Rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu, viêm tụy, đái tháo đường tuýp 2… là những bệnh thường có định lượng triglyceride tăng cao. Do đó, xét nghiệm định lượng triglyceride nhằm đánh giá mức độ rối loạn mỡ máu và tầm soát, điều trị bệnh kịp thời.
Định lượng triglyceride là gì?
Triglyceride là loại chất béo có trong máu, cung cấp năng lượng nuôi các tế bào. Tuy nhiên, nếu lượng triglyceride tăng quá nhiều trong máu dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim, viêm tụy, xơ vữa mạch máu…
Việc xét nghiệm định lượng triglyceride nhằm phân tích hàm lượng triglyceride có trong máu ở mức độ nào. Kết quả xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng cân bằng giữa trọng lượng lipid đưa vào và mức độ chuyển hóa lipid trong cơ thể. Người bệnh có cần điều trị hay không.
Ý nghĩa của định lượng triglyceride máu
Chất béo trung tính triglyceride chiếm tới 95% tổng lượng chất béo có nguồn gốc từ mỡ động vật và dầu thực vật được đưa vào cơ thể mỗi ngày thông qua ăn uống. Xét nghiệm định lượng triglyceride có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi kiểm tra tình trạng sức khỏe, đánh giá nguy cơ mắc bệnh do rối loạn mỡ máu gây ra.
Nhờ xét nghiệm, bác sĩ đánh giá nguy cơ một số bệnh có thể xảy ra như: tim mạch, đái tháo đường, viêm tụy… Từ đó, người bệnh điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường tập thể dục, uống thuốc theo chỉ định, tuân thủ phác đồ điều trị để đẩy lùi hoặc phòng ngừa khả năng mắc bệnh xảy ra.
Định lượng triglyceride bao nhiêu là bình thường?
Xét nghiệm sinh hóa máu giúp định lượng triglyceride chính xác. Mẫu máu người bệnh thường được thực hiện bằng phương pháp enzym so màu.
Trước khi xét nghiệm, người bệnh cần nhịn ăn trước đó từ 8 – 12 giờ, không uống bia rượu trước đó 24 tiếng đồng hồ. Người bệnh thông báo cho bác sĩ biết những loại thuốc đang uống để tránh kết quả xét nghiệm sai số.
Chỉ số định lượng triglyceride |
Mức độ |
0.46 – 1.59 mmol/L (dưới 150 mg/dL) | Bình thường |
1.6 – 2.25 mmol/L (150 – 199 mg/dL) | Khá cao |
2.26 – 5.64 mmol/L (hoặc 200 – 499 mg/dL) | Cao |
≥ 5.65 mmol/L (≥ 500 mg/dL) | Nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, đột quỵ… |
Triglyceride cao gây ảnh hưởng cho sức khỏe ra sao?
Mục đích xét nghiệm định lượng triglyceride giúp phát hiện sớm một số bệnh có nguy cơ mắc hoặc để theo dõi, phối hợp điều trị một số bệnh.
1. Chỉ số triglyceride trong máu bao nhiêu là cao?
Kết quả xét nghiệm triglyceride từ 2.26 – 5.64 mmol/L (hoặc 200 – 499 mg/dL) thuộc dạng cao, còn trên 5.65 đã rất cao. Với người bệnh có kết quả xét nghiệm định lượng triglyceride cao sẽ được bác sĩ theo dõi, điều trị theo từng mức độ, từng giai đoạn bệnh. Người bệnh có thể điều trị đơn lẻ hoặc phối hợp thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc uống.
2. Các biến chứng có thể xảy ra khi chỉ số triglyceride tăng cao
- Rối loạn mỡ máu: nồng độ triglyceride tích tụ quá nhiều trong máu sẽ bám vào các thành mạch, cản trở quá trình lưu thông máu, dẫn đến rối loạn mỡ máu, cảnh báo nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, đột quỵ…(2) Bên cạnh xét nghiệm các chỉ số cholesterol toàn phần, LDL – cholesterol (mỡ máu xấu), HDL – cholesterol (mỡ máu tốt) thì xét nghiệm định lượng triglyceride sẽ giúp bác sĩ nhìn tổng quát hơn về tình trạng mỡ máu của bệnh nhân.
Một người bị rối loạn mỡ máu khi:
- LDL – Cholesterol > 3,4 mmol/L.
- HDL – Cholesterol < 0,9 mmol/L.
- Triglyceride >4,5 mmol/L.
- Cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L.
Xét nghiệm rối loạn mỡ máu sớm giúp người bệnh cải thiện sức khỏe kịp thời, giảm tình trạng mỡ trong máu để tránh kéo theo các biến chứng lên tim, gan, tụy…
- Tăng huyết áp: hàm lượng triglyceride trong máu càng nhiều sẽ thuận lợi cho sự hình thành các mảng xơ vữa, gây chít hẹp lòng mạch máu. Khi dòng máu bị cản trở lưu thông, thành mạch máu gia tăng áp lực sẽ dẫn đến bệnh tăng huyết áp. Nhờ xét nghiệm định lượng triglyceride nói riêng và mỡ máu nói chung, người bệnh được bác sĩ theo dõi, điều chỉnh để ổn định huyết áp, phòng ngừa các bệnh ở tim.
