37

VIÊM GIÁC MẠC DO ONG ĐỐT

VIÊM GIÁC MẠC DO ONG ĐỐT

————————-

Viêm giác mạc do ong đốt là gì?

– Ong đốt giác mạc là một chấn thương mắt thường gặp ở những nước nông nghiệp, nhiệt đới, cận nhiệt đới như Việt Nam. Ý thức bảo vệ mắt của người dân khi lao động và sinh hoạt chưa cao, thường không đeo kính bảo hộ, chưa có kỹ năng sơ cứu kịp thời nên khi bị tai nạn thường để lại hậu quả nghiêm trọng, mắt đau nhức, kích thích nhiều, thị lực có thể giảm nặng hoặc thậm chí mù gần hoàn toàn, nọc ong còn có độc tính cao gây phản ứng dị ứng, trường hợp nặng có thể gây shock hoặc tử vong

– Viêm giác mạc do ong đốt là một chấn thương mắt trong môi trường tự nhiên, thường ít gặp nhưng có thể gây ra nhiều tổn thương từ nhẹ đến nặng trên nhãn cầu như nhiễm trùng, gây độc, tăng nhãn áp, viêm dữ dội,…thậm chí là dẫn đến hậu quả mất thị lực nặng.

– Đối với các bệnh nhân bị tổn thương giác mạc do ong đốt, đây là tình trạng cấp cứu, điều quan trọng nhất là phát hiện ngòi ong và lấy ngòi ong ra ngoài càng sớm càng tốt kết hợp với dùng thuốc để phục hồi tổn thương và hạn chế biến chứng về sau.

Hình 1. Ong vò vẽ, ngòi ong và bụng ong bị xé rách sau khi ong đốt 
(Nguồn: Kularatne Keerthi, 2014)

Nguyên nhân

Sau khi đốt người, các ngòi ong bị đứt ra, lưu lại trên tổ chức rồi túi nọc tiết ra nọc độc thẩm thấu vào tổ chức gây nên các phản ứng tại vết đốt như đau, ngứa, đỏ, sưng nề, nhiễm trùng…

Ong đốt gây tổn thương nhãn cầu dựa trên 3 cơ chế: chấn thương cơ học, viêm do nọc ong và phản ứng miễn dịch với dị vật Nhiều chất tiết có độc từ nọc ong, trong đó có 2 nhóm amin hữu cơ:

– Nhóm độc tố đa peptide không phải enzyme (melitin, apamin, iminimine, dưỡng bào) gây phá vỡ dưỡng bào, giải phóng Histamin, các chất hóa hướng động gây viêm đồng thời hủy protein các cấu trúc.

– Nhóm enzyme (Phospholipase A, B, hyaluronidase) gây ngừng hoạt động màng tế bào, giải phóng amin hữu cơ (Histamin, Dopamin)

Ong vò vẽ có thành phần nọc tương tự nhưng có thêm acetylcholin.

Chất tiết có độc hay còn gọi là nọc từ các tuyến khác nhau của ong nói riêng và côn trùng gây ra các phản ứng bệnh lý với nhiều mức độ trên nhãn cầu viêm kết giác mạc, thoái hóa nội mô, glaucoma, xuất huyết tiền phòng, đục thủy tinh thể, bán lệch thủy tinh thể, viêm màng bồ đào, viêm pha lê thể, viêm gai thị, bệnh lý hắc võng mạc…

Triệu chứng của viêm giác mạc do ong đốt là gì?

Ong có thể đốt vào mí mắt, vào kết mạc hay giác mạc của người bệnh gây viêm cấp tính, sưng đau dữ dội. Trong đó, ong đốt vào giác mạc tuy ít gặp nhưng có thể gây ra thương tổn nặng nề, nhất là tình trạng viêm giác mạc cấp do nọc độc của ong tiết ra thẩm thấu trực tiếp vào giác mạc của người bệnh. Sau khi bị ong đốt, tùy vào độ nặng của tổn thương mà bệnh nhân sẽ có các triệu chứng từ nhẹ tới nặng như sau:

– Mắt đỏ và đau, cảm giác cộm vướng, ngứa, rát, cảm giác dị vật trong mắt.

– Chảy nước mắt.

– Mí mắt có thể sưng phù dẫn đến khó mở mắt, đau, có hiện tượng kích ứng do chất tiết trong túi nọc độc của ong tiết ra.

