124

Xét nghiệm HBsAg là gì?

Viêm gan B được xem là “ kẻ giết người thầm lặng” vì hầu hết những người mắc bệnh đều không có bất kỳ biểu hiện nào thậm chí kể cả khi gan bị tổn thương nặng. Do vậy chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời viêm gan B là hết sức quan trọng để tránh những hậu quả nguy hiểm. Xét nghiệm HBsAg là một trong những xét nghiệm thường gặp trong các xét nghiệm liên quan đến các vấn đề về gan. Vậy xét nghiệm HbsAg là gì?

     1. HBsAg là gì?

         HBsAg có tên đầy đủ là Hepatitis B surface antigen, đây được xem là kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Khi có kháng nguyên này trong cơ thể nghĩa là bạn đã bị mắc viêm gan siêu vi B và có khả năng lây cho người khác qua máu và dịch tiết. Kháng nguyên HBsAg thường xuất hiện trong máu từ 01 đến 08 tuần sau khi tiếp xúc với virus viêm gan B.

 

                                                                      Virus viêm gan B

 

     2. Xét nghiệm HbsAg nói lên điều gì?

         Xét nghiệm HBsAg là một xét nghiệm phát hiện kháng nguyên trong máu của người xét nghiệm. Đây là xét nghiệm mang tính tầm soát, tức là khi đọc kết quả bác sĩ chỉ có thể biết bạn có đang nhiễm virus viêm gan B hay không mà thôi. Xét nghiệm không thể nói lên được tiên lượng mức độ nặng nhẹ hay khả năng lây nhiễm, nếu muốn có kết luận chính xác thì bác sĩ cần có những chỉ định để thực hiện thêm một số xét nghiệm chuyên sâu khác.

         Kết quả xét nghiệm HBsAg âm tính hoặc không có phản ứng, nghĩa là không tìm thấy kháng nguyên bề mặt viêm gan B, bạn không bị nhiễm viêm gan B tại thời điểm xét nghiệm.

         Kết quả HBsAg dương tính hoặc có phản ứng, nghĩa là đang nhiễm viêm gan B. Có 2 trường hợp sẽ xảy ra:

         – Kết quả HBsAg sau 6 tháng là âm tính thì khả năng cao bạn không bị nhiễm viêm gan B nữa. Xét nghiệm Anti HBs sẽ giúp xác định cơ thể có kháng thể hay chưa.

         – Nếu sau 6 tháng, HBsAg vẫn dương tính thì có khả năng bị nhiễm viêm gan B mạn tính. Lúc này cần điều trị lâu dài để ngăn chặn tổn thương ở gan và các biến chứng.

Test HBsAg dương tính

   Đối với phụ nữ mang thai bị nhiễm viêm gan B cần lưu ý vì viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn chu sinh (tuần thai thứ 28 đến hết ngày thứ 7 sau sinh). Do đó, người mẹ cần phối hợp với bác sĩ trong quản lý thai kỳ nhằm phòng chống tối đa nguy cơ lây nhiễm để bảo vệ sức khỏe trẻ.

       3. Cách phòng ngừa Viêm gan B tốt nhất:

Hiện nay việc điều trị viêm gan B là một trong những vấn đề khá khó khăn và tốn kém nhưng khả năng hồi phục lại không cao. Viêm gan B có thể lây truyền từ người sang người bằng nhiều đường như: máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Chính vì vậy, ngăn chặn virus xâm nhập cơ thể là hết sức cần thiết. Một trong những cách phòng ngừa viêm gan B tốt nhất là tiêm ngừa vaccin viêm gan B.