196

VUI TẾT GIÁP THÌN – BẢO VỆ, CHĂM SÓC “CỬA SỔ” TÂM HỒN

        Mỗi dịp Tết về, người người, nhà nhà rộn ràng đón Tết, dọn dẹp vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, sum vầy, liên hoan tiễn năm cũ qua đi, hân hoan chào năm mới đến. Giữa không khí vui mừng đó, vẫn “tiềm ẩn” nhiều nguy cơ chấn thương mắt do các hoạt động vui chơi và sinh hoạt ngày Tết.

Ảnh: Thăm khám một bệnh nhân sau điều trị chấn thương.

Tai nạn do pháo nổ vẫn còn “tiềm ẩn” nhiều nguy cơ chấn thương mắt

      Dù quy định pháp luật hạn chế việc đốt pháo trong khu dân cư, nhưng đâu đó vẫn còn tình trạng đốt pháo bừa bãi trước, trong và sau Tết Nguyên Đán. Hậu quả là nhiều ca tai nạn thương tích do pháo nổ đã xảy ra.

       Chỉ tính riêng một tuần giáp Tết Dương lịch năm 2024, khoa Tạo hình thẩm mỹ – Thần kinh nhãn khoa tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 3 trường hợp tai nạn liên quan đến pháo nổ. Riêng các tai nạn thương tích khác, Khoa cũng đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị khoảng 125 trường hợp (số liệu tính từ ngày 1/1/2024 đến 17/1/2024) từ sau Tết Dương lịch năm 2024.

       Vào một ngày cuối năm, kề cận Tết Dương lịch 2024, anh Q., 32 tuổi (ngụ ở Hóc Môn), nhập viện trong tình trạng 2 mắt bị bỏng da mi khá nặng, mắt phải bị xuất huyết tiền phòng, rách giác mạc. Sau khi điều trị, anh Q., cải thiện thị lực một phần. Qua khai thác bệnh sử, anh Q., cho biết: “Đang trong cuộc nhậu tất niên lai rai với hàng xóm, anh bị một nhóm trẻ con hàng xóm ném pháo đang nổ vào bàn nhậu, vụn nổ pháo văng vào mắt. Việc trẻ em tự ý chơi pháo là tình trạng phổ biến nhiều năm nay tại địa phương. Do đó, tai nạn do pháo nổ thường xuyên xảy ra cho chính bọn trẻ và người xung quanh, dù đã khiếu nại với các bậc phụ huynh nhưng vẫn “chứng nào tật nấy””.

      Không may mắn như anh Q., nhiều bệnh nhân khác vì tai nạn pháo mà xuất huyết nội nhãn, vỡ nhãn cầu phải cắt bỏ nhãn cầu hoặc gây sẹo giác củng mạc toàn bộ và mất thị lực vĩnh viễn.

      Bệnh nhân M., 23 tuổi, trong lúc trộn pháo tự chế tại nhà thì pháo nổ, hai mắt bị đa dị vật kết giác mạc, mắt trái đục vỡ thủy tinh thể phải cắt dịch kính và chất nhân thủy tinh thể vỡ, tứ chi bị bỏng nặng và phải cắt cụt một phần tay trái.

Ảnh minh họa: Một trường hợp chấn thương mắt phải do pháo nổ, đã khâu giác củng mạc

Ảnh minh họa:  Hình ảnh chấn thương mắt lúc nhập viện của một bệnh nhân bị pháo văng vào mắt trong lúc đứng xem người khác đốt pháo. Mắt trái bị xuất huyết nội nhãn, thị lực ghi nhận còn bóng bàn tay.

       Tổn thương do pháo nổ gồm nhiều mức độ từ nhẹ như bỏng kết giác mạc, bỏng mi mắt, bỏng da mặt, đến nặng như vỡ nhãn cầu, xuất huyết nội nhãn, phải cắt bỏ nhãn cầu, bỏng toàn thân diện rộng, bỏng tay chân nặng phải cắt cụt chi.

       Hầu hết các trường hợp tai nạn do pháo nổ liên quan đến sự thiếu hiểu biết của cả người lớn lẫn trẻ em, không tuân thủ quy định an toàn khi sử dụng pháo, dùng pháo tự chế, pháo lậu. Chỉ vì một phút bất cẩn, tò mò, hoặc xui rủi bị pháo rơi trúng mà có thể mất mạng hoặc gây lại thương tật vĩnh viễn, là nỗi hối hận của cả người bệnh và gia đình về sau.