– Mắt nhìn mờ hơn, tầm nhìn bị giảm, mức độ tùy thuộc vào vị trí bị tổn thương do ngòi ong và thời gian bị tổn thương.

– Mắt bị nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Hình 2. Dị vật ngòi ong và viêm giác mạc do ong đốt 
(Nguồn: Khoa giác mạc Bệnh viện Mắt)

Bạn cần làm gì khi bị ong đốt?

Ngay lập tức đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực có ong, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời. Nghỉ ngơi, hạn chế cử động, không được dùng tay nặn vì có thể làm vỡ túi nọc độc hoặc đẩy ngòi vào sâu hơn bên trong mắt.

Khi bị ong đốt trên cơ thể, bệnh nhân cần được sơ cứu:

− Lấy bỏ ngòi ong và túi nọc càng sớm càng tốt, chú ý không được làm vỡ túi nọc.

− Rửa sạch vết đốt với xà bông và nước sạch.

− Đắp lạnh vết đốt làm giảm đau và chậm hấp thu chất độc.

− Nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Ở cơ sở y tế, nhân viên y tế tiến hành thăm khám, xác định tình trạng của bệnh nhân và điều trị tùy mức độ phản ứng của mỗi bệnh nhân. Có 3 mức điều trị chính:

− Điều trị phản ứng tại chỗ: Thường chỉ cần dùng kháng histamin và Corticoid.

− Điều trị phản ứng phản vệ: tùy thuộc vào độ năng của bệnh, điều trị sốc phản vệ nếu có.

− Điều trị rối loạn chức năng đa cơ quan do ong đốt: tùy dạng lâm sàng (sốc muộn, phù phổi cấp, tiểu hemoglobine và myoglobine, suy thận cấp, rối loạn chức năng đa cơ quan) để lựa chọn phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao nhất (bù dịch, vận mạch, thở máy, bù máu, lọc máu).

Điều trị viêm giác mạc do ngòi ong

Tiên lượng đối với những bệnh nhân bị viêm giác mạc do ong đốt phụ thuộc vào vị trí ngòi đâm vào nhãn cầu, số lượng vết đốt, thời gian từ khi bị đốt cho đến khi được điều trị, mức độ tổn thương giác mạc và phương pháp điều trị. Nếu bệnh nhân đến sớm và kịp thời, được sử dụng phương pháp điều trị tốt, tổn thương có thể tiến triển phục hồi tốt, giữ lại được thị lực tốt cho bệnh nhân.

Ngược lại, nếu bệnh nhân đến muộn, giác mạc bị tổn thương nặng nề, dù có thể phẫu thuật lấy ngòi và túi nọc độc ra nhưng tổn thương tại giác mạc và thị lực sẽ phục hồi kém , có thể dẫn đến mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn.

 

Hình 3. Viêm giác mạc do dị vật ngòi ong trước và sau khi phẫu thuật lấy ngòi ong 
Hình phải: Dị vật và thâm nhiễm viêm nhu mô giác mạc, phù giác mạc. Hình trái: Viêm giác mạc do độc tố ngòi ong 
(Nguồn: Khoa giác mạc Bệnh viện Mắt)

Điều trị tình trạng cấp sau khi bị ong đốt vào mắt:

– Thực hiện phẫu thuật lấy dị vật.

– Kháng viêm: giảm tình trạng viêm gây ra do độc tố ngòi ong.

– Kháng sinh nhỏ tại chỗ phòng ngừa nhiễm trùng.

– Kháng histamin giảm phản ứng dị ứng do các amine hữu cơ.

Điều trị các ảnh hưởng dài hạn của mắt do ngòi ong gây nên:

– Điều chỉnh loạn thị do sẹo giác mạc

– Ghép giác mạc xuyên nếu ngòi và nọc ong làm sẹo giác mạc trung tâm, tổn thương tế bào nội mô gây mất bù nội mô giác mạc

– Phẫu thuật đục thủy tinh thể.

– Phẫu thuật cắt bè củng mạc

Tóm lại, khi bị ong đốt sưng mắt bạn cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, xác định vị trí ngòi ong và thực hiện phẫu loại bỏ chúng ra ngoài càng sớm càng tốt.

KHOA GIÁC MẠC