7

VIÊM KẾT MẠC DO ENTEROVIRUS

GIỚI THIỆU

  • Viêm kết mạc cấp là bệnh lý rất thường gặp tại mắt. Có khoảng 20 – 70% nguyên nhân viêm kết mạc (VKM) là do virus, bao gồm DNA virus và RNA virus. Tuy nhiên RNA virus thường gây ra các dạng viêm kết mạc lành tính hơn. 

Hình 1: Cấu trúc của Enterovirus

  • Enterovirus là một chi của Picornavirus (pico-: nhỏ, là những virus RNA nhỏ), là RNA virus chuỗi đơn đặc trưng bởi cấu trúc nhị thập diện, không có màng lipid bao bên ngoài. Tất cả Enterovirus đều có tính kháng nguyên không đồng nhất và phân bố dịch tễ rộng. Enterovirus bao gồm nhiều loại, tuy nhiên Enterovirus type 70 (EV70) và biến thể type 24 Coxsackievirus A (CA24v) là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm kết mạc xuất huyết cấp tính (AHC), cũng là biểu hiện lâm sàng đặc trưng của nhóm VKM do Enterovirus.

ĐẶC ĐIỂM

LÂM SÀNG

  • Viêm kết mạc xuất huyết cấp tính (AHC) do EV70, biến thể coxsackievirus A24 và ít gặp hơn là Adenovirus type 11 gây ra, là một trong những hội chứng do virus ở mắt nghiêm trọng nhất, hay xảy ra ở các vùng nhiệt đới.
  • Thời gian ủ bệnh khoảng 1 ngày, VKM khởi phát đồng thời hoặc tuần tự ở cả hai mắt (mắt còn lại trong vòng 1 – 2 ngày) trong thời gian ngắn sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm1. Bệnh bắt đầu bằng các triệu chứng đau đột ngột, chảy nước mắt, cảm giác có dị vật, kết mạc cương tụ, viêm kết mạc nang, xuất huyết dưới kết mạc và sưng quanh hốc mắt. Xuất huyết dưới kết mạc có thể xuất hiện dưới dạng các chấm nhỏ hoặc xuất huyết lớn với phạm vi rộng trên toàn bộ kết mạc nhãn cầu. Vùng thái dương trên là vị trí xuất huyết phổ biến nhất. Viêm giác mạc chấm nông (nếu có) thường nhẹ.

Hình 2: Viêm kết mạc xuất huyết cấp ở hai mắt (Mắt trái nặng hơn).

  • Mặc dù EKC (bệnh cảnh VKM do Adenovirus) với triệu chứng xuất huyết dưới kết mạc nổi bật có thể giống với AHC, nhưng AHC có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, diễn biến bệnh nhanh hơn và ít ảnh hưởng đến giác mạc hơn.
  • Trong khoảng 1/10.000 trường hợp do Enterovirus 70, bệnh nhân sẽ bị liệt giống như bại liệt; các khiếm khuyết thần kinh là vĩnh viễn ở một phần ba số người bị ảnh hưởng. Nhiễm trùng EV toàn thân có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện các biểu hiện lâm sàng bao gồm sốt, phát ban, nhức đầu, bệnh đường hô hấp, đau họng, viêm cơ tim, nôn mửa và tiêu chảy

    Hình 3: Viêm kết mạc xuất huyết cấp tính. A.Mắt trái bị viêm giác mạc sau 1 tuần viêm kết mạc xuất huyết cấp tính hai bên. B. Viêm kết mạc hai bên với xuất huyết dưới kết mạc và phù mi mắt.

 

  • AHC rất dễ lây với tốc độ nhanh chóng và tạo thành các đợt dịch lớn. Có nhiều nghiên cứu về các đợt bùng phát VKM (hay đau mắt đỏ) tại Châu Á, T. Gogoi và cộng sự (tại Ấn Độ – năm 2023) nghiên cứu có tới 86,36% mẫu VKM (được lấy trong đợt dịch tại địa phương) dương tính với Enterovirus và trong đó đa số liên quan tới Coxsackievirus A24, tác giả còn đề cập thời tiết nóng với độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho sự lây lan của enterovirus. Tương tự có nhiều nghiên cứu mô tả thời điểm thường xảy ra nhất của VKM do virus là vào mùa hè. Theo Zhang (tại Trung Quốc – năm 2017) chỉ ra rằng AHC xảy ra theo mùa, rõ rệt với đỉnh điểm từ tháng 8 đến tháng 10 và độ tuổi khởi phát trung bình là 24 tuổi.

CẬN LÂM SÀNG   

Chẩn đoán thường dựa trên các đặc điểm lâm sàng. Trường hợp bệnh diễn tiến nặng, lâu lành hoặc ở các nghiên cứu dịch tễ trong các đợt bùng phát dịch, nuôi cấy và PCR là các công cụ thường được sử dụng nhất để chẩn đoán tác nhân gây bệnh, phát hiện các tác nhân phổ biến (EV70 và CA24v) và loại trừ nhiễm Adenovirus.

ĐIỀU TRỊ

  • Bệnh khởi phát nhanh và khỏi trong vòng 1–2 tuần. Triệu chứng VKM sẽ khỏi trong vòng 4–6 ngày, tuy nhiên xuất huyết sẽ hết chậm hơn. Bệnh thường tự giới hạn nên chỉ nên kê đơn điều trị triệu chứng (chườm lạnh, nước mắt nhân tạo) và chủ yếu là các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm.
  • Chưa có thuốc kháng virus nào có hoạt tính trên Enterovirus được sản xuất. Việc sử dụng corticosteroid không được khuyến khích vì là yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của loét giác mạc.
  • Phương pháp điều trị tương lai: sử dụng liệu pháp hợp chất kháng virus dựa trên vị trí liên kết axit sialic để ngăn ngừa AHC hiện đang được nghiên cứu.

DỰ PHÒNG

  • Enterovirus là nhóm virus không có vỏ lipid bao ngoài, vì vậy nên chúng tương đối kháng với tác động của môi trường, có thể tồn tại trong nhiều tuần bên ngoài vật chủ và việc sử dụng cồn để khử trùng dụng cụ y tế không đủ để ngăn ngừa sự lây truyền bệnh tật. Bệnh có thể xảy ra thành dịch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, bệnh chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc tay – mắt – tay. Dự phòng nhiễm Enterovirus chủ yếu dựa vào việc giảm thiểu sự lây lan và tăng cường hệ thống miễn dịch.
  • Các biện pháp dự phòng nhiễm enterovirus:
  • Rửa tay sạch sẽ thường xuyên: Rửa tay với xà phòng và nước ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn. Nếu không có xà phòng và nước, có thể sử dụng dung dịch rửa tay có cồn.
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh: Tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng bệnh như sốt, ho, sổ mũi, các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp, người đang đau mắt đỏ để giảm nguy cơ lây lan virus.
  • Vệ sinh đồ dùng cá nhân: Không dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn tay, khăn mặt,…), đặc biệt là những người có triệu chứng bệnh.
  • Vệ sinh các bề mặt tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, bàn ghế, và đồ chơi trẻ em bằng dung dịch khử trùng. Khử khuẩn dụng cụ khám mắt sau mỗi lần khám.
  • Hạn chế tiếp xúc nơi đông người: Vì đặc điểm bệnh có thể lây lan thành dịch trong cộng đồng nên trong mùa dịch (dịch đau mắt đỏ), nên hạn chế đến những nơi đông người (trường học, trung tâm thương mại hoặc các khu vực công cộng).
  • Giữ vệ sinh môi trường sống: Nên vệ sinh thường xuyên nơi ở, đặc biệt là những nơi có trẻ nhỏ (đối tượng dễ bị nhiễm Enterovirus).
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Đảm bảo giấc ngủ đủ và tập thể dục thường xuyên cũng góp phần giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.

TỔNG KẾT

Viêm kết mạc do Enterovirus là bệnh có nguy cơ lây cao, tạo thành dịch trong cộng đồng. Lâm sàng thường đặc trưng bởi thể bệnh VKM xuất huyết. Bệnh thường khởi phát nhanh nhưng có thể tự giới hạn và khỏi trong vòng 1 -2 tuần. Hiện tại, không có điều trị đặc hiệu, phương pháp điều trị hiện tại bao gồm điều trị triệu chứng (chườm lạnh, nước mắt nhân tạo). Đây là bệnh có khả năng lây lan cao nên quan trọng hơn hết là dự phòng khả năng lây lan thành dịch dựa trên việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay đúng cách, vệ sinh môi trường sống, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Ngoài ra cần duy trì sức khỏe tăng cường miễn dịch để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mannis MJ, Holland EJ, eds. Cornea. Fifth edition. Elsevier; 2022.
  2. Liu J, Zhang H. Epidemiological investigation and risk factor analysis of acute hemorrhagic conjunctivitis in Huangshi port district, Huangshi city. Computational and Mathematical Methods in Medicine. 2022;2022(1):3009589.
  3. American Academy of Ophthalmology. External Disease and Cornea. (Feder RS, ed.). American Academy of Ophthalmology; 2024.
  4. Boynes A, Pham C, Jardine D, Chan E. Ocular Manifestations of Enterovirus: An Important Emerging Pathogen. Ophthalmology Science. 2024;4(6)
  5. Gogoi T, Naznin T, Nath K, Sarmah N, Borkakoty B. A clinical study on current patterns of epidemic conjunctivitis in a tertiary care hospital of Assam, North-East India. Indian Journal of Ophthalmology. 2024;72(10):1527-1529.
  6. Zhang L, Zhao N, Huang X, et al. Molecular epidemiology of acute hemorrhagic conjunctivitis caused by coxsackie A type 24 variant in China, 2004–2014. Scientific reports. 2017;7(1):45202.
  7. Salmon JF. Kanski’s Clinical Ophthalmology : A Systematic Approach. Tenth edition. Elsevier; 2025.
  8. Langford MP, Sebren AR, Burch MA, Redens TB. Methylene blue inhibits acute hemorrhagic conjunctivitis virus production and induction of caspase-3 mediated human corneal cell cytopathy. Clinical Ophthalmology. 2020:4483-4492.
  9. Yanoff M, Duker JS, Bakri SJ, et al., eds. Ophthalmology. Sixth edition. Elsevier; 2023.