        “Chơi pháo” là thú vui của nhiều thế hệ người Việt Nam nhân dịp năm mới, vậy để chơi pháo an toàn cần tuân thủ quy định của Nhà nước về thời điểm bắn pháo, tránh xa khu đông dân cư, đảm bảo khoảng cách an toàn của người chơi, người xem, không dùng pháo lậu, pháo không rõ nguồn gốc chứa các thành phần cháy nổ nguy hiểm.

         Đối với các em học sinh cần được giáo dục từ nhà trường, gia đình giúp các em nhận thức được mối nguy hiểm khi sử dụng pháo, không tự chế pháo, không chơi pháo mà không có kiểm soát từ người lớn.

Ảnh minh họa (nguồn: hometrainer.edu.vn)

Cảnh báo tai nạn sinh hoạt gia tăng đột biến trong dịp Tết

       Những ngày cuối năm gần kề, nhà nhà bắt đầu dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa đón Tết. Công việc đến hẹn lại lên này tưởng chừng đơn giản nhưng nếu bất cẩn có thể gây ra những tai nạn đáng tiếc.

      Thực tế hàng năm, đến gần dịp Tết, Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hàng loạt trường tai nạn sinh hoạt gây chấn thương liên quan đến mắt do dọn dẹp nhà và liên hoan ăn uống cuối năm.

Ảnh minh họa (nguồn: xaydungso.vn)

      Các trường hợp chấn thương mắt khi dọn dẹp nhà cửa khá đa dạng: bụi hoặc côn trùng bay vào mắt khi quét dọn. Các hoạt động nguy cơ tai nạn như leo trèo, khuân vác nặng dễ trượt té đập mắt vào bề mặt cứng, cắt cỏ bằng máy cắt bị mảnh đá văng vào mắt, bị nhánh cây chọc vào mắt khi chăm sóc tỉa tót hoa kiểng trong vườn, hoặc bị các vật dụng sắc nhọn đâm vào mắt như móc sắt, dây ràng, kiềm và tua vít, dây kẽm gai, móc áo kim loại…

      Bên cạnh lao động dọn dẹp, tiệc tùng liên hoan, tụ tập ăn uống sum vầy sau một năm vất vả đôi khi cũng chưa có một kết thúc viên mãn, vui vẻ chỉ vì một bất cẩn không may xảy ra.

      Như trường hợp một bệnh nhân nữ tên T, 29 tuổi (ở Bình Dương), đang mang thai 28 tuần, trong một buổi tiệc liên hoan đã bị bình ga mini nổ gây rách da mi, trán và gò má, vỡ nhãn cầu một mắt. Sau sự cố không may, bệnh nhân đã mất thị lực một mắt vĩnh viễn và sẹo khâu dài trên khuôn mặt. Em T, 18 tuổi, ở Hậu Giang, cũng gặp sự cố không may khi trong buổi tiệc cùng bạn bè, khi lỡ vài lời tranh chấp thì bị bạn bè đập ly bia vào mắt, mắt phải vỡ phức tạp, rách da mi trên dưới, mũi, môi. Sau buổi tiệc họp mặt, một mắt của em đã mất đi ánh sáng mãi mãi dù tuổi đời của em còn quá trẻ. Tết đến nhưng mùa xuân của những bệnh nhân này có lẽ không còn trọn vẹn.

        Để phòng tránh chấn thương mắt do các tai nạn sinh hoạt, khi dọn dẹp nhà cửa người dân cần cẩn trọng trong tư thế, thao tác lao động, sử dụng các thiết bị bảo hộ và nhờ sự hỗ trợ khi quá khả năng gắng sức. Khi tham gia liên hoan ăn uống, hãy tránh xa các dụng cụ cháy nổ không an toàn, “ăn chơi” vừa đủ và biết điểm dừng, luôn tự nhắc nhở “đằng sau mỗi cuộc vui là mỗi gia đình đang chờ người thân trở về”.

       Những ngày Tết đang đến gần trên từng tờ lịch thơm mùi giấy mới. Tết là niềm vui, là sum vầy, là hạnh phúc. Hãy vui Tết, tận hưởng Tết một cách an toàn, lành mạnh. Đừng để những tai nạn vô ý, một chút đùa nghịch vô tâm mà để lại hậu quả suốt đời.

 TS.BS. Nguyễn Thanh Nam