NHƯỢC THỊ
Theo thống kê, cứ 100 trẻ thì có đến 3 trẻ mắc bệnh nhược thị. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây giảm thị lực ở trẻ em. Nếu không được chăm sóc đúng cách, trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về thị lực suốt đời. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm nhược thị sẽ giúp ngăn ngừa những nguy cơ lâu dài và nguy hiểm về mắt.
I. Nhược thị là gì?
Nhược thị được định nghĩa về mặt lâm sàng là việc suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt, gây ra bởi sự tương tác bất thường giữa hai mắt trong giai đoạn phát triển thị giác quan trọng, cụ thể là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ (AAO) đánh giá nhược thị là sự chênh lệch thị lực từ hai hàng trở lên giữa hai mắt trong bảng thị lực (không chỉ định cụ thể loại bảng thị lực nào) hoặc thị lực kém hơn hoặc bằng 20/30 (tương đương với 6/10) với kính chỉnh tối đa.
Nhược thị xuất hiện từ giai đoạn đầu đời của trẻ có thể dẫn đến sự gián đoạn sự phát triển thị giác bình thường của vỏ não.
Tỷ lệ nhược thị trên toàn thế giới là khoảng 1-5% dân số. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có 19 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị khiếm thị, trong đó, 12 triệu người bị khiếm thị do tật khúc xạ và nhược thị chưa được điều chỉnh.
Nhược thị là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây thị lực kém ở trẻ em và cả người lớn, đặc biệt là ở các nước phát triển, tác động lớn đến kinh tế và xã hội. Những người mắc tình trạng này có khả năng bị hạn chế lựa chọn nghề nghiệp, giảm chất lượng cuộc sống, thiếu tự tin về mặt thẩm mỹ (nếu có liên quan đến lác/lé) và có thể gây ảnh hưởng thị lực đến mắt còn lại. Khi gặp phải tình trạng nhược thị, điều quan trọng là phải chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, đặc biệt là ở trẻ, để phát triển thị lực bình thường và khỏe mạnh.
II. Các nguyên nhân gây ra nhược thị?
Mắt sẽ truyền tín hiệu về não để xử lý dần dần hoàn thiện chức năng thị giác hai mắt. Bất cứ nguyên nhân nào gây cản trở đến sự nhìn rõ của một trong hai mắt hoặc có sự tương tác bất thường giữa hai mắt trong giai đoạn phát triển có thể gây thị lực kém hay nhược thị. Nguyên nhân chính dẫn đến nhược thị bao gồm:
1. Tật khúc xạ (đặc biệt là bất đồng khúc xạ)
Tật khúc xạ có thể gây ra nhược thị do giảm chất lượng tín hiệu thần kinh đến từ một hoặc cả hai mắt. Đa phần nhược thị gây ra do sự chênh lệch khúc xạ giữa hai mắt, ví dụ: một mắt có độ cận thị hay viễn thị đáng kể, trong khi mắt kia không có. Bất đồng khúc xạ là một yếu tố sinh nhược thị mạnh bởi vì gây nên sự cạnh tranh tín hiệu giữa hai mắt. Mắt có tật khúc xạ nhẹ hơn sẽ nhìn rõ và điều khiển vỏ não nhiều hơn mắt nhìn mờ khiến mắt nhìn mờ trở thành mắt nhược thị.
2. Lác/ lé
Đây là nguyên nhân có thể gây ra nhược thị bằng cách làm cho vỏ não dập tắt hình ảnh của một mắt (thường là mắt lé) để tránh nhìn hai hình. Ức chế lâu dài tín hiệu từ một mắt sẽ làm yếu các kết nối thần kinh từ mắt đó tới vỏ não gây ra nhược thị.
3. Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, các bất thường khác cản trở thị giác (sụp mi, đục thể thủy tinh bẩm sinh, rung giật nhãn cầu…) ở trẻ nhỏ cũng có thể gây ra nhược thị. Điều trị sớm và kịp thời là cần thiết để cho phép sự phát triển thị giác bình thường ở trẻ em.
III. Biểu hiện của nhược thị
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi bị nhược thị, trẻ không có dấu hiệu gì đặc biệt dẫn đến việc rất khó để phát hiện. Bởi trẻ em có thể không nhận thức được việc có một mắt nhìn tốt hơn mắt kia. Bên cạnh đó, trẻ đã thích nghi với tình trạng này một thời gian dài nên ít khi phàn nàn vì thị lực kém. Và phụ huynh có thể không nhận ra vấn đề ở con trẻ trừ khi có các biểu hiện rõ rệt ra bên ngoài.
Một số biểu hiện của nhược thị như:
-
-
- Lác/ lé
- Hay nheo mắt, nháy mắt khi nhìn xa
- Hay nghiêng đầu xem TV
- Hay dụi mắt
- Thường hay than phiền nhìn mờ, mỏi mắt
-
Thường bệnh nhược thị chỉ được phát hiện khi khám mắt sàng lọc, phụ huynh nên cho trẻ đi khám mắt định kỳ hàng năm.
IV. Phương pháp điều trị nhược thị
1. Đeo kính kết hợp che mắt
Với trẻ mắc nhược thị do tật khúc xạ gây ra, chỉnh kính tối đa là một trong những bước đầu tiên tốt nhất giúp cải thiện chức năng thị giác. Nhược thị thường được điều chỉnh bằng cách khiến cho trẻ sử dụng mắt yếu thường xuyên hơn. Phương pháp phổ biến nhất là sử dụng miếng dán hoặc miếng che lên mắt tốt hơn của trẻ. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể dùng thuốc nhỏ mắt để làm mờ tạm thời thị lực ở mắt tốt hơn hoặc trẻ có thể đeo kính với thấu kính gây mờ thị lực ở mắt đó.
Phương pháp che mắt : che kín mắt và đúng mắt được chỉ định. Che liên tục mỗi ngày, tùy theo thời gian chỉ định của Bác sĩ (thời gian che lúc đầu ngắn, sau đó tăng dần giúp trẻ dễ thích nghi). Nên che ở nhà vào thời gian thức, không nên che ở trường do khó theo dõi, bạn bè trêu chọc, hạn chế tầm nhìn trên bảng… Khi che nên sử dụng mắt xem TV, đọc sách, chơi trò chơi: lắp ráp, đánh cờ… trong khoảng nhìn rõ của bé. Dưới 6 tuổi là thời gian vàng để điều trị, hiệu quả thành công cao.Trên 6 tuổi thì thời gian điều trị lâu, hiệu quả giảm dần khi trẻ lớn lên.
2. Phẫu thuật
Các phương pháp điều trị như ợc thị ngoài đeo kính kết hợp với che mắt còn có phẫu thuật, trong trường hợp đục thể thủy tinh bẩm sinh, sụp mí bẩm sinh… nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển thị giác bình thường. Bên cạnh đó, phương pháp huấn luyện thị giác sẽ được tiến hành bổ sung tiếp theo khi thị lực không thể đạt tối ưu dù đã được chỉnh kính và có rối loạn thị giác hai mắt.
3. Những lưu ý khi điều trị nhược thị
Độ tuổi điều trị nhược thị hiệu quả nhất là vào giai đoạn then chốt của sự phát triển thị giác của trẻ, đặc biệt là dưới 6 tuổi. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng điều trị nhược thị ở độ tuổi lớn hơn vẫn có thể thành công do hệ thống thị giác còn phát triển cho tới tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, việc phát hiện và điều trị càng muộn thì sẽ càng không đạt được hiệu quả tốt nhất. Sau khi mắt đã đi vào ổn định, tùy từng trường hợp vẫn phải được điều trị duy trì hoặc theo dõi lâu dài để tránh nhược thị tái phát.
Thường mất vài tuần đến vài tháng để tăng cường thị lực ở mắt yếu hơn. Tuy nhiên, vẫn có khả năng mắt có thể bị yếu trở lại. Khi có thị lực tốt hơn ở mắt đó vẫn nên được theo dõi định kỳ để được can thiệp kịp thời. Mục tiêu chính của việc điều trị là cải thiện chức năng thị giác một mắt, giúp mắt bị nhược thị tăng liên kết với não và giảm sự ức chế của mắt tốt hơn. Từ đó tạo sự cân bằng giữa hai mắt, đồng thời tăng chức năng thị giác. Ngoài ra, yếu tố then chốt trong việc điều trị nhược thị cho trẻ là phát hiện chính xác nguyên nhân và mức độ bệnh, độ tuổi của trẻ, sự kết hợp và chăm sóc giữa bác sĩ và gia đình.
V. Phòng tránh nhược thị
Theo hiệp hội Khúc Xạ Nhãn Khoa Hoa Kỳ, trong 6-12 tháng đầu đời, trẻ nên cần được kiểm tra mắt lần đầu tiên nhằm phát hiện và loại trừ các vấn đề bất thường. Tầm soát mắt cho trẻ nhỏ chính là cách phòng tránh nhược thị cũng như các bệnh lý nghiêm trọng có thể xảy ra kịp thời. Bên cạnh đó, những người có tỉ lệ mắc nhược thị cao bao gồm: Trẻ sinh non, nhẹ cân, chậm phát triển, bại não hay người có tiền căn gia đình mắc tật khúc xạ cao, lác/ lé, nhược thị và đục thể thủy tinh bẩm sinh cần được khám mắt tổng quát và toàn diện càng sớm càng tốt và duy trì lịch khám định kỳ. Phát hiện và điều trị nhược thị sớm giúp cho sự phát triển hệ thống thị giác của trẻ, đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống về sau.