2592

Thị lực 10/10 bỗng nhìn gì cũng mù mù, do đi giày cao gót ngày 8 tiếng?

TTO- Chị K.H. (23 tuổi) bỗng nhìn mọi vật như đám mù sắp mưa, dù trước đây thị lực của chị 10/10. Chị H. cho biết do tính chất công việc buộc chị phải đứng trên giày cao gót 8 tiếng mỗi ngày…

Nhiều người mất thị lực đột ngột không rõ nguyên nhân, triệu chứng không rõ ràng. Việc điều trị bệnh cần nhiều thời gian, dễ tái phát và khó lấy lại thị lực hoàn toàn nếu bệnh đã chuyển nặng.

Bác sĩ gọi tên “thủ phạm” âm thầm lấy đi ánh sáng này là bệnh viêm dây thần kinh thị giác.

Nghĩ mờ mắt do nhức chân

Cách đây khoảng 2 tuần, chị K.H. (23 tuổi, ngụ Phú Yên) bỗng dưng nhìn mọi vật như đám mù sắp mưa, không rõ nguyên nhân dù trước đây thị lực của chị 10/10.

Chị H. cho biết do tính chất công việc buộc chị phải đứng trên giày cao gót 8 tiếng mỗi ngày. Sau vài tháng làm việc, chị có biểu hiện nhức mỏi từ sống lưng lan xuống hai chân, không đi được, kèm mờ mắt.

“Tôi cứ nghĩ nguyên nhân chính là do nhức mỏi chân rồi dẫn đến mờ mắt. Hoặc mờ mắt là do sử dụng điện thoại, nhưng ngày nào tôi cũng dùng điện thoại với lượng thời gian như nhau nên lý do này không xác đáng” – chị H. suy luận.

Chị H. được người thân đưa đến nhà thầy thuốc đông y ở địa phương chữa trị. Cùng ngày, chị đã đi được, còn mắt kết luận không có gì bất thường. Tuy nhiên, hai ngày sau mắt chị vẫn mờ, đặc biệt rất khó chịu ở nơi có ánh sáng.

Lần này, chị H. đến Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Yên tiếp tục thăm khám và nhận kết luận rối loạn điều tiết mắt, chỉ cần về nhà uống thuốc và nhỏ mắt. Thế nhưng, tình trạng hai mắt mỗi ngày một nặng.

Lần nữa chị H. lại đi khám tại phòng khám địa phương, với chẩn đoán do viêm dây thần kinh mắt hoặc có một khối u chèn ép, nếu không chữa kịp thời có thể mất thị lực. Người nhà vội đưa chị H. vào Bệnh viện Mắt TP.HCM. Lúc này, chị H. nhìn mọi vật xung quanh chỉ một màu đen mờ như đám mây mù sắp mưa.

Sau khi được thăm khám tổng quát, lấy máu xét nghiệm, chụp MRI (cộng hưởng từ), CT-scan…, bác sĩ kết luận chị H. bị viêm dây thần kinh thị giác, không rõ nguyên nhân, không xuất phát từ nguyên nhân mỏi nhức hai chân do công việc.

Tại bệnh viện, chị H. được điều trị theo phác đồ trong 5 ngày. Hiện thị lực hồi phục khoảng 40% và tiếp tục uống thuốc tại nhà, tái khám theo lịch hẹn.

“Những ngày đầu điều trị, tôi thấy như hàng trăm máy quạt đu quay, có khi như hàng nghìn bọt nước khi nhắm mắt” – chị H. chia sẻ.

Tương tự trường hợp chị H., chị B. (Tân Bình, TP.HCM) bị mất thị lực mắt nhưng cứ tưởng mắt mình bị lão, cộng với việc cùng thời điểm chị gặp chuyện buồn hay khóc nên càng nghĩ mắt mình bị nhòa khó thấy là chuyện bình thường, không đến bệnh viện. Khi đến bệnh viện mắt chị B. gần như đã mờ hẳn một bên, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, không khỏi.

TS Nguyễn Thanh Nam – trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Mắt TP.HCM – cho biết bệnh viện thường tiếp nhận các bệnh nhân bị viêm dây thần kinh thị giác. Hiện ngoài chị H., bệnh viện đang điều trị 4 bệnh nhân mắc bệnh này, trong đó có trường hợp khi đến bệnh viện thị lực gần như mất hoàn toàn, điều trị khó khăn.

50% không rõ nguyên nhân, dễ tái phát

Bác sĩ Nam cho hay viêm dây thần kinh thị giác là tình trạng viêm hoặc thoái hóa vỏ bọc bảo vệ của dây thần kinh (bao myelin) làm thị lực suy giảm nhanh chóng, thường gặp ở nữ nhiều hơn nam, ở độ tuổi từ 15 đến 45.

Đáng lo ngại bệnh lại âm thầm tiến triển đến khi có triệu chứng mờ mắt, nhức mắt, nhức đầu, đau khi vận động nhãn cầu, đặc biệt là mờ mắt tăng lên khi ở trong môi trường nhiệt độ cao.

Tuy nhiên, có khoảng 50% bệnh nhân mắc viêm dây thần kinh thị giác không rõ nguyên nhân. Ngoài ra, sau đợt nhiễm virus, cảm cúm hoặc những người mắc bệnh viêm xoang mãn tính, lao, giang mai… cũng dễ mắc viêm dây thần kinh thị giác.

Đối với những trường hợp viêm dây thần kinh thị giác nghiêm trọng thường kèm theo bệnh xơ cứng rải rác (MS) khiến việc điều trị khó khăn.

Để lấy lại ánh sáng cho bệnh nhân bị viêm dây thần kinh thị giác, bác sĩ Nam cho biết sẽ điều trị bằng corticoid 5 ngày tại bệnh viện nhưng bệnh không thể phục hồi hoàn toàn. Vì thế sau khi xuất viện, bệnh nhân cần phải uống thuốc trong vòng 1 đến 2 tháng để thị lực phục hồi hoàn toàn. Nếu bệnh nhân dừng đột ngột sẽ ảnh hưởng đến tuyến thượng thận, bệnh dễ tái phát.

“Có những trường hợp vào bệnh viện khi thị lực đã giảm rất nặng, thoái hóa vỏ bọc bảo vệ của dây thần kinh ở tủy sống vào não, chỉ nhìn thấy sáng tối. Điều trị 5 ngày thị lực vẫn không cải thiện” – bác sĩ Nam chia sẻ.

Vì bệnh tiến triển âm thầm và phần lớn không rõ nguyên nhân, bác sĩ Nam khuyến cáo người dân khi có bất kỳ biểu hiện bất thường nào về mắt cần đến các cơ sở y tế thăm khám.

Việc nhập viện điều trị kịp thời cực kỳ quan trọng, hạn chế bệnh chuyển biến nặng, nhiều biến chứng, thậm chí không lấy lại được thị lực.

Nguồn: https://tuoitre.vn/thi-luc-10-10-bong-nhin-gi-cung-mu-mu-do-di-giay-cao-got-ngay-8-tieng-20210422214502266.htm?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo