955

Phù hoàng điểm dạng nang (Cytoids Macular Edema) Khoa Tổng hợp – BV Mắt TP.HCM

CME là một biến chứng phổ biến nhất sau phẫu thuật ĐTTT [107], [98],[60],[79]. CME thường xảy ra sau 4-16 tuần phẫu thuật, đạt đỉnh vào khoảng tuần thứ 4 hậu phẫu. CME không gây giảm thị lực có thể xảy ra ở 20-30% bệnh nhân [65], trong khi CME với thị lực < 20/40 thường xảy ra ở 1-7% bệnh nhân phẫu thuật ĐTTT không biến chứng [34]. Ursell trong nghiên cứu của mình cho thấy tỷ lệ phù hoàng điểm dạng nang vào ngày thứ 60 sau phẫu thuật phaco là 19%. Thị lực của bệnh nhân sau mỗi lần tái khám trở nên tồi tệ hơn ở nhóm có phù hoàng điểm (p< 0,05) [98]. Nghiên cứu của Mentes trên 252 mắt phẫu thuật phaco không biến chứng cho thấy tỷ lệ CME sau phẫu thuật phaco là 9,1% [60].

CME xảy ra một phần là do hàng rào VM-mạch máu bị phá vỡ vì hiện tượng viêm sau khi phẫu thuật ĐTTT gây ra [33],[61]. Các thao tác phẫu thuật tại tiền phòng có thể dẫn đến phóng thích các acid arachidonic từ các mô màng bồ đào, với việc sản xuất các leukotriene thông qua con đường lipoxygenase hoặc prostaglandins (PGs) qua con đường cyclooxygenase (COX) [43]. Funatsu và cộng sự cho thấy có mối liên quan giữa mắc phù hoàng điểm và nồng độ yếu tố tăng trưởng nội mô (VEGF) tại thời điểm phẫu thuật ĐTTT. Cứ mỗi 100 pg nồng độ VEGF tăng lên thì nguy cơ xảy ra phù hoàng điểm tăng lên gấp 1,53 lần [36]. Hệ quả là các chất trung gian tiền viêm khuếch tán về sau vào dịch kính và phá vỡ hàng rào máu-VM. Sự phá vỡ hàng rào này dẫn đến tăng thẩm thấu các mạch máu vùng quanh hố và tích tụ dịch bên trong VM [62].

Các nhà khoa học vẫn không rõ tại sao dịch thoát ra từ mạch máu quanh hố lại tích tụ bên trong hoàng điểm, mặc dù việc sản xuất và phân bố các cytokine tiền viêm xảy ra với số lượng lớn và trên toàn bộ VM. Việc giảm tái hấp thu dịch tại vùng hoàng điểm có thể có thể được giải thích một phần bằng việc không có mạch máu tại vùng vô mạch này cùng với các hoạt động chuyển hóa cao tại vùng hố [97]. Bệnh nhân bị viêm hậu phẫu nhiều sẽ có khuynh hướng mắc CME cao hơn so với các nhóm bệnh nhân khác [98]. Quan sát này ám chỉ rằng mức độ viêm sẽ quyết định độ nặng của CME, có thể phân từ rất nhẹ cho đến biểu hiện lâm sàng rõ ràng.

Bởi vì viêm hậu phẫu thường có mối liên quan không tách biệt với mỗi quy trình phẫu thuật ĐTTT, do đó các trường hợp không biến chứng cũng làm tăng độ dày hoàng điểm trung tâm (CMT). Nghiên cứu của Perent đo lường CMT bằng cách sử dụng OCT tăng có ý nghĩa thống kê từ tháng 1 đến tháng thứ 6 sau phẫu thuật [73]. Trong một nghiên cứu của Von Jagow và cộng sự cho thấy có sự gia tăng vừa CMT từ tuần thứ 1 đến tuần thứ sáu sau phẫu thuật nhưng không có tương quan có ý nghĩa giữa CMT và thị lực sau chỉnh kính [44]. Sahin và cộng sự báo cáo sự gia tăng CMT vừa trong 3 tháng đầu hậu phẫu không gây suy giảm thị lực cho bệnh nhân không có CME và CMT giảm dần trở về giá trị trước phẫu thuật vào cuối tháng thứ 3 [82].

Độ dày hoàng điểm trung tâm (CMT) chụp bằng OCT sau 5 tuần (A), 6 tuần (B) và 3 tháng (C) phẫu thuật ĐTTT.

(Nguồn: Grzybowski A, et al (2016) “Pseudophakic cystoid macular edema: update 2016”. Clin Interv Aging, 11, 1221–1229)

 Trích dẫn từ “Chuyên đề Điều trị và kiểm soát phù hoảng điểm dạng nang trong phẫu thuật đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường” –  2018