhau sẽ có chế độ điều trị nhược thị. Ngoài ra, còn theo dõi khả năng thị giác hai mắt, tức khả năng nhìn hình nổi bằng hai mắt, nếu mất khả năng này, khi trẻ lớn lên sẽ không có khả năng làm những công việc đòi hỏi sự tinh tế như: thợ máy, thợ thêu, phi công, bác sĩ phẫu thuật..Vì vậy, bạn cần đưa cháu đến khám bác sĩ.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Mắt phải của em bị mờ từ nhỏ, khi em nhìn chăm chú một vật gì đó thì con ngươi bị lệch vào trong, người ta hay gọi là mắt lé. Xin bác sĩ cho biết mắt của em có thể điều trị để sáng bình thường như mắt trái hay không?
Trả lời:
Theo như trình bày có khả năng em bị lé trong điều tiết, nếu em đã có một thời gian đeo kính có độ ( kính viễn thị) trong khoảng dưới 10 tuổi thì thị lực có thể được giữ tốt. Nếu em hoàn toàn không đeo kính thì không thể nào điều trị để sáng bình thường như mắt trái được.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Nên khám chữa lé ở tuổi nào thì có hiệu quả nhất?
Trả lời:
Khi thấy có nghi ngờ lé, thì nên đi khám ở bất kỳ tuổi nào. Việc khám sớm sẽ có chế độ điều trị tốt và theo dõi thích hợp trên từng bệnh nhân.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Phương pháp điều trị bệnh lé hiện nay gồm những phương pháp nào? Sau điều trị khẳ năng phục hồi thị lực có như ban đầu? bệnh có tái phát hay không?
Trả lời:
Qui trình điều trị lé hiện nay gồm: cho đeo kính, tập nhược thị và phẫu thuật. Tùy từng bệnh nhân, với lứa tuổi cụ thể sẽ có chế độ điều trị riêng. Nếu điều trị sớm và theo dõi sát, kết quả rất tốt. Khả năng tái phát rất ít trừ những trường hợp lé nằm kèm trong các bệnh lý phức tạp.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Tôi nghe người ta nói có thể điều trị lé bằng cách bịt kí mắt không bị lé trong một thời gian. Phương pháp này có đúng hay không?
Trả lời:
Đây là phương pháp điều trị nhược thị ( tức một mắt khả năng nhìn yếu hơn mắt còn lại hơn 3 hàng sau khi đã đeo kính) nhằm giúp cho hai mắt có khả năng nhìn bằng nhau.Phương pháp này nằm trong qui trình điều trị lé. Sau khi thị lực bằng nhau, có thể tiến hành phẫu thuật.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Khi sinh con đầu lòng, do sinh khó nên cháu bị lé (lé kim). Tuy nhiên càng ngày tật này càng nặng. Mỗi khi cháu tập trung nhìn là cháu bị lé hẳn. Tôi đã đưa cháu đi khám và BS cho cháu đeo kính chỉnh lé. Xin hỏi BS, con tôi có hết được tật lé này không? Xin cám ơn.
Trả lời:
Trẻ sinh khó dễ có nguy cơ lé trong bẩm sinh, nếu có tật khúc xạ, sẽ được đeo kính nhằm giúp trẻ có thị lực tốt nhất. Khi đeo kính có thể không còn nhìn thấy trẻ lé ( qua kính),
Trường hợp trẻ còn lé nhiều, sau khi đeo kính khoảng 1 năm , trẻ sẽ được phẫu thuật nhằm chỉnh cho hai mắt ngay thẳng.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Thưa BS, con tôi vừa được tròn 7 tháng tuổi. Khi cho cháu đi khám sức khỏe và chích ngừa, BS cho biết cháu bị lác mắt. Xin BS cho biết lác mắt là gì và biểu hiện như thế nào? Làm sao để chữa trị?
Trả lời:
Lác ( hay lé) phần lớn là tình trạng bất thường hoạt động giữa não và các cơ quanh mắt. Nếu các cơ này hoạt động không đều nhau, một cơ yếu hay cơ khác mạnh hơn, sẽ làm hai mắt nhìn theo hai hướng khác nhau, lé vào trong mũi ( lé trong) hay lé ra ngoài thái dương ( lé ngoài). Chữa trị lé cần đến khám bác sĩ chuyên khoa lé và thực hiện qui trình điều trị. Bệnh nhân sẽ có hồ sơ theo dõi chặt chẽ cho đến khi hoàn tất.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Thưa BS, khi 7 tuổi, con tôi bị lé kim và loạn thị 1 độ, sau thời gian đeo kính chỉnh lé và loạn 3 năm nay, hè này khi cho con đi tái khám mắt thì BS bảo tình trạng đã tốt hơn, và thông báo cháu không cần mang kính nữa. Tôi thắc mắc liệu con tôi có bị trở lại các tật trên hay không? Cám ơn BS
Trả lời:
Độ loạn thị có thể thay đổi theo thời gian và có xu hướng giảm dần, nên bệnh nhân không cần mang kính sau khi đã theo dõi ổn định thi lực trong thời gian dài, không tái phát
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Con gái tôi 19 tháng tuổi, cháu bị lé kim, nhưng khi nhìn chăm chú thì lé rất rõ, xin BS tư vấn cách nào và thời gian nào để điều trị cho bé và điều trị có hết không, thưa BS. Cảm ơn BS rất nhiều!
Trả lời:
Lé trong ( mắt đưa vào mũi) có thể là trẻ có thể lé trong điều tiết, hoặc giả lé do phần da giữa 2 góc trong của 2 mắt rộng hay gặp ở người Á đông. Bạn cần đưa trẻ đi khám ở bất cứ lứa tuổi nào. Việc điều trị sớm sẽ cho kết quả rất tốt.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Xin BS cho biết, lé ở trẻ em có nguy hiểm không? Và hiện nay có những phương pháp nào điều trị tật này và hiệu quả thế nào? Cảm ơn BS.
Trả lời:
Nếu lé đơn thuần thì chỉ ảnh hưởng đến thị giác, không nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, nếu lé do những nguyên nhân bệnh lý, có thể do ung thư thì vô cùng nguy hiểm. Các phương pháp điều trị lé gồm đeo kính, tập nhược thị và phẫu thuật. Nếu điều trị sớm sẽ có kết quả tốt.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Lé có di truyền không và làm thế nào để phòng ngừa tật lé và các tật khúc xạ ở trẻ em, thưa BS?
Trả lời:
Lé là bệnh lý thần kinh –cơ, không di truyền theo gen nhưng trong gia đình có thể có nhiều người cùng bị và không có khả năng phòng ngừa.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Con gái tôi 15 tháng, cháu bị lé từ lúc 3 tháng, nhưng thỉnh thoảng mới thấy Hỏi: ấy. Hiện tại thì trông cháu có vẻ bình thường, nhưng khi chăm chú nhìn gì đấy thi sẽ thấy lé, tôi phải làm thế nào. Nếu để tự nhiên, lé có tự hết không thưa BS?
Trả lời:
Trường hợp trẻ lé nhiều và rõ khi tập trung nhìn, có thể là lé trong điều tiết.Nhưng cũng có thể chỉ là giả lé ( do da giữa hai góc trong mắt rộng)
Những trường hợp nghi ngờ lé đều phải đi khám bác sĩ chuyên khoa lé để xác định và điều trị kịp thời.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Tôi đọc báo được biết trẻ bị lé phải làm phẫu thuật, vậy BS cho hỏi tất cả trẻ bị lé đều phải phẫu thuật hay bé có, bé không và thời gian nằm viện là bao lâu? Mong BS tư vấn kĩ, vì tôi ở dưới quê, rất ít thông tin. Chân thành cảm ơn BS.
Trả lời:
Không phải tất cả trẻ lé đều phải phẫu thuật. Trong qui trình điều trị lé: cho đeo kính, chữa nhược thị và phẫu thuật. Trước tiên bác sĩ sẽ kiểm tra xem trẻ cần đeo kính hay không. Nếu sau khi đeo kính trẻ đã hết lé, thì quá trình điếu trị sẽ không qua bước kế tiếp. Trường hợp trẻ còn độ lé sau khi đeo kính, trẻ được theo dõi một thời gian với tập chữa nhược thị ( nếu trẻ có nhược thị), nếu độ lé vẫn còn, sẽ tiến hành phẫu thuật. Trường hợp trẻ không cần đeo kính, tùy theo độ lé và tuổi, trẻ sẽ được phẫu thuật sớm.
Thời gian nằm viện khoảng 3 ngày.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Trẻ bị lé thì khám ở đâu là tốt nhất và dinh dưỡng cho bé bị lé hoặc mắt bị yếu như thế nào, có cần bổ sung chất nào thưa BS?
Trả lời:
Trẻ bị lé cần khám bác sĩ chuyên khoa lé ở Bệnh viện Mắt TPHCM hay các BV có chuyên khoa Mắt để xác định bệnh và điều trị thích hợp. Ăn uống bình thường đủ chất và không quan trọng với việc dùng thuốc bổ sung.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Hồi nhỏ con tôi có bị té trúng vào mắt, không biết có phải vì vậy mà giờ cháu bị lé? Và bị lé có biến chứng gì không? Cảm ơn BS.
Trả lời:
Với bất kỳ chấn thương nào làm mắt nhìn kém đi nhiều sẽ dần dần làm lé mắt. Nếu lé xảy ra trước 6-8 tuổi , là thời gian phát triển thị giác của mắt sẽ làm trẻ mất chức năng thị giác hai mắt, tức mất khả năng nhìn hình nổi.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Cho tôi hỏi nguyên nhân nào thì trẻ bị lé? bệnh lé có chữa khỏi không?có phải do di truyền không?nhà tôi thì không aị bị lé nhưng sinh bé ra thì bé bị lé kim và mắt có vẻ hơi yếu ví bé nhìn hơi nheo mắt. Tôi phải làm như thế nào? Cảm ơn BS.
Trả lời:
-Nguyên nhân lé ( đã nói)
-Chữa lé có hai mục đích: chức năng nhìn và thẩm mỹ.