- Gan nhiễm mỡ: khi lượng triglyceride tiết ra quá nhiều so với nhu cầu cơ thể sẽ khiến tình trạng triglyceride ứ đọng ở gan. Việc siêu âm, đo fibroscan, xét nghiệm chức năng gan, công thức máu và các chỉ số sinh hóa máu ( trong đó có cả định lượng triglyceride) giúp người bệnh xác định gan có đang bị nhiễm mỡ hay không.
- Viêm tụy: tăng triglyceride là một trong những rối loạn chuyển hóa dẫn đến viêm tụy. Với những xét nghiệm nhanh chóng, kịp thời, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
- Đái tháo đường tuýp 2: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ nhận định 70% người bệnh đái tháo đường tuýp 2 bị rối loạn mỡ máu. Ngược lại, cholesterol cao (trong đó có triglyceride) là yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn so với người có cholesterol ổn định.
Nên làm gì khi triglyceride máu tăng cao?
Khi định lượng triglyceride khá cao: triglyceride vừa vượt khỏi mức bình thường, với chỉ số từ 1.6 – 2.25 mmol/L (150 – 199 mg/dL) nên người bệnh chưa cần uống thuốc, việc điều trị theo những cách sau:
- Giảm cân: góp phần giúp người thừa cân, béo phì giảm rối loạn mỡ máu. Người bệnh giảm ăn tinh bột (cơm trắng, xôi, bánh mì, bún), tránh thức ăn nhanh, đồ uống có chất kích thích hay nước ngọt, không ăn khuya, ăn quá nhiều, tăng cường ăn nhiều rau xanh có chất xơ, uống nước lọc…
- Giảm tiêu thụ đường: mỗi ngày tiêu thụ không quá 20g đường tinh. Nếu sử dụng đường nhiều hơn so với khả năng chịu đựng của cơ thể (như ăn nhiều cơm, bánh kẹo, nước ngọt, trái cây ngọt…) thì lượng đường dư thừa được tích lũy thành mỡ dự trữ, dẫn đến thừa cân, béo phì. Ví dụ, một lon nước ngọt 330ml (chứa khoảng 34g đường) thì người tiêu dùng đã tiêu thụ một lượng đường vượt mức khuyến cáo trong 1 ngày.
- Chế độ ít tinh bột: trung bình một người bình thường (dân văn phòng) nếu tiêu thụ 1600-1800Kcal mỗi ngày thì năng lượng từ chất bột đường nên ở mức 960-1000Kcal, tương đương 1-1,5 chén cơm mỗi bữa. Việc ăn nhiều tinh bột dễ tích tụ triglyceride gây rối loạn mỡ máu, nhất là người lớn tuổi.
- Giảm tiêu thụ chất béo không lành mạnh: tránh hoặc hạn chế ăn thường xuyên thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ động vật (da gà, da vịt, da heo, mỡ heo, bơ, sữa, lòng đỏ trứng gà, phô mai, nội tạng động vật… để giảm mỡ máu.
- Tập thể dục: mỗi ngày nên tập thể dục ít nhất 30 phút như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đánh cầu lông, tennis… để giảm lượng mỡ trong cơ thể.
- Hạn chế tối đa rượu bia thuốc lá: bởi đây là nhóm gây rối loạn mỡ máu, dẫn đến nguy cơ xơ vữa mạch máu, đột quỵ…
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh khoa học: bất kể người bị bệnh hay chưa bị bệnh đều tuân thủ chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ 4 nhóm chất: bột đường (cơm, bún, mì, nui…), đạm (thịt, cá, đậu hủ…), chất béo (dầu, mỡ…), vitamin và khoáng chất (rau củ quả…). Tuy nhiên, dựa vào chỉ số BMI của cơ thể từng người, tình trạng bệnh nền của mỗi cá nhân mà có chế độ ăn khác nhau. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng hợp lý, khỏe mạnh.
Khi triglyceride cao
- Dùng thuốc: với người bệnh có định lượng triglyceride cao, nhất là người có bệnh nền như rối loạn mỡ máu, tim mạch, tiểu đường… thì việc điều trị thuốc giảm mỡ máu còn góp phần tránh những biến chứng khác gây ra.
Định lượng triglyceride được thực hiện như thế nào?
- Trước xét nghiệm: nhịn đói ít nhất từ 8 – 12 giờ, không uống bia rượu trước 24 giờ. Người bệnh được đo huyết áp, chiều cao cân nặng và hỏi thăm tình trạng bệnh.
- Trong xét nghiệm: người bệnh được lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay bằng một loại kim nhỏ. Nhờ đó, người bệnh không thấy đau, cảm giác như châm chích. Lượng nhỏ máu sẽ được đưa vào lọ hoặc ống nghiệm. Tổng thời gian lấy máu diễn ra nhanh chóng, chưa tới 5 phút.
- Sau xét nghiệm: mẫu máu người bệnh được đưa ngay về Trung tâm Xét nghiệm. Sau khi hệ thống máy hiện đại nhất sẽ chạy kết quả. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, thông tin chỉ số định lượng triglyceride của người bệnh được chuyển thẳng về phòng khám của bác sĩ. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ đọc kết quả và đưa ra phác đồ chuẩn để điều trị kịp thời.
Định lượng triglyceride là một xét nghiệm được bác sĩ chỉ định thường xuyên để tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời những nguy cơ về tim mạch, viêm tụy, đái tháo đường… có liên quan đến rối loạn mỡ máu.