375

TÌM HIỂU VỀ PHẪU THUẬT CẮT PHA LÊ THỂ

Pha lê thể là một chất dạng gel giống như lòng trắng trứng. Pha lê thể nằm bên trong mắt, giúp mắt có dạng hình cầu nên mắt còn được gọi là nhãn cầu.

Một số bệnh mắt ảnh hưởng đến võng mạc và pha lê thể cần phải được điều trị bằng phẫu thuật cắt pha lê thể. Pha lê thể sẽ được thay thế bằng thủy dịch do mắt tiết ra hoặc các dung dịch thích hợp khác.

Khi cắt pha lê thể, bác sĩ sẽ lấy đi máu, mô sẹo, mô xơ gây co kéo và làm giảm thị lực. Bác sĩ cũng sửa chữa các bệnh khác của võng mạc như lỗ rách, thiếu máu, hoặc thoái hóa bằng cách chiếu laser hay áp lạnh.

Khi kết thúc phẫu thuật, tùy theo tính chất của bệnh, bác sĩ sẽ để vào mắt dung dịch nước, khí đặc biệt, hay dầu silicone.

Một số bệnh cần cắt pha lê thể:

Xuất huyết pha lê thể

Bong võng mạc

Lỗ hoàng điểm

Màng trước võng mạc

Biến chứng của bệnh võng mạc tiểu đường

Thời kỳ hậu phẫu:

Mắt mổ sẽ được băng lại và sẽ được thay băng mỗi ngày hoặc ngay khi băng ướt. Bạn sẽ được dùng thuốc giảm đau và thuốc nhỏ mắt thích hợp.

Thông thường, khi tan thuốc tê, bạn sẽ cảm thấy đau mắt mổ nhưng có thể chịu đựng được. Nếu bạn thấy đau nhiều kèm theo nhức đầu và buồn nôn hay nôn thì phải báo nhân viên trực để bổ sung thêm thuốc.

Tùy theo tính chất của bệnh, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm sấp hoặc nằm nghiêng bên phải hay bên trái. Nếu không biết rõ, bạn cần hỏi lại bác sĩ chứ không nên bắt chước tư thế nằm của bệnh nhân bên cạnh.

Nếu bạn được để khí đặc biệt trong mắt, bạn không được đi máy bay cho đến khi khí tan hết.

Những điều nên tránh:

Tránh gập người, khiêng đồ vật nặng hơn 3kg hoặc gắng sức trong tuần lễ đầu sau mổ.

Tránh cho nước vào mắt khi tắm trong tuần lễ đầu sau mổ.

Những điều có thể làm:

Bạn có thể đọc sách báo và xem truyền hình tự do.

Bạn có thể và nên mang kính mát (kính râm) loại bảo vệ chống tia cực tím 100%.

ThS BS. Võ Quang Hồng Điểm – Khoa Dịch kính Võng mạc

Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh