321

TỔNG KẾT PHẢN ỨNG CÓ HẠI CỦA THUỐC (ADR) VÀ KHUYẾN CÁO DỰA TRÊN BÁO CÁO ADR NĂM 2021

TỔNG KẾT:

Từ đầu tháng 11/2020 đến hết tháng 10/2021, khoa Dược ghi nhận 06 báo cáo ADR. Trong đó, có 5 trường hợp ADR nghiêm trọng gây đe doạ tính mạng liên quan thuốc Lidocain 2%, Fluorescein 20%. Sau khi được phát hiện, xử trí kịp thời thì bệnh nhân hồi phục không di chứng. Đối với trường hợp cần thiết, bệnh nhân được đề nghị chuyển Bệnh viện 115 theo dõi và điều trị tiếp.

Tất cả các báo cáo ADR đã được khoa Dược gửi đến Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI & ADR Quốc gia) để xử lý, thẩm định theo quy định của Bộ Y tế.

Theo dữ liệu tổng hợp số lượng báo cáo ADR từ các cơ sở khám, chữa bệnh do Trung tâm DI & ADR cung cấp cho thấy xếp hạng của bệnh viện Mắt theo các đơn vị thuộc khu vực TP.HCM: giai đoạn 11/2020 – 12/2020 là 91/567 (7 báo cáo ADR), giai đoạn 01/2021 – 03/2021 là 191/881 (3 báo cáo ADR) (nguồn: canhgiacduoc.org.vn).

Nhận xét: Kết quả cho thấy khoa Gây mê hồi sức có số báo cáo ADR nhiều nhất là 02 (chiếm 33.33%). Thuốc nghi ngờ gây ADR được báo cáo là Lidocain 2% (loại thuốc được sử dụng gây tê cạnh cầu trước phẫu thuật). Tương tự, các khoa phòng còn lại đều ghi nhận ADR kịp thời.

Nhận xét: Kết quả cho thấy Điều dưỡng là đối tượng thực hiện báo cáo ADR nhiều nhất chiếm 50%, tiếp theo là Bác sĩ, Dược sĩ. Đối với dược sĩ, ghi nhận các ca ADR thông qua quá trình cấp phát thuốc BHYT, tư vấn sử dụng thuốc tại Nhà thuốc và hỗ trợ người bệnh khai thác các thông tin về tình trạng dị ứng thuốc.

Nhận xét: Trong 5 năm qua, số ca ADR liên quan đến thuốc Fluorescein 20% chiếm tỷ lệ cao nhất là 50% (12 báo cáo), kế đến là Lidocain 2% chiếm tỷ lệ 20.83% (05 báo cáo), các thuốc còn lại đều chỉ từ 1 – 2 báo cáo ADR.

  • Fluorescein 20%: thuốc có nguy cơ cao gây ADR mà khoa Dược đã ghi nhận được trong nhiều năm tại Khoa CĐHA.
  • Lidocain 2%: thuốc cần đặc biệt chú ý vì khả năng gây ngộ độc cao.
  • Tháng 11 ghi nhận trường hợp sốc phản vệ do thuốc Cephalexin 500mg, nguyên nhân được khai thác là tiền sử dị ứng kháng sinh Ampicillin của người bệnh.

Nhận xét: Năm 2020 có số lượng báo cáo ADR cao nhất là 08 (chiếm 33.33%), năm 2017 chỉ ghi nhận 01 báo cáo ADR (chiếm 4.17%), các năm khác có số báo cáo tương đương nhau (từ 2 – 7 báo cáo). Nhìn chung, số lượng báo cáo ADR gửi về khoa Dược qua các năm vẫn còn khá ít à khuyến khích các khoa phòng tiếp tục theo dõi, xử trí và chủ động hơn trong công tác báo cáo ADR. Lưu ý các thuốc có nguy cơ cao gây ADR như các kháng sinh đường tiêm (cefotaxim, ceftazidim, ceftriaxon, vancomycin,…), lidocain, flourescein, fluorouracil, calci clorid,…

KHUYẾN CÁO DỰA TRÊN CÁC BÁO CÁO ADR:

– Khai thác kĩ tiền sử dị ứng của bệnh nhân, cân nhắc các yếu tố nguy cơ (bệnh nền, tuổi tác, phụ nữ có thai, chức năng gan-thận,…) trước khi cho bệnh nhân sử dụng thuốc.

– Khuyến cáo trong trường hợp ngộ độc Lidocain nghiêm trọng:

+ Nếu phản ứng toàn thân do hấp thu quá mức: Duy trì thông khí, cho 100% oxygen, và thực hiện hô hấp hỗ trợ hoặc chỉ huy, khi cần. Ở một số người bệnh, có thể cần phải đặt ống nội khí quản.

+ Suy tuần hoàn: Dùng một thuốc co mạch và truyền dịch tĩnh mạch.

+ Hội chứng methemoglobin huyết: Cho xanh methylen (1 – 2 mg/kg thể trọng tiêm tĩnh mạch).

+ Co giật: Cho một thuốc chống co giật benzodiazepin; cần nhớ là benzodiazepin tiêm tĩnh mạch có thể gây ức chế hô hấp và tuần hoàn, đặc biệt khi tiêm nhanh.

– Khuyến cáo trong trường hợp dị ứng Fluorescein 20%:

+ Sử dụng Fluorescein phải chuẩn bị những phương tiện cũng như các biện pháp cầp cứu kịp thời và có những chuyên gia có khả năng xử trí.

+ Nếu nghi ngờ có thể xảy ra dị ứng và xét nghiệm trong da có thể tiến hành (0.05 ml) trước khi tiêm tĩnh mạch. Bất kỳ phản ứng quá mẫn nào cũng sẽ xuất hiện trong vòng 30 phút. Ngoài ra, có thể nhỏ một giọt dung dịch Fluorescein lên kết mạc. Trong trường hợp quá mẫn với thành phần thuốc, hiện tượng xung huyết liên quan đến phù kết mạc sẽ nhanh chóng xuất hiện.

– Trong quá trình thăm khám hoặc điều trị, cần lưu ý tác dụng phụ, chống chỉ định, tương tác thuốc,… Từ đó cân nhắc về liều dùng như giảm liều hoặc thay thế thuốc có tác dụng điều trị tương đương nhưng an toàn hơn khi sử dụng trên bệnh nhân.

– Đối với việc sắp xếp thuốc, đặt các thuốc có nguy cơ cao ADR ở vị trí tách biệt, có thể dán nhãn hoặc làm ký hiệu lưu ý trong quá trình cấp phát thuốc.

– Các thông tin về báo cáo ADR đều được phổ biến đầy đủ qua bản tin dược lâm sàng, website bệnh viện, sinh hoạt chuyên môn với điều dưỡng để tất cả nhân viên y tế kịp thời cập nhật và theo dõi.

– Việc phát hành “Thẻ cảnh báo dị ứng thuốc” cũng góp phần hạn chế các ca ADR xảy ra.

Dưới đây là bảng tóm tắt các báo cáo ADR được gửi từ khoa, phòng giai đoạn tháng 11/2020 đến tháng 10/2021:

Bang tong ket ADR nam 2021