Tăng huyết áp là gì?
Tăng huyết áp (huyết áp cao) là một tình trạng áp lực máu tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể vượt quá mức bình thường. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của động mạch.
Huyết áp được xác định bằng cả lượng máu tim bơm và lực cản trở lưu lượng máu trong động mạch. Tim bơm máu càng nhiều nhưng động mạch càng hẹp thì huyết áp càng cao. Số đo huyết áp được tính bằng milimet thủy ngân (mmHg).
- Huyết áp lý tưởng là từ 90/60mmHg đến 120/80mmHg
- Huyết áp cao là cao hơn 140/90mmHg hoặc 150/90mmHg (dùng cho người trên 80 tuổi)
Thông thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp xuống thấp vào 1-3h sáng, và cao nhất 8-10h sáng. Huyết áp tăng cao khi vận động, căng thẳng thần kinh hoặc khi xúc động mạnh. Ngược lại, huyết áp sẽ xuống thấp khi nghỉ ngơi, thư giãn.
Các triệu chứng của tăng huyết áp là gì?
Huyết áp cao thường diễn tiến lặng lẽ, vì thế nhiều người không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Có nhiều trường hợp phải mất nhiều năm khi bệnh diễn biến nghiêm trọng mới thấy các triệu chứng rõ ràng. Cao huyết áp thường có những triệu chứng nghi ngờ sau:
- Đỏ bừng mặt
- Đốm máu trong mắt (xuất huyết dưới kết mạc )
- Chóng mặt
- Thở nông
- Chảy máu mũi
- Đau đầu, hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng
- Mắt nhìn mờ
- Mất ngủ
Tuy nhiên, để biết chính xác tình trạng huyết áp của mình thì cần đo huyết áp bằng máy đo huyết áp thường xuyên. Trường hợp, bản thân có vấn đề sức khỏe hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch hoặc có các yếu tố nguy cơ thì nên kiểm tra huyết áp định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Nguyên nhân gây tăng huyết áp?
Tăng huyết áp có các nguyên nhân phổ biến:
- Tăng huyết áp nguyên phát (vô căn): Bệnh không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp.
- Tăng huyết áp thứ phát: thường xảy ra đối với những bệnh nhân có bệnh thận; U tuyến thượng thận, bệnh van tim; các bệnh lý nội tiết như suy giáp, cường giáp, bệnh Cushing; Do tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị như (điều trị bệnh viêm khớp, bệnh Lupus, hen suyễn, dị ứng,..), thuốc kháng viêm, giảm đau, hormone thay thế hoặc thuốc tránh thai…
- Tăng huyết áp thai kỳ: Bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật. Điều này cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.
Đối tượng nguy cơ tăng huyết áp
- Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, ăn nhiều muối (>5g/ngày)
- Thường xuyên uống rượu quá mức: nhiều hơn 2 đơn vị cồn mỗi ngày..
- Người béo phì
- Người lớn tuổi:
- Người có tiền sử gia đình tăng huyết áp
- Chủng tộc: Những người da đen không phải gốc Tây Ban Nha có tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn.
- ít vận động: ít vận động thể lực sẽ khiến bạn có nhịp tim cao hơn, áp lực đè nặng lên thành động mạch nhiều hơn và nguy cơ béo phì rõ rệt.
Các biến chứng tăng huyết áp
- Nhồi máu cơ tim: Huyết áp cao có thể gây ra cứng và dày thành động mạch (xơ vữa động mạch), có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
- Phình động mạch: Huyết áp cao có thể làm cho các mạch máu yếu đi và phình ra, tạo thành chứng phình động mạch. Nếu túi phình bị vỡ, nó có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Suy tim: Khi huyết áp cao, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu luân chuyển trong lòng mạch. Chính điều này làm thành tim dày lên (phì đại tâm thất trái). Cơ tim dày lên có thể gây khó khăn trong việc bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể dẫn đến suy tim.
- Tổn thương thận: Các mạch máu trong thận bị suy yếu và thu hẹp, điều này có thể ngăn cản các cơ quan này hoạt động bình thường.
- Mất thị lực: Khi các mạch máu trong mắt dày lên, hẹp hoặc vỡ các mạch máu trong mắt có thể làm mất thị lực.
- Hội chứng chuyển hóa. Hội chứng này là một nhóm các rối loạn chuyển hóa của cơ thể, bao gồm giảm cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL-C) (cholesterol “tốt”), huyết áp cao và nồng độ insulin cao. Những điều này làm cho bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ.
- Rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ: Huyết áp cao không kiểm soát cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tư duy, ghi nhớ của người bệnh. Nguyên nhân do động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não, dẫn đến chứng sa sút trí tuệ.
Chẩn đoán tăng huyết áp
- Khám lâm sàng: Dựa vào những triệu chứng tăng huyết áp, bác sĩ khảo sát các yếu tố nguy cơ, khai thác tiền sử bệnh, đo huyết áp bằng máy đo huyết áp.
- Khám cận lâm sàng: Xét nghiệm nước tiểu, điện tâm đồ, X-quang ngực, CT scan.
Bảng 1: Tiêu chuẩn chẩn đoán tăng huyết áp dựa trên đo huyết áp phòng khám, đo huyết áp lưu động và đo huyết áp tại nhà (áp dụng cho người từ 16 tuổi trở lên). Lưu ý: HA Tâm thu (mmHg); HA Tâm trương (mmHg)
HATT/HATTr, mmHg Huyết áp phòng khám |
≥140 và/hoặc ≥90
|
Theo dõi huyết áp lưu động Trung bình 24h |
≥130 và/hoặc ≥80
|
Trung bình ban ngày (hoặc lúc thức) |
≥135 và/hoặc ≥85 |
Trung bình ban đêm (hoặc lúc ngủ) |
≥120 và/hoặc ≥70 |
Theo dõi huyết áp tại nhà |
≥135 và/hoặc ≥85 |
Điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp
Hiện nay, chưa có cách chữa trị bệnh tăng huyết áp mà chỉ kiểm soát tình trạng bệnh. Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định cũng như phác đồ điều trị phù hợp với từng đối tượng.
- Xây dựng lối sống lành mạnh: Với những trường hợp huyết áp tăng nhẹ thì chỉ cần thay đổi lối sống lành mạnh và khoa học giúp kiểm soát mức huyết áp tốt hơn. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, khoa học. Tránh làm việc quá sức, kiểm soát stress. Đặc biệt cần duy trì chế độ vận động, đều đặn và vừa sức (khoảng 30 phút/ngày), giữ tinh thần thư giãn, thoải mái nhất.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Cố gắng giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức trung bình từ 18,9-22,9, vòng bụng không quá 90cm ở nam giới và 75cm ở nữ giới.
- Chế độ dinh dưỡng cân đối: đầy đủ 4 nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể là tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất, ngoài ra cần lưu ý các nhóm thực phẩm giàu chất xơ như: gạo lứt, rau xanh, quả chín, thực phẩm giàu acid béo Omega-3 có trong các loại hạt, bơ, cá hồi, cá thu, cá mòi… Đặc biệt, người cao huyết áp không nên ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên xào, đường, muối, các loại nước ngọt, thức uống có cồn… Nên uống sữa tách béo, nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần.
- Giảm lượng muối trong khẩu phần ăn bằng cách gia giảm lượng muối nêm vào thức ăn, tránh thức ăn đóng hộp, các loại dưa muối, nước chấm….
- Dùng thuốc: Với những người bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc hạ huyết áp như: thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế Beta, thức ức chế hấp thụ canxi, các chất ức chế men chuyển ACE. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại thuốc này thường gây ra các tác dụng phụ, đôi khi gặp phải phản ứng nguy hiểm như: suy tế bào gan, viêm cơ, tiêu chảy, đau đầu…
- Kiểm soát căng thẳng: Nên có kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Không nên ôm đồm quá nhiều việc cùng một lúc. Tập thể dục là một cách tuyệt vời để quản lý căng thẳng. Các hoạt động khác cũng có thể hữu ích như: thiền, yoga, đi bộ… Ngủ đủ giấc cũng có thể giúp giảm mức độ căng thẳng.
- Bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia: Nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá, và tránh xa khói thuốc vì các chất độc hại trong khói thuốc lá có thể làm hỏng các mô của cơ thể và cứng thành mạch máu. Ngoài ra, cần hạn chế rượu bia, vì đây cũng là yếu tố có thể làm tăng huyết áp.