Phục hồi chức năng nhìn là điều trị lé giúp cho trẻ nhìn tốt bằng 2 mắt .
Nếu trẻ lé do các nguyên nhân bệnh lý hay chấn thương làm thị lực kém, việc điều trị lé chỉ mang tính thẩm mỹ.
-Bệnh lé không di truyền do gen nhưng đôi khi trong gia đình có vài người bị lé.
-Nếu trẻ có nghi ngờ lé, hay yếu mắt, cần cho đến khám bác sĩ nhãn khoa hay bác sĩ chuyên khoa lé để xác định tình trạng bệnh lý và điều trị kịp thời.
Ths.BS.Nguyễn Chí Trung Thế Truyền
Hỏi: Con tôi 21 tháng, cháu rất thích xem ca nhạc và phim hoạt hình, ngoài xem trên TV, tôi hay cho cháu xem trên ipad (vì như vậy cháu mới chịu ăn). Xin BS cho biết việc này có ảnh hưởng đến thị lực của cháu không và với trẻ ở tuổi con tôi thì thời lượng xem ti vi 1 ngày bao nhiêu là phù hợp? Cảm ơn BS.
Trả lời:
Bé con bạn còn nhỏ đang trong giai đoạn phát triển và hệ thống thị giác của trẻ cũng cần có những kích thích để phát triển. Mặt khác 80% thông tin từ thể giới bên ngoài cũng là từ thị giác do đó không nên cấm trẻ các hoạt động nêu trên. Mặt khác cận thị học đường loại tật khúc xạ hay gặp nhất thường cũng chỉ xuất hiện khi bé đi học. Nếu tật khúc xạ xuất hiện sớm hơn thường do bẩm sinh.
ThS.Khúc xạ Trần Hoài Long
Hỏi: BS ơi, con tôi đã 9 tuổi, từ lúc nghỉ hè cháu thường xuyên chơi game, xem tivi và đọc truyện. Khoảng hơn tuần nay cháu có biểu hiện hay nheo nheo mắt khi nhìn, lâu lâu lại đọc nhầm … mà trước đây cháu không hề có. Như vậy có phải con tôi đã bị cận thị rồi không? Nếu tôi ngưng không cho cháu đọc sách xem phim thì cháu sẽ không bị cận đúng không?
Trả lời:
Trong các loại tật khúc xạ, cận thị là tật phổ biến nhất. Cận thị thường được cho là có 2 yếu tốt thuận lợi đó là di truyền và môi trường. Hiện nay người ta hay nói đến yếu tố môi tường gây ảnh hưởng đến việc xuất hiện cận thị chủ yếu là do trẻ em phải học tập nhìn gần quá căng thẳng mà thiếu nghỉ ngơi về mặt thị giác và thiếu các hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên do cơ chế xuất hiện cận thị khá phức tạp và nguyên nhân cụ thể gây cận thị hiện còn chưa được biết rõ do đó việc bạn cho bé ngưng các hoạt động nhìn gần để tránh cận thị là không chắc sẽ hiệu quả.
Nếu bạn nghi ngờ trẻ có tật khúc xạ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt và có kỹ thuật viên khúc xạ đã qua đào tạo để khám cho bé.
ThS.Khúc xạ Trần Hoài Long
Hỏi: Cách phát hiện tật khúc xạ ở người lớn và trẻ em như thế nào? Khi bị tật khúc xạ mắt thường tăng độ, vậy làm thế nào để độ tăng ở mức thấp nhất?
Trả lời:
Khi có tật khúc xạ trẻ em thường:
- Hay nheo mắt,nhắm một mắt hoặc nghiêng đầu
- Hay dụi mắt.
- Cảm giác chói sáng.
- Mỏi mắt nhức mắt có thể kèm theo nhức đầu cảm giác này thường đi kèm với việc phải học và làm việc bằng mắt nhiều.
- Trẻ thường hay chạy lại gần bảng hoặc nhờ bạn đọc bài giúp để chép hoặc chạy lại gần TV
- Kết quả học tập giảm sút.
Đối với người lớn:
- Nếu cận thị sẽ cảm thấy nhìn xa mờ và nhìn gần vẫn rõ.
- Nếu có viễn thị thì tùy theo mức độ viễn thị:
- Nếu viễn thị nhẹ và bệnh nhân có thể điều tiết được thì có thể không có triệu chứng gì cả. Tuy nhiên vẫn có thể than phiền mỏi mắt nếu phải làm việc căng thẳng.
- Nếu viễn thị trung bình có thể không mờ ở thị giác xa mà mờ khi nhìn gần kèm theo mỏi mắt nhức đầu.
- Nếu viễn thị nặng thì nhìn kém cả xa lẫn gần.
- Nếu loạn thị bệnh nhân có thể nhìn kém cả xa và gần có kèm theo mỏi mắt, nhức đầu. Loạn thị nhẹ thường gây mỏi mắt hơn loạn thị nặng.
- Nếu lão thị, Bệnh nhân hay than nhìn gần không rõ phải đưa sách báo ra xa kèm theo mỏi mắt nhức đầu nếu cố gắng đọc lâu.
ThS.Khúc xạ Trần Hoài Long