Viêm màng bồ đào là viêm lớp giữa (màng bồ đào) của thành nhãn cầu có ảnh hưởng đến các cấu trúc lân cận như dịch kính, võng mạc, củng mạc, và thần kinh thị giác. Viêm màng bồ đào là nguyên nhân gây mù quan trọng ở người trẻ và người ở độ tuổi lao động. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng đắn, và tích cực, bệnh nhân sẽ bị mất thị lực.
Về nguyên nhân, viêm màng bồ đào được chia thành hai nhóm chính: do nhiễm trùng và không do nhiễm trùng.
Đối với nhóm viêm màng bồ đào do nhiễm trùng, việc điều trị bao gồm chống nhiễm trùng và chống viêm. Để chống nhiễm trùng, cần xác định tác nhân gây nhiễm là gì và thuộc nhóm siêu vi trùng (virus), vi trùng, vi nấm hay ký sinh trùng; và việc này không dễ dàng và khá tốn kém đối với viêm màng bồ đào do nhiễm trùng. Trong nhiều trường hợp, người bác sĩ phải dựa vào kinh nghiệm lâm sàng để suy luận chẩn đoán. Ngoài ra cần xác định còn có bộ phận nào khác trong cơ thể bị nhiễm trùng nữa không, ví dụ viêm não do toxoplasma trên người viêm màng bồ đào do toxoplasma có nhiễm HIV. Đối với nhiều tác nhân gây nhiễm, việc điều trị cần phải phối hợp với các bác sĩ chuyên khoa sâu khác, ví dụ như chuyên khoa da liễu trong trường hợp viêm màng bồ đào do giang mai, chuyên khoa lao trong trường hợp viêm màng bồ đào do lao … Ngoài ra, người bác sĩ nhãn khoa còn cần phải đánh giá xem bệnh nhân có các bệnh lý toàn thân nào hay không, ví dụ như nhiễm HIV-AIDS ở bệnh nhân viêm màng bồ đào do giang mai hay viêm võng mạc do cytomegalovirus; bệnh lý ác tính trên bệnh nhân viêm võng mạc do cytomegalovirus không nhiễm HIV … Khi đó người bệnh cần được gửi đến bác sĩ chuyên khoa tương ứng để điều trị các bệnh lý toàn thân này.
Đối với nhóm viêm màng bồ đào không do nhiễm trùng, việc đầu tiên cần phải xác định là chúng ta đã thực hiện đầy đủ các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân gây nhiễm thường gặp hay chưa. Nếu trên lâm sàng vẫn nghi ngờ, chúng ta nên thực hiện lại xét nghiệm ở một cơ sở khác.
Dựa vào các đặc điểm lâm sàng, dịch tể, và xét nghiệm, viêm màng bồ đào không do nhiễm trùng sẽ được phân nhóm, đặt tên nếu đủ các dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm thoả mãn tiêu chuẩn chẩn đoán. Một số trường hợp viêm màng bồ đào không do nhiễm trùng là biểu hiện của một bệnh lý tự miễn toàn thân. Ngược lại, một số bệnh lý có biểu hiện giống như viêm màng bồ đào nhưng không phải là viêm màng bồ đào nên được gọi là hội chứng giả viêm màng bồ đào, ví dụ như lymphoma nội nhãn. Việc phân nhóm, đặt tên cho từng loại viêm màng bồ đào rất quan trọng, nó giúp cho người bác sĩ nhãn khoa lựa chọn phương pháp điều trị, biết được thời gian điều trị và tiên lượng điều trị để giải thích cho bệnh nhân và để có kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân riêng biệt.
Hiện tại, thuốc điều trị viêm màng bồ đào không nhiễm trùng có ba nhóm chính: corticoid hay steroid, thuốc ức chế miễn dịch, và thuốc sinh học. Tuỳ theo loại viêm màng bồ đào, giai đoạn bệnh, người bệnh và đáp ứng điều trị mà bác sĩ nhãn khoa sẽ chọn loại thuốc và phác đồ thích hợp. Việc lựa chọn thuốc còn phải xét đến khả năng kinh tế của bệnh nhân nữa vì có một số thuốc giá rất cao. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần thực hiện một số xét nghiệm định kỳ để phát hiện tác dụng phụ của thuốc.
Tóm lại, điều trị viêm màng bồ đào là một quá trình kiên trì, bền bĩ của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Người bác sĩ nhãn khoa cần phải có kiến thức y khoa tổng quát sâu rộng, và phải phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ chuyên khoa khác để điều trị toàn diện cho bệnh nhân. Về phần bệnh nhân, người bệnh cần hiểu rõ tầm quan trọng của việc khai báo bệnh sử đầy đủ, tái khám đúng hẹn, dùng thuốc đúng liều, thực hiện đúng lời dặn của người thầy thuốc.
Bs Võ Quang Hồng Điểm