200

Liên cầu khuẩn nhóm A: Những điều cần biết

 

Liên cầu khuẩn nhóm A là một trong những loại vi khuẩn phổ biến gây ra những bệnh lý nhiễm trùng ở vùng họng và da của cơ thể. Khi những nhiễm trùng này trở nên xâm lấn thì sẽ có nguy cơ cao gây đe dọa đến tính mạng của con người, vì vậy việc điều trị liên cầu khuẩn nhóm A cần được thực hiện sớm để giảm khả năng nguy hiểm.

1. Liên cầu khuẩn nhóm A là gì?

Hiện nay, có hơn 200 loại virus là nguyên nhân của bệnh viêm họng, và bệnh sẽ tự khỏi khi sức đề kháng của cơ thể chúng ta đủ tốt. Nhưng nếu cơ thể không đủ sức đề kháng để chống chọi lại với bệnh, những bệnh nhân này sẽ có nguy cơ mắc phải những bội nhiễm vi khuẩn. Trong đó, liên cầu khuẩn nhóm A hay còn có tên khoa học là vi khuẩn streptococcus nhóm A, là loại vi khuẩn nguy hiểm nhất, gây ra những bệnh lý ở họng và da của con người.

Liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A sẽ lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp với những dịch và chất bài tiết từ mũi và họng của người đã mắc bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn này còn lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, vết loét trên da đã bị nhiễm trùng.

2. Nhiễm liên cầu khuẩn là gì?

Khoảng 20% người mang liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A này trong cơ thể ở vùng họng nhưng không biểu hiện bệnh lý. Đến khi loại vi khuẩn này gây bệnh thì sẽ có 2 loại đó là xâm lấn và không xâm lấn:

Nếu bệnh nhiễm phải vi khuẩn streptococcus nhóm A là không xâm lấn thì sẽ bao gồm những loại bệnh sau trên lâm sàng như viêm họng liên cầu ở trẻ, sốt ban đỏ, chốc lở, nhiễm trùng vùng tai và viêm phổi. Loại nhiễm trùng này thường không nghiêm trọng, dễ lây lan hơn nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn.

Nếu là nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A xâm lấn thì mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn, bao gồm những bệnh lý như hội chứng nhiễm độc liên cầu khuẩn cấp tính, sốt thấp khớp, viêm hoại tử. Đối với nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A xâm lấn này thì loại vi khuẩn thuộc dòng vi khuẩn đặc biệt là M-1 và M-3, tuy không phổ biến nhưng khi đã nhiễm những vi khuẩn thuộc dòng này thì nó sẽ đi vào bên trong các mô của cơ thể gây viêm hoại tử, hoặc vượt qua hàng rào bảo vệ cơ thể đi vào máu gây ra hội chứng nhiễm độc liên cầu khuẩn cấp tính như đã nói ở trên.

3. Viêm họng liên cầu ở trẻ

Viêm họng liên cầu ở trẻ là một trong những bệnh lý phổ biến thuộc nhóm bệnh liên cầu khuẩn ở trẻ. Bệnh thường có những biểu hiện thường gặp như đau họng (không phải nguyên nhân do vi khuẩn), đau rát khi nuốt xuống, sốt cao lên đến 40°C, cơ thể mệt mỏi, không tỉnh táo, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, nổi hạch ở vùng cổ trước, phát ban đỏ toàn thân.

Những đối tượng dễ mắc phải căn bệnh này chủ yếu là trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi, ít gặp với những trẻ từ 3 tuổi trở xuống và người lớn. Nguy cơ gây bệnh cao nhất là do trẻ tiếp xúc với những người đã bị viêm họng liên cầu khuẩn.

Những trẻ đã mắc viêm họng liên cầu mà đã có những dấu hiệu biểu hiện trên lâm sàng thì thường rất dễ lây lan bệnh cho người khác, vì vậy cha mẹ nên cho những trẻ này ở nhà, không đến trường hoặc những nơi công cộng cho đến lúc hết sốt hoặc sau 1 ngày sử dụng thuốc điều trị để tránh lây lan bệnh tật cho cộng đồng.

4. Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm A

Để chẩn đoán bệnh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A, cần dựa vào những triệu chứng cơ năng như sốt cao 40°C, đau họng, đau đầu, buồn nôn… và khám thực thể thấy họng có mủ trắng, bẩn ở vị trí khe và hốc amidan 2 bên, sờ thấy hạch ở dưới hàm cả 2 bên có mật động di động cao, ấn vào đau.

Bên cạnh đó bệnh nhân cần được làm những kỹ thuật cận lâm sàng như:

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi thấy chỉ số bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao;
  • Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm A bằng cách lấy bệnh phẩm là dịch nhầy ở họng soi tươi hoặc nuôi cấy để tìm ra liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Ngoài ra, còn định lượng kháng thể kháng liên cầu trong máu thông qua phản ứng ALSO tăng chậm và tăng không liên tục để góp phần vào chẩn đoán bệnh.

5. Điều trị liên cầu khuẩn nhóm A

Khi một bệnh nhân đã nhiễm phải vi khuẩn streptococcus nhóm A, thì phương pháp để điều trị liên cầu khuẩn nhóm A thường là sát khuẩn họng bằng nước muối sinh lý kết hợp với sử dụng thuốc.

Bác sĩ khám bệnh
Người bệnh nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị liên cầu khuẩn nhóm A

Đối với việc sát khuẩn, bệnh nhân có thể ngậm, súc họng với nước muối sinh lý hằng ngày. Hoặc có thể dùng khí dung mũi họng theo chỉ định của bác sĩ với tinh dầu bạc hà, kháng sinh, thuốc chống viêm hòa tan.

Đối với điều trị nội khoa bằng thuốc, bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh để giảm những biến chứng cũng như ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh cho những người xung quanh. Tuy nhiên, cần chú ý là không phải 100% những bệnh nhân đau họng đều sử dụng thuốc kháng sinh, mà thường những bệnh này sẽ tự động khỏi, do vậy cần đến những cơ sở y tế để được chẩn đoán và chỉ định thuốc phù hợp. Đối với những bệnh nhân gặp phải tình trạng kháng kháng sinh, cần áp dụng phương pháp vắc xin trị liệu để giải quyết tình trạng này.

Việc phòng bệnh cũng cực kỳ quan trọng. Mọi người cần rửa tay thật sạch, đúng quy trình để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh, nhất là sau khi ho cũng như hắt hơi. Khi ho, nhảy mũi thì cần chú ý che mũi và miệng lại. Ngoài ra, rửa băng bó vết thương, vết loét cũng cần được thực hiện thường xuyên để phòng ngừa lây lan vi khuẩn.

Khi trẻ em đã nhiễm phải liên cầu khuẩn nhóm A thì phụ huynh nên cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi, tránh đi lại bên ngoài cho tới khi uống kháng sinh được 24 giờ đồng hồ.

Như vậy, cần điều trị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A ngay từ những giai đoạn sớm vì khi nhiễm trùng này đã xâm lấn thì việc điều trị liên cầu khuẩn nhóm A gặp rất nhiều khó khăn, cũng như khả năng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người rất cao. Ngoài ra, nhiễm vi khuẩn streptococcus nhóm A nếu được được điều trị kịp thời thì sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nặng cũng như hạn chế khả năng lây lan ra cộng đồng.