672

Mù lòa ở nhà nông: Tưởng nhẹ, hóa nặng

Hơn 70% người dân nước ta sống bằng nghề nông. Trong quá trình lao động sản xuất dễ xảy ra những tai nạn sang chấn cho mắt, tuy nhiên không biết cách xử trí hoặc chủ quan nên để lại hậu quả khôn lường

Những công việc nhà nông có nguy cơ gây tổn thương mắt thường gặp như: cắt cỏ, gặt lúa, đập lúa, phun thuốc trừ sâu; đặc biệt khi phơi rơm rạ, vơ cỏ lúa hay tuốt lúa bằng máy bị hạt thóc bắn vào mắt.

Mù mắt vì hạt lúa

Mới đây, Bệnh viện Mắt TP HCM tiếp nhận 1 nam bệnh nhân (33 tuổi) bị dị vật văng trúng mắt khi đang cắt cỏ làm vườn. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắt phải có thị lực sáng tối âm tính, rách da mi trên, sụp mi hoàn toàn, giới hạn vận nhãn, xuất huyết, nghi ngờ dị vật nội nhãn, dị vật hốc mắt.

Qua chụp CT-scan hốc mắt, các bác sĩ (BS) phát hiện có dị vật dạng bi tròn, kích thước 8mm×8 mm, nằm sát trần hốc mắt, hơi chệch ra sau xích đạo nhãn cầu, chèn ép ngay phía trên thần kinh thị đoạn đi ra từ nhãn cầu. TS-BS Nguyễn Thanh Nam, Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ – Thần kinh Nhãn khoa Bệnh viện Mắt TP HCM, trực tiếp xử trí, mổ hốc mắt lấy dị vật, cứu kịp được mắt bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Mắt TP HCM, số bệnh nhân chấn thương mắt do tai nạn trong quá trình lao động nông nghiệp ngày càng nhiều, cao điểm là vào các vụ thu hoạch lúa. Ca bệnh đáng nhớ mới đây là của ông T. – 43 tuổi, nông dân ở miền Tây. Đang tuốt lúa, ông bị hạt lúa bay vào mắt, đau rát, xốn ngứa khó chịu nên đưa tay dụi. Đáng nói, thay vì đưa đi cấp cứu, những người làm cùng cố thổi và dùng dăm tre khều dị vật ra… Không những không lấy ra được hạt thóc, họ đã làm xuất huyết toàn bộ con mắt, đau nhức không nhìn thấy gì.

Khi đến bệnh viện, các BS xác định do cố lấy dị vật đã khiến hạt lúa đi vào mắt sâu hơn, giác mạc xước trầm trọng, tổn thương nặng nên dù được điều trị tích cực, ông T. vẫn bị mù vĩnh viễn.

BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP, cho biết nhiều trường hợp bệnh nhân là nông dân hoặc công nhân làm vườn, do không mang dụng cụ bảo hộ lao động khi làm việc dẫn đến các chấn thương từ nhẹ như rách da mi đến nặng hơn là rách giác mạc, rất nặng là dị vật nội nhãn và dị vật hốc mắt.

Tùy tiện dùng thuốc – con dao hai lưỡi

BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Diệu Thơ, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Mắt TP HCM, cho biết do là tuyến cuối về nhãn khoa của khu vực miền Nam nên tại bệnh viện ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân chấn thương mắt, trong đó có những chấn thương từ nguyên nhân thực vật.

Các tai nạn thường thấy là trầy xước giác mạc do hạt lúa, lá lúa hay nhánh cây quẹt vào mắt. Ở các loại thực vật này có nấm, vi nấm nên gây tổn thương cho mắt do nhiễm nấm. Các tổn thương trên nếu không được xử lý ban đầu phù hợp hoặc không được khám và điều trị sớm tại các cơ sở nhãn khoa sẽ diễn tiến nặng và biến chứng nguy hiểm như viêm loét giác mạc, viêm mủ nội nhãn có khi phải múc bỏ mắt.

Giải thích những nguyên nhân bất cẩn, chủ quan của nông dân trong vấn đề bảo vệ “cửa sổ tâm hồn”, BS Diệu Thơ cho rằng ban đầu do mắt mới bị quẹt nhẹ chỉ hơi cộm xốn, phần lớn người dân nghĩ không sao và tự mua thuốc nhỏ mắt về dùng (thường là các loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid như: dexacol, dexaclor, polydexan…), không đi khám BS chuyên khoa. “Những loại thuốc này là thuốc kháng viêm nên khi nhỏ vô thấy dễ chịu, đỡ liền nhưng không hiểu đây là “con dao 2 lưỡi” đầy nguy hại, chống chỉ định với tình trạng bệnh hiện tại. Việc tùy tiện dùng các loại thuốc nhỏ mắt như đã kể trên sẽ gây ức chế miễn dịch, làm tình trạng viêm loét nặng hơn có thể dẫn đến loét hay thủng giác mạc, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp…” – BS Diệu Thơ nhấn mạnh.

Theo BS Diệu Thơ, thực tế cho thấy tại Bệnh viện Mắt TP, nhiều trường hợp bệnh không quá nặng song do xử lý ban đầu, chữa trị không đúng cách đã làm bệnh trầm trọng hơn, khiến việc điều trị về sau dù rất tích cực vẫn không đem lại kết quả tốt, có khi mù lòa.
Vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Mắt TP HCM đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ hỗ trợ điều trị và dự phòng tổn thương về mắt cho người dân sản xuất củ hành tím tại tỉnh Sóc Trăng do ở địa phương này đã có nhiều trường hợp bị mù do củ hành tím.

Theo nghiên cứu khảo sát của Viện Y tế công cộng TP HCM, số người bị mù 2 mắt và mù 1 mắt nơi đây được ghi nhận là 1.248 người, trong đó 967/1.248 (77%) mù 1 mắt, 281/1.248 (23%) mù 2 mắt. Viêm loét giác mạc là nguyên nhân hàng đầu của mù 2 mắt (20,3%), mù 1 mắt (45,3%) và ít nhất một mắt là 39,7%.

Nghiên cứu cũng chỉ ra viêm loét giác mạc có thể xem như một bệnh liên quan đến các hoạt động canh tác hành tím, đặc biệt là giai đoạn cắt hành, làm đất trồng hành. Các tổn thương giác mạc gây ra do bụi đất, bụi vỏ hành, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc. Nấm mốc có trong hành cũng là nguyên nhân gây viêm loét giác mạc. Việc điều trị viêm loét giác mạc không kịp thời, điều trị sai, tự điều trị đã làm cho bệnh diễn biến nặng hơn, gây sẹo giác mạc và giảm thị lực, có trường hợp gây mù lòa.

Trang bị kính bảo hộ lao động

BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Diệu Thơ khuyên trong quá trình lao động nông thôn ở một số công đoạn, tốt nhất nên mang kính bảo hộ lao động. Nếu không may bị chấn thương mắt thì đến ngay tuyến y tế gần nhất, có BS chuyên khoa để được sơ cứu, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự lấy dị vật trong mắt, tự mua thuốc nhỏ. Kết quả điều trị phụ thuộc rất nhiều vào việc người bệnh đến sớm và cách thức xử lý ban đầu.

Bài và ảnh: NGUYỄN THẠNH