21

Ý nghĩa các xét nghiệm viêm gan siêu vi B

1. Tổng quan viêm gan B

Viêm gan virus B là một bệnh phổ biến toàn cầu, do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con. Nếu mẹ nhiễm HBV và có HBeAg (+) thì khả năng lây cho con là hơn 80% và khoảng 90% trẻ sinh ra sẽ mang HBV mạn tính.

Viêm gan virus B có thể diễn biến cấp tính, trong đó hơn 90% số trường hợp khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang viêm gan mạn tính và hậu quả cuối cùng là xơ gan hoặc ung thư gan.

HBV thuộc họ Hepadnaviridae, có cấu trúc DNA. Dựa vào trình tự các nucleotide, HBV được chia thành 10 kiểu gen khác nhau ký hiệu từ A đến J.

2. Ý nghĩa của các xét nghiệm virus viêm gan

2.1 HBsAg ( Hepatitis B surface antigen – Kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B)

  • HBsAg (+) là bằng chứng của nhiễm HBV
  • HBsAg dương tính kéo dài đạt nồng độ cao từ 1-10 tuần rồi giảm dần đến tháng 6 thì trở về âm tính
  • Nếu HBsAg (+) > 6 tháng, được coi là viêm gan B mạn tính

Một số ít trường hợp, HBsAg xuất hiện trở lại trên người đã có anti HBc và anti HBs khi bị suy giảm miễn dịch hay do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hay hóa trị liệu.

2.2. HBsAb hay Anti HBs ( Kháng thể đặc hiệu kháng HBsAg)

Anti HBs xuất hiện ngay sau khi HBsAg biến mất (hoặc muộn hơn sau 1-10 tuần tính từ HBs biến mất; hoặc 3 tháng kể từ khi khởi phát ). Vì sao có Anti HBs: Cơ thể nhận diện HBsAg là 1 kháng nguyên lạ → sản xuất ra kháng thể chống lại kháng nguyên HBsAg.

Xét nghiệm HBsAg (-), Anti HBs (+) chứng tỏ đã có miễn dịch với HBV:

  • Viêm gan B đã khỏi
  • Đã tiêm vắc-xin phòng HBV → cơ thể chỉ tạo ra có anti Hbs

==> Anti HBs đóng vai trò bảo vệ cơ thể, chống lại sự tái nhiễm HBV.

2.3. HBeAg ( Hepatitis B evelope antigen – Kháng nguyên vỏ virus viêm gan B )

HBeAg (+) xuất hiện ngay sau khi HBsAg (+) , HBeAg (+) trong khoảng 3 tháng rồi biến mất ( vì giai đoạn mới xâm nhập virus sẽ tăng sinh rất mạnh) và kèm HBV DNA tăng rất cao

HBeAg không dùng để chẩn đoán nhiễm HBV, nhưng có giá trị về mặt diễn biến giai đoạn của viêm gan B mạn.

HbsAg và HBeAg (+) phản ánh tình trạng virus đang nhân lên trong cơ thể.

2.4. Anti HBe ( Kháng thể đặc hiệu kháng HBeAg)

Anti HBe xuất hiện cuối giai đoạn cấp ( nồng độ HBsAg giảm, HBeAg mất) ==> Anti HBe (+) cho thấy sự nhân lên của virus đã giảm hoặc chấm dứt trong giai đoạn cấp tính hay đợt cấp viêm gan B mạn nhưng được điều trị hiệu quả.

Một số bệnh nhân HBV vẫn nhân đôi mặc dù đã có sự chuyển đổi huyết thanh HBeAg là do HBV bị đột biến tiền lõi (pre-core mutation) gọi là HBV thể đột biến. HBV loại này không sản xuất được HBeAg mặc dù HBV vẫn nhân đôi. HBV không đột biến gọi là HBV thể hoang dại ( wild type).

2.5. HBcAg (Hepatitis B core antigen – Kháng thể lõi VR VGB)

Kháng thể này nằm trong tế bào gan, xét nghiệm huyết thanh không phát hiện được nên không đề cập nhiều trong việc chẩn đoán viêm gan B và các giai đoạn của viêm gan dẫn đến không có giá trị thương mại. Nhưng trong huyết thanh HBcAg (+) khi tế bào gan bị phá hủy.

2.6. Anti HBc ( Anti hepatitis B core – Kháng thể kháng đặc hiệu kháng thể lõi của virus HBV)

Anti HBc bắt xuất hiện trong thời kỳ ủ bệnh ( từ tháng thứ 2) và dương tính kéo dài ==> Tùy vào thời điểm xét nghiệm mà Anti HBc phản ánh:

  • Bệnh nhân đang ở giai đoạn cấp tính.
  • Bệnh nhân mang virus mạn tính.
  • Người tiền sử nhiễm HBV nay đã khỏi.

==> Anti HBc không có vai trò bảo vệ cơ thể.

Ngoài các xét nghiệm đặc hiệu như đã nêu trên còn có các xét nghiệm Men gan khác để theo dõi đánh giá tình trạng bệnh nhân đang nhiễm virus viêm gan B,  nồng độ virus viêm gan B trong máu để quyết định điều trị, đánh giá điều trị và theo dõi viêm gan siêu vi B

3. Kết luận

Để kết luận hay đưa ra hướng điều trị và theo dõi cho người nhiễm virus viêm gan B thì bác sĩ cần phải khám nhiều lần, thực hiện xét nghiệm chuyên biệt có thể nhiều lần qua từng thời gian để chẩn đoán, quyết định điều trị và kể cả theo dõi điều trị. Các bệnh nhân khi bị nhiễm virus viêm Gan B nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi một cách tốt.