Viêm loét giác mạc là gì?
Viêm loét giác mạc là tình trạng viêm nhiễm của giác mạc (tròng đen) có liên quan nhiễm trùng (vi trùng, nấm, virus, ký sinh trùng,..) hoặc không liên quan nhiễm trùng (thiếu Vit A, bỏng, hở mi, bệnh lý toàn thân,…). Viêm loét giác mạc nhiễm trùng thường xảy ra sau một chấn thương cơ học.
Viêm loét giác mạc có mủ tiền phòng
Triệu chứng:
- Đau nhức mắt.
- Chảy nước mắt, sợ ánh sáng, mí mắt nhắm chặt lại.
- Mắt nhìn mờ.
- Mắt đỏ nhiều, đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen.
- Xuất hiện đốm trắng to hay nhỏ ở bất cứ nơi nào trên giác mạc.
- Đôi khi sẽ thấy một ngấn mủ màu trắng ở trước tròng đen.
Nguyên nhân:
- Viêm nhiễm: Vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng.
- Dinh dưỡng: Thiếu vitamin A, liệt dây thần kinh VII gây ở mi,…
Phương pháp chẩn đoán:
- Bệnh nhân được khám dưới kính hiển vi, đánh giá đặc điểm ổ loét giúp chẩn đoán sơ khởi nguyên nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm: lấy mô hoại tử giác mạc làm xét nghiệm tìm nguyên nhân. Do lượng mô ít hoặc bn đã dùng kháng sinh trước đó nên không phải lúc nào xét nghiệm cũng tìm ra tác nhân gây bệnh.
- Xét nghiệm tiên tiến hiện nay như PCR cho kết quả dương tính cao nhưng đắt tiền.
Điều trị:
- Điều trị dựa vào kết quả khám lâm sàng và/hoặc kết quả xét nghiệm: có thể vừa dùng thuốc nhỏ mắt kết hợp thuốc uống toàn thân. Nếu ổ nhiễm trùng diễn tiến thủng hay dọa thủng thì sẽ được chỉ định phẫu thuật bảo tồn như dán keo, ghép màng ối, ghép giác mạc,….
- Thời gian điều trị viêm loét giác mạc tùy nguyên nhân và độ nặng lúc nhập viện.
- Không dùng thuốc nhỏ có chất Dexa nếu không được sự cho phép của bác sĩ.
- Tránh dùng các chất kích thích (rượu, thuốc lá) trong thời gian điều trị.
- Ăn uống đủ chất, tinh thần lạc quan vui vẻ giúp nâng cao thể trạng làm bệnh mau lành.
- Giảm đau là dấu hiệu sớm nhất của đáp ứng điều trị
- Sau khi điều trị loét lành sẹo, nếu mắt vẫn nhìn mờ nhiều thì xem xét ghép giác mạc
- Lưu ý: phòng ngừa tránh xảy ra viêm loét xảy ra là quan trọng nhất (vì đa số viêm loét giác mạc được điều trị tốt nhất cũng để lại di chứng là sẹo giác mạc gây mờ mắt) như đeo kính bảo hộ khi lao động hoặc đi đường, tránh đeo kính tiếp xúc về đêm, khám và điều trị sớm khi bị bụi vô mắt,…
Theo dõi:
- Tiếp tục nhỏ thuốc theo toa bác sĩ, theo đúng chỉ dẫn loại thuốc..
- Tái khám định kỳ đúng theo ngày hẹn để tiện việc theo dõi. Tái khám sớm hơn nếu có dấu hiệu đau nhức, cộm, xốn, sợ sáng, chảy nước mắt sống xuất hiện trở lại.